Đời sống

Trên con tàu về lại quê hương...

MINH ĐỨC - PHAN VINH - THANH TRÚC - ĐÌNH LONG - TRẦN TRIỀU18/01/2025 15:10

Ở thời nào, tuổi nào, là người Việt - ai nấy sẽ bồi hồi khi tết đến. Dù ở đâu, lúc đứng trước khoảnh khắc chuyển giao cho một “vận trình” mới, người ta lại náo nức cho những chuyến trở về theo nhiều cách khác nhau…

z6234504051951_58a18fa17ef5fb6213aecd7f8e347556.jpg
Đón người thân về ăn tết. Ảnh: L.T.K

Những đứa con xa mong về tết Quảng

Ngược xuôi thị thành, những xôn xao trước tết của người xa quê muôn hình muôn dạng. Là khoảnh khắc trầm ngâm đếm ngược từng ngày, là tiếng reo vui khi cầm được chiếc vé hành trình Sài Gòn - Quảng Nam...

Về Quảng trong tâm tưởng

Sáng nay, khi anh xe ôm công nghệ quay lại hỏi: “Em trai người ở đâu? Tết này về quê hay ăn tết Sài Gòn?”, tôi chỉ đáp: “Dạ em quê Quảng Nam đó anh, 26 em về”. Thế là anh mừng quýnh, nói như vừa nhặt được vàng: “Nghe giọng là anh cũng đoán rồi. Anh cũng gốc Quảng, sống ở Sài Gòn đã lâu”.

Anh tài xế trung niên ấy theo gia đình di cư vào Nam từ hồi còn niên thiếu. Sáng nay khi chở tôi, cả quãng đường sau đó, anh say sưa kể về hành trình Nam tiến của gia đình. Anh trưởng thành, lập thân, sinh con, gầy dựng sự nghiệp riêng, bôn ba cơm áo, có đoạn đủ đầy, có đoạn cũng lắm chông chênh…

Hành trang về quê ăn tết. Ảnh minh họa

Tôi hỏi anh nhớ gì nhất về tết Quảng ngày xưa? Anh ngập ngừng nói cũng không rõ nữa, thời gian trôi qua làm ký ức như phủ lớp sương mờ. Anh chỉ nhớ đại khái cái cảm giác đầm ấm an vui lúc đó, nhớ lúc thòm thèm nhìn mẹ làm thịt heo ngâm mắm và ướp khô bò, mẹ nói để dành ăn tết. “Chắc do mấy món đó đậm đà, nhiều hương thơm, nên anh nhớ nhất. Bây giờ món Quảng phổ biến, mỳ Quảng, cơm gà, cao lầu… không thiếu. Nhưng mấy món anh nhớ nhất lại thấy ít chỗ bán, làm anh càng nhớ hung” - anh cười.

Một cuốc xe ôm, chẳng kịp cho câu chuyện hoàn chỉnh, nhưng vừa “bắt trúng đài” thì đã đến nơi, người chở, người đi bịn rịn, vẫy tay tạm biệt trong lưu luyến. “Thôi rứa hỉ, chúc em ăn tết quê vui. Tết này anh sẽ qua chợ bà Hoa mua bánh thuẫn, bánh tổ, bánh tráng về cuốn thịt heo cho gia đình ăn tết Quảng từ xa. Hẹn năm nào rảnh rang dư dả, sẽ về quê cũ ôn lại kỷ niệm tết xưa…”

Cái cách anh cố chêm vài phương ngữ Quảng Nam vào câu nói, dù giọng rặt miền Nam, như để chứng minh gốc gác trong anh, khiến tôi vừa bật cười, vừa thoáng chút bồi hồi.

Về nhà sau giao thừa, vẫn trọn vẹn tết vui

Chuyến về nhà đón tết của Đặng Minh Hiệu (ThS, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh) năm nay có trễ nhịp hơn so với mọi năm. Hiệu có lịch trực cấp cứu đúng đêm giao thừa, nên sẽ tất tả lên tàu về Quảng Nam ngay khi hoàn thành kíp trực. Dự kiến, Hiệu sẽ về tới Tam Kỳ đêm mùng 1, để kịp gặp mặt gia đình vào ngày mùng 2, như bao năm nay vẫn thế.

