Ý thức giao thông đô thị
Giao thông đô thị có nhiều thay đổi từ sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. Những thói quen xấu của người dân khi lưu thông trên đường phố dần giảm. Luật giao thông cũng được thị dân chú tâm hơn.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, sau hơn nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP với nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, tình hình trật tự, an toàn giao thông, giao thông ở đô thị đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nền nếp.
Chú tâm vào đèn tín hiệu
Dọc các cột đèn tín hiệu ở những ngã 3, ngã 4 tại TP.Tam Kỳ, những tấm bảng quy định về mức xử phạt hành chính được treo ở các vị trí dễ nhìn thấy. Lần này, Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông với mức tiền phạt cao gấp nhiều lần so với văn bản pháp luật trước đó (Nghị định 100/2019).
Đơn cử, hành vi “mở cửa xe ô tô, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông” được nâng từ 400- 600 nghìn đồng lên 20 - 22 triệu đồng (gấp hơn 40 lần).
Hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đối với xe mô tô” được nâng từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng lên 4 - 6 triệu đồng (gấp 5 lần).
Hành vi “lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe” được nâng từ 10 - 12 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng (gấp 4 lần)…
Ngay cả việc điều khiển ô tô không giảm tốc độ hoặc nhường đường khi từ đường nhánh ra đường chính cũng bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng (mức phạt cũ 800.000 đồng - 1 triệu đồng). Hay thói quen sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (mức cũ từ 2 - 3 triệu đồng).
Cư dân đô thị, từ trẻ đến già đều bắt đầu “rén” với các mức phạt. Bà Nguyễn Thị Thọ (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, bản thân hay đi lấy hàng vào lúc sáng sớm và thường vượt đèn đỏ vì nghĩ đường phố lúc này vắng người. Tuy nhiên, từ khi nghe về Nghị định 168, bà nói, hơn nửa tháng nay đi đứng nghiêm túc, thấy đèn vàng thì tự động giảm tốc độ và dừng xe chờ tín hiệu đèn.
Đây cũng là tâm lý của rất nhiều người dân thành phố. Hình ảnh từng lớp người đi đường dừng trật tự sau các đèn tín hiệu; phương tiện dừng đúng vạch kẻ đường; xe máy không leo vỉa hè, lạng lách... dần quen hơn từng ngày.
Hình thành ý thức chấp hành luật
Thói quen giao thông của người dân thành phố lâu nay vẫn khá “mù mờ” với quy định. Đa số phương tiện xe máy lưu thông trên đường theo kiểu “bất chấp”, chỗ nào trống thì chen.
Trong khi với chủ phương tiện ô tô, dù có quan tâm hơn về đèn tín hiệu, các làn đường, nhưng người dân vẫn vô tư sử dụng điện thoại khi đang lái xe, cho phép trẻ dưới 6 tuổi ngồi ghế trước ô tô, thậm chí người ngồi trước không sử dụng dây an toàn.
Để tránh sự “đường đột” với người dân, ngay khi Nghị định 168 có hiệu lực, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngành công an, các sở ngành và địa phương thông tin chi tiết đến người dân về các quy định của nghị định. Cạnh đó, lực lượng công an ở các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cao điểm để người dân nắm được quy định.
Những năm trước vào thời điểm cận tết, giao thông đường phố thường gặp nhiều hỗn loạn, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, khi triển khai “siết chặt” quản lý trật tự, an toàn giao thông, những ngày giáp tết này đã giảm hẳn các vụ tai nạn như trước đây. Chế tài mạnh mẽ khiến người dân bắt đầu hình thành ý thức quan sát và chấp hành quy định về an toàn giao thông trên đường phố.
Tuy vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông không thể chỉ dựa vào mức tiền phạt thật nặng. Chế tài mang tính răn đe những cũng đồng thời có tính giáo dục, mới mong hình thành được văn hóa giao thông cũng như thiết lập đường phố văn minh.
Các chuyên gia nhận định, chức năng và sự phát triển của các thành phố không thể tách rời lĩnh vực giao thông đô thị. Lĩnh vực này đã từng bước chuyển từ phương tiện hỗ trợ phát triển đô thị sang phương tiện quan trọng điều tiết mô hình phát triển đô thị.
Một đô thị bền vững thì hạ tầng giao thông cùng các vận hành trong đó rất quan trọng. Luật gắn cùng đời sống và đi vào ý thức người dân, khi các điều kiện để vận hành luật tương thích.