Ẩm thực

Vị tết từ mứt đậu vườn nhà

PHAN THỊ THANH LY 17/01/2025 12:01

Ngay từ lúc ngoại bắt đầu thổi lửa rim đậu đến lúc đường sến lại, mùi thơm nồng nàn tỏa ra từ gian bếp, với tôi một mùa xuân như vậy đã ấm áp, đủ đầy.

hinh1.jpg
Vị mứt đậu trắng vườn nhà ngọt bùi.

Vườn nhà ngoại quanh năm trồng được rất nhiều rau trái, đặc biệt đất khá hợp với các loại đậu: đậu cô ve, đậu ván, đậu ngự… Riêng đậu trắng gần như không có sâu bệnh. Năm này nối năm khác, cứ đầu tháng 9 ngoại đã vun đất trồng đậu.

Đậu trắng nhanh nhảy nhánh, từng búp non chen nhau ngoi lên cao hứng ngọn gió mùa đông. Thi thoảng, tôi phụ ngoại bứt ngọn cho cây đẻ nhánh, bung hoa để dây sai trái. Đậu non trĩu trái được ngoại hái vào luộc hoặc xào đều là những món cả nhà yêu thích.

Đến tầm cuối tháng 11 âm lịch, khi đã vắt kiệt dưỡng chất để nuôi hạt căng tròn, thân đậu bắt đầu khô sạm, ngoại thu hái đậu về tách vỏ phơi khô cất kỹ dùng dần trong năm.

Đậu trắng khô nấu chè cùng với đường bát vừa thơm vừa ngọt mát. Thi thoảng, đi chợ có được xương hoặc giò heo, ngoại đem ninh mềm cùng đậu trắng. Nhưng, mong chờ nhất vẫn là món mứt đậu ngoại làm trước để cúng ông bà, sau đãi khách và cả nhà thưởng vào dịp tết.

hinh 3
Mứt đậu trắng vườn nhà ngày tết.

Những ngày cuối tháng Chạp lạnh tái tê, ngoài vườn ẩm ướt. Thi thoảng, được ngày nắng ráo, ngoại mang cả rổ đậu trắng khô để dành ra hong.

Đến tầm 27 tháng Chạp, ngoại lại ngồi tỉ mẩn loại bỏ những hạt đậu bị sượng, xấu rồi mang đi rửa thật sạch với nước. Sau khi rửa, ngâm đậu vài tiếng đồng hồ cho đậu nở, rửa lại lần nữa, cho vào nồi luộc với một ít muối, lượng nước phải ngập mặt đậu.

Thỉnh thoảng, ngoại dùng vá đảo đậu và kiểm tra để thêm nước nếu cạn. Tùy hạt đậu to hay nhỏ mà ngoại canh thời gian luộc cho đến khi đậu chín bở nhưng không bị nát. Sau khi luộc xong, vớt đậu ra ra để ráo.

Tiếp theo là công đoạn ướp đường. Bàn tay ngoại thoăn thoắt, cứ một lớp đậu ngoại thêm một lớp đường rồi lại thêm lớp đậu, lớp đường với tỷ lệ một ký đậu là nửa ký đường. Làm theo cách này, đậu sẽ thấm đều đường và tránh việc phải đảo hay xóc dễ làm đậu bị nát, không đẹp. Tôi thường thấy ngoại ướp đường qua đêm.

Sáng sớm hôm sau, ngoại lục đục nhóm lửa củi rim đậu. Ban đầu, ngoại cho lửa lớn đến khi sôi thì rút bớt củi để lửa liu riu. Nước đường vàng sậm tan chảy, tiếng củi nổ lách tách, mùi thơm của mứt bắt đầu lan tỏa trong căn bếp.

Khi nước đường cạn, hạt đậu trong dần, lúc này chỉnh lửa thật nhỏ rồi đảo nhẹ tay để đậu không bị bể, sên khoảng nửa tiếng, thử đậu nếu thấy có độ giòn là gần đạt, cho thêm bột thơm vào và tắt bếp. Sau khi nhấc khỏi bếp, ngoại tiếp tục lắc nhẹ chảo để mứt thật ráo. Trút đậu ra khay, dàn đều, để nguội hoàn toàn mới cho vào hũ kín.

Năm nào cũng vậy, tết dẫu chưa về nhưng ngoại đã để phần riêng một hũ và bảo, cho mấy đứa cháu ăn trước kẻo tụi hắn chầu chực tội nghiệp! Mẻ mứt có mùi thơm đặc trưng của đậu, gừng, khói bếp, vương cả mùi trầu của ngoại và tất cả yêu thương của người già dành cho con cháu.

PHAN THỊ THANH LY