Tổng Bí thư Tô Lâm: Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường sống còn
(QNO) - Nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Sáng 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Hội nghị được triển khai nhằm quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh.
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng.
Hiện thực hóa khát vọng
Trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, đồng thời xem đây là hội nghị toàn quốc lần thứ hai được tổ chức qua hơn sáu thập niên, kể từ Đại hội lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam vào ngày 18/5/1963.
Hội nghị toàn quốc lần thứ hai được tổ chức, với quy mô và tầm vóc mới, phản ánh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong việc đẩy mạnh phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
“Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi KHCN, ĐMST và CĐS là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta” - Tổng Bí thư Tổ Lâm phát biểu.
Tổng Bí thư cho biết: Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực KHCN.
Để đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp, trong đó phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Trong đó, Nhà nước cần tập trung 4 việc, đó là: Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; Tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; Đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá để toàn hệ thống chính trị cùng triển khai, thực hiện. Một trong số đó là cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo đó, trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Đồng thời, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về KHCN. Trong quý I/2025, hoàn thành việc sắp xếp lại các tổ chức KHCN; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh; ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá. Năm 2025, năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ KHCN, ĐMST và CĐS; tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho KHCN lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo…
Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số
Tổng Bí thư Tổ Lâm
Quán triệt 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Theo đó, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Bảy nhóm giải pháp bao gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy; khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS; trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài; đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Trong nhóm giải pháp về đầu tư hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên phát triển hạ tầng số với phương châm "hạ tầng số phải luôn đi trước một bước”; đảm bảo ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp KHCN là cần thiết để phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề “Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST, CĐS quốc gia”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia vẫn còn có những hạn chế cơ bản. Thời gian đến cần tập trung đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật. Trong đó cần hoàn thiện pháp luật phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định.