Giao thông - Xây dựng

Hạn chế hạ tầng giao thông ở Đông Giang

CÔNG TÚ 16/01/2025 08:04

Dù đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nhưng hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Đông Giang vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là các tuyến kết nối liên vùng, đường vào khu sản xuất.

QL14G gặp sự cố sẽ dẫn đến ùn tắc kéo dài. Ảnh: C.T
Quốc lộ 14G xuống cấp nên phương tiện lưu thông khó khăn. Ảnh: C.T

Giao thông ách tắc

Đang lưu thông trên quốc lộ (QL) 14G từ hướng Đà Nẵng đến trung tâm huyện Đông Giang, hàng dài phương tiện phải dừng lại tại địa phận thôn A Liêng (xã A Ting, Đông Giang). Nguyên do có một ô tô 4 chỗ bị lún bánh, ngầm xe bị chặn bởi lớp bùn đất nên không thể di chuyển.

Tại vị trí nêu trên, nhà thầu đang làm cống thoát nước qua đường. Làm được một nửa cống, đơn vị thi công cho hoàn trả lại nửa mặt đường để đảm bảo giao thông, rồi chuyển qua làm phần còn lại. Tuy nhiên, do hoàn trả không kỹ, lớp đá cấp phối gặp mưa trộn lẫn bùn đất gây lún khi lưu thông.

Theo người dân địa phương, QL14G là tuyến độc đạo qua địa bàn, không có đường đi vòng. Vào mùa mưa, nếu xảy ra sạt lở, lưu thông trên tuyến QL14G kết nối từ Đà Nẵng với các huyện Đông Giang, Tây Giang này sẽ bị chia cắt.

Cư trú tại xã Ba (Đông Giang) hơn 49 năm, một người dân chia sẻ, QL14G vẫn chưa thấy chuyển biến căn bản về quy mô, chất lượng mặt đường. Việc cải tạo chỉ dừng ở duy tu, bảo dưỡng nới rộng mặt đường được một số đoạn, còn lại hầu hết là mặt cắt nhỏ, quanh co.

Thiếu kinh phí kiên cố hóa bê tông mặt đường, tuyến đường vào khu dân cư A Dinh chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Ảnh: C.
Thiếu kinh phí kiên cố hóa bê tông mặt đường, tuyến đường vào khu dân cư A Dinh chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Ảnh: C.

Vào mùa mưa bão, các huyện Đông Giang và Tây Giang lại nơm nớp lo QL14G, đường Hồ Chí Minh bị ách tắc. Từ huyện Tây Giang muốn xuống Đà Nẵng, người dân di chuyển trên đường Hồ Chí Minh, vào địa phận thị trấn Prao (Đông Giang) rồi mới xuống QL14G.

Nhưng mùa mưa bão, đường Hồ Chí Minh nối giữa Tây Giang với Đông Giang thường xuyên xảy ra sạt lở. Muốn lên Tây Giang, người dân Đông Giang chỉ có thể lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, ngoài ra không còn tuyến đường bộ nào khác để tiếp cận.

Ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang cho biết, từ chủ trương thí điểm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn miền núi, tuyến đường vào khu sản xuất khu dân cư A Dinh (thị trấn Prao) được đầu tư với chiều dài tuyến 3km; nền đường rộng 5m; bề mặt đường cấp phối đá dăm; tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 9,9 tỷ đồng).

Hoàn thành vào năm 2023, công trình đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại sản xuất, an cư. Ô tô tải đến tận nương rẫy thu mua sản phẩm nên bán được giá, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, tuyến đường này vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả, vì thiếu kinh phí kiên cố hóa mặt đường.

Cấp thiết đầu tư

Theo ông Hồ Hiệp - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Đông Giang, huyện đã cố gắng huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông.

Đường nội thị phía tây thị trấn Prao đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: C.T
Đường nội thị phía tây thị trấn Prao đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: C.T

Điển hình như đường nội thị phía tây thị trấn Prao có điểm đầu tại đường Hồ Chí Minh ở phía bờ tây sông A Vương, đến xã A Rooi dài 7,3km với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 162 tỷ đồng) đã cơ bản hoàn thành.

Đường nội thị phía đông kết hợp hạ cos nền tránh nguy cơ sạt lở đồi Kiểm Lâm vào khu dân cư thị trấn Prao có tổng mức đầu tư 249 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 224 tỷ đồng) nay đã đạt khoảng 80% khối lượng. Trên tuyến ĐH1.ĐG, cầu Sông Vầu có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng đang giai đoạn gác dầm, phấn đấu về đích trước 3 tháng so với kế hoạch.

Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, dù huyện đã nỗ lực hết sức, nhưng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là giao thông mang tính kết nối liên vùng, đường vào khu sản xuất kết hợp tái định cư cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài đường Hồ Chí Minh, giữa Đông Giang và Tây Giang chưa có tuyến đường bộ nào kết nối liên thông, an toàn. Với địa hình hiện trạng, cấp thẩm quyền không thể mở thêm một tuyến đường song song với QL14G.

Vậy nhưng, trục QL14G vẫn chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng; chỉ mới sửa chữa chắp vá, nên vẫn là rào cản lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp lên tìm hiểu cơ hội đầu tư, song khi thấy thực tế QL14G đã “một đi không trở lại”.

Việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông có tính đột phá, lan tỏa, đáp ứng được sự cần thiết về nhu cầu đi lại của nhân dân, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Đông Giang, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội rất cần thiết.

Để tháo “điểm nghẽn” nêu trên không chỉ riêng của các huyện miền núi phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT cần sớm có chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn diện tuyến QL14G.

Ngày 8/1/2025, UBND huyện Đông Giang đã có tờ trình gửi HĐND, UBND tỉnh về bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2025 - 2030 nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, hạ tầng giao thông gồm 3 danh mục: Dự án đường giao thông liên xã A Ting - Jơ Ngây - Sông Kôn; Dự án đường giao thông xã A Rooi, huyện Đông Giang nối xã Dang, huyện Tây Giang; Dự án sửa chữa nâng cấp nền mặt đường vào khu dân cư A Dinh.

CÔNG TÚ