Chính trị

Thăng Bình in sách về 20 trận đánh tiêu biểu của Lực lượng vũ trang huyện

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 13/01/2025 07:30

Hai mươi trận đánh tiêu biểu của các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Thăng Bình sẽ được xuất bản thành sách và ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng giải quê hương Thăng Bình (26/3/1975 - 26/3/2025).

image-20250108212657-1.jpeg
Trước khi xuất bản, huyện Thăng Bình đã tiếp thu các ý kiến góp ý từ các nhân chứng lịch sử và nguyên lãnh đạo huyện. Ảnh: BIÊN THỰC

Cách đây 60 năm, rạng sáng 4/9/1960, Tiểu đoàn 70 phối hợp với các đội công tác, bộ đội huyện, du kích xã, diệt đồn Đất Đỏ, kết hợp với nhân dân bên trong nổi dậy phá khu dồn Hà Châu - An Lý, giải phóng hoàn toàn Bình Phú.

Đây là mốc son chói lọi đã được ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Phú nói riêng, cũng như quân và dân tỉnh Quảng Nam nói chung. “Địa điểm chiến thắng Hà Châu - An Lý” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 41 ngày 5/1/2023.

0110.jpg
Nguyên lãnh đạo huyện Thăng Bình qua các thời kỳ tham gia góp ý kiến về tập sách. Ảnh: BIÊN THỰC

Đó là một trong 20 trận đánh tiêu biểu được huyện Thăng Bình chọn lựa đưa vào Tập sách “Một số trận đánh tiêu biểu của các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Thăng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Bản thảo tập sách đang được lấy ý kiến rộng rãi từ nhân chứng lịch sử, cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ...

Bà Võ Thị Đoan Trang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình cho biết, Ban Tuyên giáo và Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã nghiên cứu, phối hợp biên soạn tập sách gồm 20 trận đánh tiêu biểu, đảm bảo nguồn thông tin tư liệu trong số hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên địa bàn.

z6211696728910_c2ee859e42da821d9880f800cfc0fbbd.jpg
Sơ đồ chiến dịch tấn công tổng lực Hiệp Đức - Đồng Dương của Sư đoàn 2 và Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam...Ảnh: Do BTG Thăng Bình cung cấp

Mỗi trận đánh được bố cục nội dung theo hướng từ bối cảnh tình hình, tương quan lực lượng giữa ta và địch; đến diễn biến, kết quả, nguyên nhân và ý nghĩa, đã khắc họa những cống hiến oanh liệt của lực lượng vũ trang từng chiến đấu trên mảnh đất Thăng Bình anh hùng.

Góp ý cho tập sách, ông Trần Hồng Anh - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thăng Bình cho rằng, thể văn nên theo lối kể chuyện, sinh động nhưng phải đảm bảo sự chân thực. Cùng với đó, mỗi trận đánh ghi rõ họ tên người chỉ huy, vũ khí được trang bị; các địa danh lịch sử phải ghi cụ thể, chính xác, nếu có thay đổi phải chú thích rõ.

0110-1-.jpg
Các ý kiến góp ý cho tập sách được huyện Thăng Bình tiếp thu, lĩnh hội. Ảnh: BIÊN THỰC

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tâm - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huyQuân sự tỉnh, lịch sử phải là sự thật nhưng cách miêu tả phải sinh động, dễ đọc, dễ hiểu. Tập sách thuộc thể loại tổng kết chiến tranh nên việc rút ra ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm là rất quan trọng. Ngoài ra sớm xuất bản tập sách để đưa vào chương trình giảng dạy cho các đối tượng phù hợp.

Tiếp thu ý kiến góp ý, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình - Phan Công Vỹ cho biết, huyện sẽ lĩnh hội, đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để bổ sung, điều chỉnh để ra mắt tập sách đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thăng Bình.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC