Nông nghiệp

Quảng Nam chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

MAI LINH 17/01/2025 17:14

(QNO) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Công văn số 484 yêu cầu tăng cường kiểm tra, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Ất Tỵ.

Nguy cơ cao dịch bệnh phát sinh

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, trong năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 66 ổ dịch tả lợn châu Phi, 29 ổ dịch viêm da nổi cục ở trâu bò, 15 ổ dịch lở mồm long móng, 15 ổ dịch dại động vật.

Hiện nay, còn 2 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 2 huyện Tiên Phước, Phước Sơn và 1 ổ dịch dại động vật ở huyện Thăng Bình.

a(1).jpg
Nhiều năm nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng đàn heo trên địa bàn Quảng Nam. Ảnh: PV

Dịch bệnh xảy ra lẻ tẻ, quy mô nhỏ, trên đối tượng vật nuôi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc theo quy định; xảy ra ở tất cả các tháng trong năm và khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm năm 2024 đạt thấp, chưa đảm bảo bảo hộ trong quần thể.

Cụ thể, bệnh lở mồm long móng tiêm đạt 56%/tổng đàn, bệnh viêm da nổi cục tiêm đạt 17,72%/tổng đàn, bệnh dịch tả lợn cổ điển tiêm đạt 33,28%/tổng đàn, bệnh dại tiêm đạt 43,36%/tổng đàn, bệnh cúm gia cầm chủ yếu tiêm các đàn gia cầm của những trang trại chăn nuôi được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm.

b.jpg
Thời gian qua, rất ít hộ dân tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Ảnh: PV

Đáng chú ý, kết quả giám sát chủ động đã phát hiện mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên thịt và sản phẩm thịt heo bán ở một số chợ. Việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố khác về tiêu thụ trên địa bàn Quảng Nam trong dịp tết sẽ tăng cao.

Trong khi đó, công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý giết mổ tại một số địa phương còn lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát của cấp thẩm quyền. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian đến, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ là rất cao.

Chủ động phòng chống

Để chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước, trong dịp Tết Ất Tỵ và các tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi bệnh mới phát sinh.

Các địa phương có dịch huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh và các vấn đề phát sinh liên quan đến lĩnh vực phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định.

c.jpg
Thường xuyên phun hóa chất tiêu độc khử trùng để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm. Ảnh: PV

Đồng thời rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng.

Chỉ đạo các ngành chuyên môn liên quan thuộc UBND cấp huyện khẩn trương tổ chức mua vắc xin kịp thời tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia súc theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh của UBND tỉnh và kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2025 của Sở NN&PTNT.

Tỷ lệ tiêm phòng đảm bảo đạt tối thiểu 80% tổng đàn, đặc biệt lưu ý đối với các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò, dại động vật, cúm gia cầm...

Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn, nhất là các cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mổ theo phương án sắp xếp của UBND cấp huyện; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện thường xuyên các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi (sử dụng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh); đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở/vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan phối hợp với UBND cấp xã theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi đảm bảo nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết Ất Tỵ 2025.

d.jpg
Người chăn nuôi cần chủ động trong công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Ảnh: PV

Đối với các địa phương vùng biên giới, chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới… để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh do các tổ chức, cá nhân cung ứng, nhập con giống và vận chuyển động vật trên địa bàn quản lý không đúng quy định…

UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, chủ cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc phòng chống dịch bệnh động vật tại các địa phương. Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật Thú y.

UBND tỉnh yêu cầu Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng liên quan phối hợp với lực lượng thú y tăng cường kiểm tra các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương liên quan kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả.

MAI LINH