Tín hiệu khả quan cho hai dự án y tế của Quảng Nam
Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đã bố trí cho 2 dự án đầu tư y tế (289 tỷ đồng) đến hết 31/12/2025. Quyết định này tạo thuận lợi để hai dự án có đủ cơ hội hoàn thiện và giải ngân hết vốn đầu tư khi kết thúc niên độ đầu tư.
Chạy đua thi công
Ông Trần Duy Phúc - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng Quảng Nam nói, TTYT Núi Thành và Đại Lộc đã bàn giao, đưa vào sử dụng.
TTYT Nam Giang và Tiên Phước đang làm thủ tục nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu kỹ thuật xong sẽ báo cáo Sở Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng. Chậm nhất qua Tết Nguyên đán 2025 (tháng 2/2025) sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng 2 TTYT này.
Dự án đầu tư 5 TTYT với tổng vốn đầu tư 92 tỷ đồng, cơ bản đã hoàn tất 4 công trình. Chỉ còn TTYT huyện Quế Sơn, nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng thi công đầu tháng 7/2024.
Hiện Khoa Truyền nhiễm đang hoàn thiện điện nước, sơn bả, Khoa Đông y đang hoàn thiện thi công. Dự kiến sẽ hoàn thành xây lắp, tổ chức nghiệm thu kỹ thuật trong một vài ngày tới.
Gói thầu mua sắm thiết bị y tế (7,65 tỷ đồng) cũng đã triển khai công tác mua sắm, lắp đặt, sẽ hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng ngay trong tháng 1/2025.
Không sôi động đầu tư như dự án 5 TTYT, dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế (TYT) tuyến xã” (197 tỷ đồng) gặp khá nhiều bất trắc. Chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực chạy đua thời gian, tiến độ đầu tư.
Công ty TNHH xây dựng và thương mại Saiko đã gây bất ngờ trong cuộc kiểm tra, giám sát đột xuất của chủ đầu tư tại các TYT Bình Trung, Bình Giang, Bình Đào (Thăng Bình) ngày 15/1/2025, khi chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 10/2024) đã hoàn tất việc thi công, tường rào, cổng ngõ, khu điều trị...
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trạm trưởng TYT Bình Giang nói, không thể ngờ được trong thời tiết khắc nghiệt mà nhà thầu đã thi công nhanh như vậy. Vôi vữa, gạch đá... dù vẫn còn đầy sân, nhưng chỉ cần vài ngày nắng là sẽ dọn sạch sẽ. TYT dự định xin cải tạo gian nhà cũ còn hạn sử dụng để làm kho, nhưng hạng mục này nằm ngoài dự án nên phải chờ tiền nơi khác.
Theo Ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Saiko, không chỉ 3 TYT này mà 18 TYT khác do doanh nghiệp nhận thầu đang có tiến độ đầu tư rất khả quan. Tất cả công trình chỉ chờ lắp đặt thiết bị là có thể đưa vào sử dụng ngay. Nếu thời tiết không bất lợi thì đã hoàn thiện trong tháng 12/2024.
Ngoài ra, dự án đã được gia hạn, nên nhà thầu chờ nắng ráo để hoàn thành thêm những hạng mục phát sinh và bảo đảm chất lượng cho công trình, nhưng cũng chỉ một vài tháng nữa là hoàn tất, bàn giao.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam, tất cả TYT có phần xây lắp đã được triển khai (53/76) chia thành 3 gói thầu đang được đẩy nhanh tiến độ.
Hiện 15/53 trạm thi công từ tháng 7/2024 thì 14 trạm cơ bản hoàn thành. TYT Tam Giang, Tam Hòa (Núi Thành) đã bàn giao, tạm đưa vào sử dụng. Số còn lại dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ngay trong tháng 1/2025. Số còn lại là 38/53 trạm mới khởi công tháng 10/2024 cũng đang khẩn trương thi công để có thể hoàn thành trong thời hạn sớm nhất.
Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế (23,3 tỷ đồng) đang thực hiện lại thủ tục thẩm định giá cũng đã hoàn thành phê duyệt dự toán, đấu thầu mua sắm trong tháng 12/2024.
