Góc suy ngẫm

Canh tân và kinh thương

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/01/2025 07:49

Lịch sử kinh thương Việt Nam sẽ phải nhắc tên nhiều danh nhân người Quảng sớm có tư tưởng canh tân xứ sở, mở ra cơ hội phát triển đất nước, quê hương. Trong đó, cụ Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) tự Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, sinh quán làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) là một nhân vật xuất chúng.

Ngày 15/1 vừa qua, thị xã Điện Bàn tổ chức lễ đón nhận bằng di tích quốc gia mộ Phạm Phú Thứ và khánh thành nhà lưu niệm cụ, là sự kiện gợi nhắc công lao to lớn của bậc danh nhân.

Soi chiếu các trang sử về hành trạng danh nhân Phạm Phú Thứ, trước hết thấy ông là đại diện xuất sắc của “đất học” Quảng Nam khi đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình trong các năm 1842,1843.

Khoa bảng đỗ đạt cao nhưng quan lộ thì gian nan bởi cái tính ngang, cương trực, có thể coi là đại diện “tính hay cãi” của người Quảng dám phê phán vua, can gián “con trời”, nên có lần bị giáng chức từ đại thần xuống làm lính quèn.

Tuy thăng giáng trầm kha trên quan lộ nhưng danh Phạm Phú Thứ vang xa trong sĩ phu và dân chúng, nhờ tâm sáng, tài cao, đức trọng, hết lòng vì nước.

Mùa xuân năm 1864 sau khi tham gia đoàn sứ bộ qua Pháp về, cụ đã có bản tường trình với đề xuất “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”, đồng thời dâng lên vua Tự Đức cuốn “Tây hành nhật ký” ghi chép nhiều quan sát hữu ích trên đường đi, mong mở mang tư duy đổi mới sáng tạo của người Việt về công nghệ, thương mại… Trong đó người Quảng sẽ nhớ mãi kiểu xe nước mà cụ đã vẽ lại từ sông Nin để về phổ cập nhằm tưới tiêu ruộng đồng.

Chưa hết, năm 1865, khi vào Cơ mật viện đại thần, Phạm Phú Thứ xin đặt trường giao dịch chợ búa, sửa thuế thương chính; năm 1876, khi Tổng đốc Hải An, ông xin đặt trường mua gạo ở chợ An Biên (thuộc huyện An Dương, Hải Phòng) và Đồ Sơn (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Ngoài ra, ông còn cho khai rộng sông ở phủ Bình Giang, mở Nha Thương chánh và trường học chữ Pháp ở Hải Dương vào năm 1878. Việc khai thác thủy nông trên sông Vĩnh Điện, tăng cường bố phòng cảng Đà Nẵng, xây dựng cảng Hải Phòng, đều có công đầu của Phạm Phú Thứ.

Chỉ điểm một số dấu ấn nổi bật như vậy đủ thấy tầm vóc của danh nhân Phạm Phú Thứ, đủ truyền cảm hứng, niềm tự hào cho xứ sở đã sinh thành một bậc anh tài đến thế.

Nhưng tự hào suông thì dễ mà để tiếp nối tư tưởng canh tân, nhất là ở lĩnh vực kinh thương trong thời đại mới này, sẽ đặt ra bao câu chuyện cần phát huy giá trị di sản và đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng làm cho dân giàu nước mạnh.

Bối cảnh hiện tại lại có thêm một sự thôi thúc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định khoa học - công nghệ đóng vai trò nền tảng và động lực, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột dẫn động và tiến trình chuyển đổi số tạo bước chuyển phương thức phát triển mới của thời đại.

Đến năm 2030, tức chỉ còn 5 năm nữa, mục tiêu phải đạt là Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, đồng thời kinh tế số chiếm tỷ trọng tối thiểu 30% GDP; năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cần đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế. Đó là thách thức rất lớn!

Trong khi đó, một thách thức không nhỏ với cả nước và Quảng Nam là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực sẵn sàng đảm nhận vai trò “tổng công trình sư” dẫn dắt dự án chiến lược kinh tế số.

Bởi vậy càng phải tiếp nối bài học từ thời cụ Phạm Phú Thứ là mở rộng tầm mắt ra thế giới để học hỏi, tiếp nhận tri thức khoa học, công nghệ, phát triển tư tưởng kinh thương. Dĩ nhiên con đường ngày nay khác xa thế kỷ 19, nhưng tâm thế học và hành vẫn luôn cần động lực từ khát vọng canh tân.

NGUYỄN ĐIỆN NAM