Theo bước chân người Quảng

Mối quan hệ giữa Sa Huỳnh và Champa ở Quảng Nam

VÕ VĂN THẮNG 19/01/2025 08:52

Quảng Nam là địa phương tập trung nhiều di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh.

anh.png
Mộ chum trưng bày ở Bảo tàng Sa Huỳnh, Hội An. Ảnh: V.V.T

Văn hóa Sa Huỳnh

Năm 1909, ông Vinet - một viên chức chính quyền thực dân Pháp bấy giờ, thông báo cho Viện Viễn Đông Bác Cổ về việc phát hiện một “kho chum chừng hơn 200 cái” vùi lấp dưới một đụn cát ven biển ở vùng giáp ranh Quảng Ngãi và Bình Định. Trong các chum ấy có nồi đất, đồ trang sức bằng thủy tinh và thạch anh, không xác định được nguồn gốc (BEFEO 1919).

Từ thông tin này, các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo sát và khai quật được một số “kho chum” ở vùng cát có địa danh là Sa Huỳnh (nay thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), trong đó có các đồ chế tác và dấu vết chôn cất của người xưa.

Mặc dù cho đến nay, ở nhiều địa phương khác cũng có các di tích cư trú và văn hóa có đặc điểm tương tự, thậm chí còn phong phú hơn những gì đã phát hiện ở Sa Huỳnh, nhưng danh xưng “Sa Huỳnh” vẫn được sử dụng để chỉ chung một nền văn hóa. Quảng Nam cũng là địa phương tập trung nhiều di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh.

Dấu hiệu nhận biết về văn hóa Sa Huỳnh là hình thức mai táng trong các chum gốm (có trường hợp là mộ tượng trưng, không có di cốt); các đồ tùy táng gồm công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, và nổi bật là đồ trang sức bằng thủy tinh, đá quý, với hình dạng các chuỗi hạt và các khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú.

Niên đại văn hóa Sa Huỳnh được xác định kéo dài từ khoảng hơn 1.000 năm trước công nguyên cho đến thế kỷ 1 hoặc thế kỷ 2 đầu công nguyên. Tiếp theo thời kỳ này, cũng ở Quảng Nam, đã tìm thấy một ít dấu tích về sự tập trung dân cư kiểu lãnh địa và sử liệu Trung Hoa nói đến sự ra đời của nước Lâm Ấp vào cuối thế kỷ 2.

Ngoài ra, các chứng cứ về kiến trúc và văn khắc cho thấy ít ra vào thế kỷ 5 có một vương quốc có tên là Champa ở vùng Quảng Nam. Sự trùng lặp trên đã đưa đến một nhận định rằng Champa là sự kế thừa, tiếp nối của Sa Huỳnh, cũng hàm ý rằng dân cư Champa là sự phát triển của người bản địa văn hóa Sa Huỳnh.

Sự “đứt gãy” giữa 2 nền văn hóa

Tuy nhiên, những chứng cứ về sự tiếp nối hết sức mơ hồ, chủ yếu chỉ là sự trùng lắp về địa bàn cư trú, sản phẩm gốm và mối quan hệ trao đổi thương mại của hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Champa với Trung Hoa và Ấn Độ.

Có sự “đứt gãy” rõ rệt giữa Sa Huỳnh và Champa, thể hiện ở các điểm: Từ thế kỷ 3 về sau, với sự xuất hiện của Lâm Ấp/Champa thì không còn thấy các khu mộ chum tập trung như thời kỳ trước đó.

Các đặc trưng của Sa Huỳnh như mộ chum, vũ khí công cụ bằng sắt, khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu… không thấy ở thời kỳ Lâm Ấp/Champa. Trong khi đó, các đặc trưng điêu khắc tượng thờ đá như Champa thì không thấy dấu hiệu manh nha ở thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh.

Sự “đứt gãy” nói trên ắt phải do một tác động rất mạnh, hay một sự xáo trộn đột ngột của lịch sử. Chúng tôi nghĩ đến một làn sóng di dân lớn, làm thay đổi hẳn cơ cấu dân cư đương thời; khiến cho thành phần dân cư tại chỗ bị yếu thế, thành phần di dân chiếm ưu thế về xã hội.

Trong thành phần di dân mới đó, có thành phần dân cư nói tiếng Malay-polynésien từ hải đảo và một thành phần không nhỏ dân cư từ miền đông, nam Ấn Độ, vì các lý do khác nhau đã di chuyển và đến cư trú tại vùng ven biển miền Trung.

Phân tích nhân chủng học - sinh học sử dụng dữ liệu đo sọ (nghiên cứu của Mariko Yamagata và Hirofumi Matsumura, 2017) cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa những người được chôn cất ở Hòa Diêm (Khánh Hòa) với những người Đông Nam Á.

Họ là những người đã di cư từ một nơi nào đó trong vùng hải đảo Đông Nam Á, vượt qua Biển Đông và định cư ở miền Trung Việt Nam vào thời kỳ đồ sắt. Các chứng cứ ngôn ngữ, bao gồm các từ ngữ tiếng Malay -polynésien trên văn khắc Đông Yên Châu, thế kỷ 4 (Quảng Nam)... cho thấy sự nổi trội của dân cư thuộc ngữ hệ Malay-polynésien trong thành phần dân cư đa sắc tộc đương thời.

Cơ cấu dân cư

Một đặc điểm ít người quan tâm là thành phần dân cư Ấn Độ trong cơ cấu dân cư Lâm Ấp/Champa. Việc sử dụng thành thạo chữ Sanskrit cùng với nội dung kinh điển Ấn Độ trong các văn khắc của Champa, xuất hiện ở miền Trung đồng thời với các kiến trúc đền tháp, điêu khắc tượng thờ đạt mức chuẩn mực so với văn bản Ấn Độ cổ, cho thấy sự hiện diện của một tầng lớp tinh hoa ở thời điểm này.

Đặc biệt, trên tấm bia lập vào ngày 18 tháng Hai năm 658 còn lại ở di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), có chép phả hệ của vua Champa, khởi đầu là vị vua Gaṅgārāja, người đã rời bỏ vương quyền để đi đến sông Hằng.

Tư tưởng “địa phương chủ nghĩa” đã tạo nên một khuynh hướng truy tìm và gán ghép tính chất “bản địa” cho các nền văn hóa đến càng xa xưa càng tốt, không quan tâm đến tính chất dịch chuyển của văn hóa trong không gian và thời gian.

Thực tế vào các thời điểm lịch sử, các yếu tố ngoại lai có thể làm biến đổi mạnh mẽ văn hóa bản địa trước đó và hình thành một văn hóa bản địa mới.

Liệu Champa nhất thiết phải phát triển chủ yếu từ bản địa Sa Huỳnh và xưa hơn nữa? Liệu đôi mắt huyền bí của người phụ nữ Chăm ngày nay có mối quan hệ thân thuộc với người chị em ở lục địa Ấn Độ xa xôi? Khi rời khỏi “chủ nghĩa bản địa”, có thể nhìn nhận chân xác hơn về các yếu tố cấu thành các nền văn hóa, không chỉ đối với Champa, mà cả Đông Sơn, Đại Việt.

VÕ VĂN THẮNG