Sớm hoàn thành và giải ngân hết vốn
Theo kế hoạch đầu tư cũ (khi chưa được gia hạn), các dự án này không thể hoàn thành thời gian thực hiện và giải ngân hết vốn dù đã cho kéo dài giải ngân từ năm 2023 sang hết năm 2024.
Thống kê đến tháng 12/2024, tổng vốn của dự án 5 TTYT chỉ giải ngân 59,4% (54,614 tỷ/92 tỷ đồng) và dự án 76 TYT giải ngân ở mức quá thấp là 20,9% (41,1 tỷ/197 tỷ đồng).
Theo rà soát, phân tích của chủ đầu tư, chưa biết sẽ có bao nhiêu vốn trong số 92 tỷ đồng của dự án 5 TTYT không thể giải ngân được, nhưng thừa nhận dự án 76 TYT, giải ngân cao nhất đến 31/12/2024 cũng chỉ khoảng 160/197 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao (81%).
Chủ đầu tư đã quyết định nộp trả về ngân sách trung ương 37 tỷ đồng trong số 289 tỷ đồng tổng vốn của 2 dự án đầu tư y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chưa kể số vốn đầu tư còn lại cũng không thể giải ngân hết khi niên độ đầu tư sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2024.
Dự án nhóm B, theo quy định thời gian triển khai là 4 năm, nhưng chương trình chỉ triển khai trong 2 năm, không được áp dụng cơ chế đặc thù nào vào quá trình triển khai từ bước lập chủ trương đến bước trao thầu xây lắp.
Ngay cả Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2024 lại rơi vào thời điểm cuối năm làm chủ đầu tư bị động trong công tác tổ chức triển khai cho năm tiếp theo, lẫn việc thay đổi chính sách.
Những tháng đầu năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước chưa tiếp nhận bất cứ kế hoạch lựa chọn nhà thầu nào do chủ đầu tư trình, dù dự án đã đủ điều kiện trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nên dự án chậm trễ trong việc phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu để phục vụ triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, hồ sơ từ khâu khảo sát, lập chủ trương đầu tư, lập dự án đến bước thiết kế bản vẽ thi công triển khai trong thời gian ngắn nên khó tránh những thiếu sót.
Chủ đầu tư và các bên liên quan đã tổ chức điều chỉnh một số nội dung liên quan đến thiết kế, phải kéo dài thời gian thực hiện gói thầu. Riêng dự án 76 TYT, khi tiếp nhận từ chủ trương đầu tư do Sở Y tế lập, chủ đầu tư phải khảo sát lại, điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn do tính rủi ro cao nhưng chi phí thấp, nhiều đơn vị thẩm định giá từ chối thẩm định giá mặc dù đã ký hợp đồng với lý do không tìm được báo giá từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất thiết bị...
Các biện giải cho nguyên nhân trễ, kể cả thừa nhận chủ đầu tư chưa dự lường những phát sinh, vướng mắc; việc thay đổi các chính sách chủ trương khi Luật Đấu thầu mới và các quy định mới ban hành...
Hay việc điều hành các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công chưa có giải pháp, chế tài cụ thể, chưa có sự cương quyết dẫn đến công việc chậm trễ. Tuy nhiên, các lời biện giải này không được chấp nhận. Rất nhiều đại biểu HĐND tỉnh, chính quyền lo ngại địa phương sẽ phải trả vốn này về lại Trung ương.
Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh từng phát biểu, địa phương cần chuẩn bị kinh phí để có thể tiếp tục dự án khi Trung ương rút vốn, trong khi ngân sách địa phương ngày càng hạn hẹp, có đủ sức hoàn thiện hay lại để dở dang công trình, không thể phát huy tác dụng của chương trình...
Thực tế không riêng gì Quảng Nam, 50% tỉnh, thành có dự án này cũng thất bại tương tự. Phiên họp cuối năm 2024, Quốc hội đã quyết định gia hạn thực hiện các dự án này đến hết 31/12/2025.
Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án nói, cho phép kéo dài thời hạn thi công, giải ngân thêm một năm nữa thì không lý do gì để không hoàn thành dự án. Không đợi đến cuối năm 2025, chậm nhất quý I/2025 sẽ hoàn thành tất cả công trình, kết thúc dự án, giải ngân hết vốn đầu tư.