Văn hóa

Dấu ấn vùng đất nhìn từ bảo vật quốc gia

HÀ SẤU 12/01/2025 09:00

Bốn bảo vật quốc gia của Quảng Nam vừa được công nhận không những là các hiện vật, nhóm hiện vật độc bản, quý hiếm mà còn phản ánh đời sống đặc sắc một thời của cư dân vùng đất này.

Mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: Bảo tàng Quảng Nam
Mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Ảnh: Bảo tàng Quảng Nam

Trong số 33 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận trong đợt cuối cùng của năm 2024 có đến 4 bảo vật của Quảng Nam. Trong đó, 2 bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến giữa thế kỷ I Công nguyên.

Các hiện vật gốc, độc bản

Tại Bảo tàng Quảng Nam, bộ sưu tập trang sức vàng văn hóa Sa Huỳnh ở khu mộ táng Lai Nghi (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) gồm 108 đơn vị hiện vật còn nguyên vẹn, được chia thành 2 nhóm, lưu giữ ở đây.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, đây là các hiện vật gốc, độc bản, được phát hiện tại khu mộ táng Lai Nghi qua khai quật khảo cổ, có tầng văn hóa nguyên vẹn, đã được phân tích niên đại bằng nhiều phương pháp. Các hiện vật độc đáo về tạo hình, điển hình, có giá trị lịch sử, văn hóa nên đã đáp ứng các tiêu chí được công nhận là bảo vật quốc gia.

Trong khi đó, 2 bảo vật trống đồng và thạp đồng thuộc sở hữu của ông Lương Hoàng Long (trú TP.Hội An) qua thẩm định đều có niên đại thuộc Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ thứ IV - III trước Công nguyên đến thế kỷ I - II Công nguyên).

Trống đồng Đông Sơn có đường kính mặt 49,5cm, chiều cao 35,5cm, đường kính chân 56cm. Hiện trạng cơ bản còn nguyên vẹn. Qua hình khắc trên trống, lần đầu tiên chúng ta được biết tới một linh vật mà người Việt xưa tạo ra khá gần gũi với mỹ thuật cổ đại Ai Cập thể hiện ở bức tượng nhân sư nổi tiếng (đầu người mình sư tử).

Hình khắc linh vật của nghệ nhân Đông Sơn cũng siêu thực không kém: vừa có thân và đuôi xù của loài chồn, vừa có mỏ giống chim và sừng hươu. Và biết tới các công đoạn của tục hiến tế bò và người, có lẽ là để tế thần sông cũng được mô tả chi tiết. Một số hoa văn sinh động khác đều góp phần phản ánh đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của cư dân người Việt xưa.

Còn Thạp đồng Đông Sơn có dáng hình trụ, thuộc loại có nắp. Thạp có chiều cao toàn bộ (kể cả nắp) là 58cm, đường kính miệng thạp 39cm, đường kính chân đế thạp 35,5cm.

Đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn có hình thức độc đáo còn nguyên vẹn, có những hoa văn lần đầu các nhà khảo cổ học biết đến, từ hoa văn chiếc xiếm, hoa văn hình con công đang đứng trên lưng con rùa, hoa văn hình người đang ngồi trên trống đồng để đánh trống da, hoa văn người bị hiến tế đang bị giam trong khoang lầu hay bị nắm tóc để chuẩn bị hiến tế và 4 khối tượng miêu tả 4 con chó săn được tạo hình trên nắp thạp.

Chuyển tải tinh hoa vùng đất

Với 2 bảo vật trống đồng và thạp đồng, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho biết, đây là những hiện vật có giá trị cao trong việc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, góp phần phục dựng lịch sử cổ đại của đất nước từ kinh tế, xã hội, đời sống tinh thần của ông cha ta.

Screenshot_20250108_090313_Microsoft 365 (Office)
Bảo vật Trống đồng Đông Sơn thuộc sở hữu của ông Lương Hoàng Long

Đây cũng là sản phẩm đầy trí tuệ, biểu hiện cho tài năng sáng tạo, sự khéo léo và tinh xảo hiếm có của tổ tiên với kỹ thuật luyện kim đồng thau bản địa - nền văn hóa đồng thau vào loại bậc nhất Đông Nam Á. Điều này cũng góp phần khẳng định trình độ văn hiến của cư dân Đông Sơn đã khá cao so với các cư dân Đông Nam Á đương thời.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 7 bảo vật quốc gia đơn lẻ và bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi.

Đối với Bảo tàng Quảng Nam, sự hiện diện của bảo vật quốc gia tạo sức hút lớn, thúc đẩy quảng bá và gia tăng lượng khách đến tham quan bảo tàng, cũng như nhận được sự quan tâm từ các cơ quan nhà nước về kinh phí bảo quản, nghiên cứu, trưng bày. Đây cũng là nguồn tư liệu quý để tổ chức các hoạt động giáo dục cộng đồng, nghiên cứu khoa học và văn hóa.

Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam cho hay, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ triển khai các ứng dụng công nghệ số để bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật như quét 3D, số hóa hiện vật, tổ chức trưng bày trực tiếp và trực tuyến, tuyên truyền, quảng bá, phát huy hơn nữa giá trị các hiện vật này trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Cạnh đó, Bảo tàng Quảng Nam sẽ tiếp tục xây dựng hồ sơ cho các bộ đồ tùy táng chất liệu đồng, sắt… đã phát hiện tại khu vực Lai Nghi.

HÀ SẤU