Tác phẩm, tác giả

Cân bằng giữa những chênh vênh

Thân Thị Thùy Trâm (Lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) 12/01/2025 10:22

“Có một người nằm trên mái nhà” của Phan Triều Hải là hành trình tìm kiếm sự cân bằng, hay cũng chính là chấp nhận sự chênh vênh không thể hòa giải giữa con người với vũ trụ, giữa ước mơ và trách nhiệm, giữa bản chất tự nhiên và sự định danh của xã hội, giữa tự do luôn phải mưu cầu và ràng buộc không thể chối bỏ…

40419143-d4f4-4e93-b697-a45cee314204_a59b3f1c0e834c3bb8ee57aeaa4da07c.jpg
Tác phẩm "Có một người nằm trên mái nhà". Ảnh: Minh họa

Đối diện với vũ trụ mênh mông và thời gian thăm thẳm, địa vị, vinh quang hay nỗi thống khổ của con người bị xóa nhòa trong sự vô cùng đó. Các nhân vật trong truyện bị mờ hóa - không tên tuổi, không quê hương, không rõ nghề nghiệp và nhạt nhòa ký ức. Thế giới người như một đám mây mong manh với những giọt nước vô danh, trong khoảnh khắc sao chổi bay qua trái đất. Dẫu ngàn năm đám mây còn đó, nhưng con người đã đến và đi, lặng lẽ…

Trong cõi đời ngắn ngủi ấy, con người phải sống để tìm cho mình một cái tên, một định danh trong xã hội hay chấp nhận sự nhỏ bé và hư vô để sống với “ước vọng người” của mình?

Con số hai mươi ba độ rưỡi được nhắc đi nhắc lại trong truyện là một sự vênh lệch của cán cân đáng lẽ phải cân bằng theo lý tưởng - cán cân của khát vọng và trách nhiệm. Thói quen nằm trên mái nhà vào mỗi tối biến “tôi” thành kẻ điên rồ với gia đình, nhưng cho “tôi” nhiều tự do và không gian để ước mơ, suy ngẫm, hồi tưởng.

Nằm trên mái nhà là một sự “phá rào” để thoát khỏi những khuôn khổ đời sống. Nhưng khi hướng đến khát vọng, con người bỏ quên trách nhiệm, bị trách mắng “chẳng làm gì ra hồn”.

Khi trở về với trách nhiệm và trật tự, con người lại đánh mất ước mơ và “chẳng biết làm gì cho hết ngày”. Khi nghiêng về khát vọng, con người bị lạc loài bởi lý tưởng của mình. Nhưng khi chú tâm vào đời sống thực tại, đôi mắt con người không thể nhìn thấy những điều diệu kỳ của cõi sống.

Truyện ngắn “Có một người nằm trên mái nhà” đã tạo nên hai phần không gian - thời gian trái ngược nhau. Bên dưới mái nhà là không gian của đời thường, bên trên là mơ ước. Ban ngày là thời gian con người phải cúi xuống vì sức nặng của nghĩa vụ, ban đêm là lúc họ ngẩng lên để ngóng vọng những vì sao.

Con người luôn cố gắng thiết lập những trật tự, quy ước để mô hình hóa thế giới phức tạp bộn bề và bất định. Nhưng đồng thời, họ luôn phải ở trong cuộc đấu tranh tự thân cho tự do của chính mình.

“Tự do là điều mà con người hoặc là phải đấu tranh giành lấy nó bằng đúng cái giá của nó, hoặc là chấp nhận sống mà không có nó” (Jose Marti). Hoặc là chấp nhận mạo hiểm và cô độc, hoặc là chết rũ trong sự an toàn, đó là một lựa chọn.

Nhân vật tôi cuối cùng đã trở về cuộc sống bên dưới mái nhà sau khi gặp gỡ ngôi sao chổi Hale Bopp diệu kỳ. Nhưng liệu ký ức về giây phút ấy có đủ nuôi sống tâm hồn anh vượt qua những trận bão cát của cuộc sinh tồn? Liệu nhân vật “tôi”có tìm được sự cân bằng ở góc nghiêng hai ba độ rưỡi của mái nhà? Liệu nhân sinh có tìm được sự bằng an ở góc nghiêng hai ba độ rưỡi của trục trái đất?

Chẳng ai sống qua một khoảnh khắc đến hai lần. Mỗi bước đi là một lựa chọn cam go. Mỗi cuộc tìm đường là một dấu hỏi. Nhưng khi đã lựa chọn, con người không thể quay đầu, chỉ có thể tiếp tục hướng về phía trước, dù chênh vênh...

Thân Thị Thùy Trâm (Lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông)