Thủy sản

Ngư dân Quảng Nam dịch chuyển đánh bắt hải sản sang nuôi biển

NGUYỄN QUANG 17/01/2025 13:11

Trước thực trạng nguồn lợi ngày càng suy kiệt, chuyển hướng từ đánh bắt hải sản sang nuôi biển là hướng đi phù hợp với ngư dân Quảng Nam.

nuoi bien 3
Dịch chuyển đánh bắt hải sản sang nuôi biển trên địa bàn tỉnh đã cho thành quả bước đầu. Ảnh: Q.VIỆT

Thành quả bước đầu

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (ở khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại) từng là ngư dân kỳ cựu của TP.Hội An. Nhận thấy nguồn lợi suy giảm, các chuyến biển đạt sản lượng thấp, ông Mỹ đã mạnh dạn chuyển từ khai thác hải sản sang nuôi cá lồng bè ở biển Cửa Đại.

Năm 2024, ông Mỹ đầu tư 20 lồng bè nuôi cá dìa và cá nâu, thu được hơn 4 tấn cá, bán được hơn 400 triệu đồng, lãi gần 150 triệu đồng. Ngư dân rất cần chuyển đổi nghề từ đánh bắt hải sản sang nuôi biển để có thu nhập. Ông Mỹ mong được thuê diện tích mặt nước ở biển Cửa Đại để đầu tư nuôi cá lồng bè lâu dài, ổn định.

Cũng ở biển Cửa Đại, ông Nguyễn Văn Sơn (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) cũng đã chuyển từ nghề khai thác hải sản sang nuôi biển. Hộ ông Sơn đầu tư 18 lồng bè nuôi đa dạng các loài cá biển như điêu hồng, chim vây vàng, chẽm, cá nâu, cá dìa.

nuoi bien 2
Ngư dân Quảng Nam nuôi biển với phong phú các loại hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Sơn cho biết, vừa qua ông bán hơn 500kg cá nâu thu được gần 200 triệu đồng. Đây là đối tượng thủy sản nuôi mới, đem lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, với các loại cá khác, ông Sơn có nguồn thu khá.

“Giá trị kinh tế thu được từ nuôi biển cao hơn nhiều so với đánh bắt hải sản. Nhiều năm qua, trữ lượng hải sản suy kiệt nên đánh bắt hải sản thất thu. Tôi mong thành phố, tỉnh có quy hoạch nuôi hải sản bằng lồng bè trên biển Cửa Đại để ngư dân có thể đầu tư quy mô lớn trong thời gian dài” - ông Sơn nói.

Được hỗ trợ 70% chi phí mua cá giống và thức ăn nuôi thủy sản, năm 2023, hộ ngư dân Phan Văn Chính (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải, Núi Thành) đầu tư 3 lồng bè nuôi cá chim vây vàng ở vùng biển Cửa Lở. Cá hao hụt ít, lớn nhanh, ông Chính trúng lớn. Năm 2024, ông Chính tăng quy mô nuôi cá chim vây vàng lên 5 lồng bè thu được giá trị kinh tế cao.

“Cá chim vây vàng giàu chất dinh dưỡng được thị trường đón nhận nên bán được giá. Ông Chính nói, sẽ tăng quy mô sản xuất trong năm 2025 này. Hỗ trợ ngư dân để chuyển đổi từ đánh bắt hải sản sang nuôi biển là hướng đi phù hợp.

Cần giải quyết cái khó

Có thể nhận thấy, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi từ nghề khai thác hải sang nuôi biển và có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thời gian qua, ngư dân nuôi biển theo kiểu tự phát, lồng bè nuôi biển bằng tre, gỗ thiếu kiên cố không bảo đảm an toàn trong điều kiện sóng to, gió lớn. Nhiều mô hình nuôi hàu, cá bớp, cá hồng, cá chim, cá măng... thu được hiệu quả kinh tế nhưng thiếu bền vững.

nuoi bien
Ngư dân Quảng Nam rất cần hỗ trợ kinh phí đầu tư lồng bè HDPE kiên cố để nuôi biển bền vững. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (Núi Thành) cho biết, ngư dân trên địa bàn muốn chuyển sang nuôi biển nhưng chưa dám đầu tư vì vùng biển sóng to, gió lớn, nuôi biển phải đầu tư lớn từ lồng nuôi cho đến công nghệ, kỹ thuật… rất tốn kém.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, để nghề nuôi biển phát triển đúng hướng, ngành thủy sản cần nghiên cứu tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có các hình thức hỗ trợ, nhất là hỗ trợ ngư dân đầu tư lồng HDPE kiên cố để nuôi biển.

Đây cũng là cách để nghề nuôi biển Quảng Nam phát triển theo hướng chuyển dần lồng bè nuôi biển ra xa khỏi vùng biển ven bờ, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường ven biển.

Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan của Trung ương tổ chức nhiều hội thảo về nuôi biển để khuyến khích, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, nuôi biển công nghiệp ngày nay không chỉ là ngành kinh tế mà cũng là giải pháp ứng phó với vấn nạn cạn kiệt tài nguyên, rác thải nhựa đại dương và ô nhiễm các vùng biển.

Tại các quốc gia phát triển mạnh nuôi biển, yếu tố về xây dựng vùng quy hoạch, đầu tư hệ thống giám sát, hỗ trợ chủ thể nuôi biển tiếp cận khoa học và hàng loạt yếu tố về bảo hiểm, tài chính, công nghệ, tiếp thị... được hệ thống hóa tạo thành khối thống nhất thúc đẩy phát triển nuôi biển bền vững, hiệu quả cao.

“Nhà nước cần chuyển hướng hỗ trợ vốn cho ngư dân nuôi hải sản đầu tư hiện đại tạo chuỗi giá trị từ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng ổn định. Ngư dân cần được chuyển từ thế bị động dựa vào lộc biển thành chủ động tạo ra nguồn lợi nhuận từ nuôi biển. Đây là hướng đi đúng đắn để nhân rộng đầu tư nuôi biển của ngư dân” - ông Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, định hướng của Quảng Nam là phát triển nuôi biển phải gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất theo định hướng thị trường. Cần xây dựng chuỗi giá trị xuyên suốt cho sản phẩm từ nuôi biển nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Quảng Nam kỳ vọng khép kín các công đoạn theo chuỗi gồm nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến sâu. Phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô công nghiệp, hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao bảo vệ môi trường sinh thái. Ngư dân là chủ thể quan trọng trong nuôi biển và Quảng Nam sẽ hỗ trợ, thu hút nguồn lực.

NGUYỄN QUANG