Thế giới

Việt Nam trở thành "vua sầu riêng" của thế giới

NAM VIỆT 13/01/2025 14:42

(QNO) - Trang CNBC (Mỹ) tuần qua đưa tin, Việt Nam trở thành "vua sầu riêng" thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD vào năm ngoái.

sau(1).jpg
Sầu riêng Việt Nam hấp dẫn người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc. Ảnh: StraitsTimes

Việt Nam khẳng định vị thế của "gã khổng lồ" mới trên thị trường sầu riêng toàn cầu.

Theo báo cáo của các nhà đầu tư, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam năm 2024 tăng gấp 7,8 lần so với năm 2022 và chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam.

Thành quả trên phần lớn nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc - nơi sầu riêng được xem là loại trái cây xa xỉ và là nguyên liệu sáng tạo trong ẩm thực.

Điển hình, tháng 11/2024, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt tổng cộng 1,53 triệu tấn, trị giá 6,83 tỷ USD - tăng 9,4% về lượng và tăng 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm 47% thị trường béo bở này, bám sát vị trí dẫn đầu của Thái Lan.

Tại Trung Quốc, sầu riêng trở thành hiện tượng thịnh hành trong tầng lớp trung lưu với một loạt sản phẩm sáng tạo như lẩu sầu riêng, bánh mì sầu riêng và tiệc buffet sầu riêng theo chủ đề.

Việt Nam tận dụng cơ hội đó bằng cách duy trì sản xuất quanh năm và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cao cấp của thị trường đông dân thứ hai thế giới với 1,4 tỷ người.

Cạnh đó, CNBC cho rằng thành tích của Việt Nam nhờ chiến lược toàn diện bao gồm cải tiến chất lượng, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường quốc tế.

Hội chợ sầu riêng tại Trung Quốc với sự tham gia của các nhà xuất khẩu đến từ Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Ảnh: Xinhua
Hội chợ sầu riêng tại Trung Quốc với sự tham gia của các nhà xuất khẩu đến từ Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Ảnh: Xinhua

Việt Nam hiện tận dụng hơn 150 nghìn héc ta diện tích trồng sầu riêng, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng cao để duy trì sản lượng chất lượng cao trong suốt cả năm.

Hơn nữa, sầu riêng của Việt Nam có bước tăng trưởng vượt bậc kể từ khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch từ giữa năm 2023.

Đến tháng 8/2024, Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, lợi thế bảo quản để xâm nhập thị trường.

Theo đó, Việt Nam cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và triển khai công nghệ đông lạnh hiện đại, củng cố thêm vị thế sầu riêng của Việt Nam.

Câu chuyện thành công về sầu riêng của Việt Nam chứng minh cách lập kế hoạch chiến lược có thể biến một sản phẩm nông nghiệp địa phương thành một mặt hàng toàn cầu có giá trị cao.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá vào năm 2025 với sản lượng dự kiến tăng 15%. Trong khi đó, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới.

NAM VIỆT