Ngành ngân hàng Quảng Nam sẵn sàng nguồn vốn kích thích tăng trưởng địa phương
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết ngành ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế để kích thích, thúc đẩy tăng trưởng địa phương năm 2025.
Tín dụng tăng thấp
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam công bố hệ thống ngân hàng (gồm 31 tổ chức tín dụng, 3 quỹ tín dụng, 1 văn phòng đại diện, 26 chi nhánh cấp 2 và 114 phòng giao dịch) phân bổ đều khắp các xã, phường, thị trấn, tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất vay không còn là rào cản lớn khiến doanh nghiệp không thể với tay đến đồng vốn ngân hàng trong hiện tại.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) niêm yết công khai các mức lãi suất tại quầy giao dịch, trang tin điện tử, đưa ra nhiều gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi.
Chỉ cần có dự án tốt, đáp ứng các tiêu chí của ngân hàng thì chỉ sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể được giải ngân. Thậm chí các khách hàng tốt, tài chính lành mạnh, minh bạch thì lãi suất cho vay còn được ưu đãi, giảm nhiều hơn.
Bình quân lãi suất cho vay tại địa bàn ở mức 7,61%/năm (ngắn hạn 6,64%, trung hạn 9,98% và dài hạn 9,43%). Lãi suất cho vay có xu hướng giảm khoảng từ 1,02 - 1,4% tùy kỳ hạn vay, loại hình kinh tế, mục đích sử dụng khoản vay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay đạt 114.742 tỷ đồng, tăng 7,38% so năm trước với 264.278 khách hàng còn dư nợ. Tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ dư nợ ngắn hạn (64%), giảm tỷ trọng dư nợ trung hạn, dài hạn (36%).
Thống kê cũng cho thấy tín dụng ngân hàng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng lớn, có mức tăng cao so với tốc độ tăng chung của tín dụng toàn địa bàn.
Chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất thuộc về cho vay nông nghiệp, nông thôn (27,89%, tăng 14,29%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (13,07%, tăng 2,75%), công nghiệp hỗ trợ (6,1%, tăng 50,99%) và xuất khẩu (1,13%).
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nhận định, diễn biến tăng trưởng dư nợ cho vay của ngành ngân hàng năm 2024 khá phức tạp. Chủ yếu tăng trưởng trong quý IV. Tuy nhiên, mức tăng thấp, chưa đạt chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm khi chỉ đạt 93,46% kế hoạch.
Hiện chỉ có 4/34 đơn vị vượt chỉ tiêu (Agribank, Vietcom Hội An, Techcombank, MB). Chất lượng tín dụng có xu hướng giảm mạnh trong các tháng cuối năm, từ 3,99%/tổng dư nợ trong 5 tháng đầu năm đã giảm xuống còn 1,42/tổng dư nợ, tăng 3,67% so với đầu năm và vẫn có 8/34 đơn vị có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ trên 3%.
Theo lý giải của các TCTD, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Sức khỏe doanh nghiệp cải thiện chưa đáng kể, dẫn đến cầu tín dụng loại hình doanh nghiệp chưa tăng. Thiếu những dự án kinh doanh hiệu quả để cho vay.
Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chưa có dự án nào được phê duyệt. Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản chưa phát sinh dư nợ.
Tăng trưởng tín dụng không đạt kế hoạch có phải là nỗi bất an của nền kinh tế? Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, với tốc độ tăng trưởng GRDP 2024 địa phương tăng 7,1% thì mức tăng trưởng tín dụng 7,31% của ngành ngân hàng đóng góp vào GRDP không phải nhỏ.
Quy mô nền kinh tế 129 nghìn tỷ đồng thì dư nợ hiện hữu gần 115 nghìn tỷ đồng cho thấy mức độ tham gia vào sự phát triển kinh tế địa phương của dòng vốn ngân hàng rất lớn. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ (tăng 50,99%), đã góp phần vào mức tăng 13,5% của ngành sản xuất công nghiệp - ngành chủ lực của địa phương.
Đủ vốn cho nền kinh tế
Kế hoạch tăng trưởng GRDP Quảng Nam năm 2025 được ấn định tăng từ 9,5 - 10%; sẽ đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng năm 2025. Điều này sẽ mở rộng cơ hội cho các ngân hàng trong việc cho vay các dự án hạ tầng lớn, tạo thêm nguồn vốn cho nền kinh tế.
Nhu cầu vốn cho nền kinh tế tái phục hồi và phát triển rất lớn. Tín dụng là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng để nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng.
Giám đốc nhiều TCTD cam kết sẽ sẵn sàng mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng vốn ra thị trường, nhưng phải đi đôi với sự an toàn, hiệu quả, chất lượng đồng vốn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tín dụng năm 2025 tăng 16%. Tuy nhiên, con số này không phải con số pháp định. Các ngân hàng có thể linh hoạt điều chỉnh tùy thuộc vào thực tế, điều kiện kinh tế, nhu cầu đầu tư, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam chưa công bố con số tăng trưởng tín dụng năm 2025, nhưng khẳng định hệ thống ngân hàng địa phương đủ năng lực đáp ứng vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả, cho phát triển sản xuất, tiêu dùng.
Tỷ lệ tăng trưởng GRDP 9,5 -10% sẽ tăng thêm nhiều vốn tương ứng và nhu cầu vốn sẽ không bị hạn chế. Ông Phạm Trọng nói tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế và doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã, đang và sẽ sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế phát triển.
Theo kế hoạch, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ chỉ đạo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, triển khai chương trình, chính sách tín dụng đặc thù.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen. Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.
Theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với ngành ngân hàng triển khai chính sách, chương trình tín dụng phù hợp.
Theo ông Phạm Trọng, điều quan trọng là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đến nơi cần chảy, đúng nơi cần của nền kinh tế hấp thụ, năng lực quản lý rủi ro, tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế. Không phải là dựa vào con số tăng trưởng nhiều hay ít. Tăng trưởng tín dụng mỗi năm luôn được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương...
Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đảm bảo khả năng thanh khoản
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam yêu cầu trong năm 2025 các TCTD tăng trưởng tín dụng hợp lý, đúng quy định pháp luật trên cơ sở đảm bảo khả năng thanh khoản và các rủi ro liên quan, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; đưa ra các giải pháp, rà soát, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn.
Tuy nhiên, các TCTD không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh. Phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Mở rộng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng...