Mai một nghề chằm nón xứ Quảng
Nghề chằm nón lá thủ công tại các làng Giảng Hòa (xã Đại Thắng, Đại Lộc), Mỹ Xuyên (nay là thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), Quế Minh (Quế Sơn) từng vang danh khắp xứ Quảng nay chỉ còn vài hộ bám trụ vì muốn giữ nghề cha ông…
Nghề “ăn nên làm ra” một thuở
Nằm bên bờ sông Thu Bồn, làng Giảng Hòa, nay đã được di dời và sáp nhập với tên gọi mới là thôn Thuận Hòa, xã Đại Thắng từng nổi danh với nghề chằm nón lá thủ công.
Bà Huỳnh Thị Giai (SN 1954), người đã có hơn 60 năm trong nghề chằm nón cho biết, xưa ở Giảng Hòa, mọi người sống chủ yếu bằng nghề nông, sau đó có bà Mua (không rõ họ) - người ở Duy Xuyên về làm dâu đất này, mang theo nghề chằm nón.
Ngày đó, nghề chằm nón lá tại Giảng Hòa có thể được coi là “ăn nên làm ra”, với hơn 80% số hộ trong làng theo nghề. Một số hộ chuyên đi mua nguyên liệu về bán, một số khác chuyên đi thu gom nón để mang đi bán cho các mối lái ở chợ.
Những người như bà Giai đã gánh nón Giảng Hòa đi bán khắp các chợ tại Đại Lộc, lên tới tận Đại Bường, Trung Phước (Nông Sơn), xuống tới tận chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn)… Theo như chia sẻ của bà Giai, nghề chằm nón lá đã nuôi sống gia đình bà cũng như nhiều gia đình khác trong làng.
Để làm ra một chiếc nón chắc, bền, đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Nhất là công đoạn xoay lá, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, tròn và đẹp. Trung bình mỗi ngày một gia đình có có thể làm ra 3-5 chiếc nón.
“Làng nón Giảng Hòa hồi đó rất nhộn nhịp, đông vui, từ đầu làng đến cuối xóm đâu đâu cũng thấy cảnh phơi lá nón, xe cước, chằm nón...” - bà Giai nhớ lại.
Về đâu làng chằm nón?
Cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi trang phục của con người, chiếc nón lá của làng Giảng Hòa xưa (Đại Thắng) dần mất bóng. Bà Thể - một mối sỉ chuyên thu mua nón lá trong làng cho hay: “Tôi bán hàng tại chợ Phú Thuận đã mấy mươi năm. Nón Giảng Hòa bây giờ khó tiêu thụ hơn trước, sức mua giảm sút nên phải lưu kho bán dần”.
Làng Giảng Hòa (cũ) của xã Đại Thắng chỉ còn 4-5 hộ còn làm nghề, họ tranh thủ lúc nhàn rỗi mang nón ra chằm để kiếm thêm thu nhập, vừa giữ nghề xưa.
Nhiều năm bám nghề, bà Nguyễn Thị Ca nói: “Hiện nay hiếm người biết nghề, vả lại nón làm ra không biết bán cho ai”. Bà Ca tuổi đã cao, mắt kém nên để làm ra một cái nón mất hơn một ngày, giá bán mỗi chiếc hiện nay 80-100 nghìn đồng, tất cả nguyên liệu phải mua, trong khi nón làm ra bán rất chậm nên thu nhập khá thấp.
Trên đất Duy Xuyên, làng chằm nón Mỹ Xuyên thuộc xã Duy An cũ, (nay là thị trấn Nam Phước) từng vang danh một thuở, nay cũng mai một.
Theo người già trong làng, nghề chằm nón lá làng Mỹ Xuyên xưa kia có nguồn gốc từ vùng Thanh Nghệ, thuở những dân binh ở Thanh Hóa, Nghệ An theo vua Lê Thánh Tông theo chân Đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công vào lập làng, đã mang theo nghề chằm nón của vùng Thanh Nghệ vào đất này. Vào thời kháng chiến chống Pháp, nghề chằm nón mới phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa. Hiện, nơi đây chỉ còn một số hộ còn biết nghề, song chỉ làm khi có người đặt hàng…
Xã Quế Minh (Quế Sơn) từng nổi tiếng với nghề chằm nón truyền thống với hàng trăm hộ theo nghề. Nơi đây có chợ nón lá Quế Minh, là đầu mối tiêu thụ sản phẩm nón lá do người dân trong vùng làm ra. Nghề chằm nón Quế Minh xưa kia đem lại cơm no, áo ấm cho dân làng.
Thế nhưng, chiếc nón lá Quế Minh cũng không trụ vững trước sự khắc nghiệt của thời gian, của thị trường. Những người thợ chằm nón lành nghề của xứ Quảng dần khuất bóng, lớp trẻ chẳng mặn mà kế nghiệp, nguy cơ mất dấu vết của những làng chằm nón xứ Quảng là khó tránh khỏi.