Gia đình Đặng Minh Hiệu.

Hiệu kể: “Nhà đông con, người làm công an, người làm giáo viên, giảng viên, bác sĩ, kỹ sư. Vì tính chất công việc, lịch trực gác của mỗi ngành nghề lại khác nhau, nên những dịp gặp mặt đông đủ cả gia đình trong năm rất hiếm hoi. Cả nhà tất thảy gồm 7 con, 6 dâu - rể, 11 cháu nội ngoại với đủ mọi ngành nghề, đủ mọi lứa tuổi sắp xếp công việc để dành trọn vẹn ngày Mùng 2 bên nhau đã trở thành truyền thống mỗi năm”.

Hiệu người Trà My, là con út trong gia đình 7 anh chị em. Mấy năm trước, ba má và các anh chị cũng chuyển về Tam Kỳ sinh sống. Chỉ có Hiệu là mảnh ghép chọn lập nghiệp phương xa. Hiệu kể mỗi lần về quê đều phải di chuyển liên tục, thăm nhà ba mẹ, thăm nhà từng anh chị ở Tam Kỳ rồi về Trà My thăm lại quê xưa. Tất bật là vậy, nhưng chưa năm nào Hiệu bỏ lỡ tết quê nhà.

Là bác sĩ khoa gây mê hồi sức của bệnh viện tuyến cuối, Hiệu làm việc không ngơi. Những trải nghiệm trong công việc đầy áp lực ấy giúp Hiệu nhận ra giá trị của khoảnh khắc bên gia đình. Vì tính chất công việc, Hiệu hiểu rõ nhất cái gọi là vô thường ở đời.

“Ngoài nhiệm vụ chữa trị cho người bệnh, chúng tôi còn là chỗ dựa tinh thần và động viên tiếp thêm sức mạnh cho người nhà. Chứng kiến những hoàn cảnh ngặt nghèo và cả những giây phút sinh ly tử biệt, có những ca bệnh nặng, sáng đưa vào cấp cứu, chiều đã phải trở về nhà… tôi càng trân trọng hơn những may mắn mình có được” - Đặng Minh Hiệu nói.

Hiệu kể, mỗi năm một lần về quê đúng dịp tết, thấy ba má dường như đi đứng khó nhọc hơn, tóc bạc thêm vài phần, nhưng ánh mắt vẫn sáng ngời khi thấy con cháu quây quần. Nhìn lại hành trình từ “gia đình bần nông” theo cách ba má tự nhận, để đến được ngày hôm nay, Hiệu và các anh chị trong nhà đều tự hứa sẽ cố gắng hơn trên hành trình cuộc đời.

Cứ như thế, quê nhà, gia đình vừa là nơi để về, vừa là động lực cho mỗi người tiến bước về phía trước.

“Có người thành công. Có người về không”

Năm nay, Trương Thành (quê Hội An) về quê đón tết sớm hơn bất kỳ năm nào trong suốt 10 năm làm việc xa nhà tại TP.Hồ Chí Minh. Những ngày cuối năm, khi đồng nghiệp vẫn bàn tán rôm rả về tiền thưởng tết, anh bất ngờ nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, kết quả từ đợt tái cơ cấu nhân sự của công ty. Sau một năm đầy biến động, điều khiến anh trăn trở nhất không phải là tương lai sự nghiệp, mà là làm sao để đối diện với “câu chuyện đầu năm” trong gia đình.

Trên con tàu về lại quê hương.

Anh sửa hồ sơ công việc, cập nhật và nộp thử cho vài nơi. Đúng như dự đoán, không có mấy hồi âm. Anh tự nghĩ, có lẽ trước tết chưa phải là thời điểm phù hợp để bắt đầu một giao kèo mới.

Ban đầu, anh tính giấu gia đình chuyện này, vờ như vẫn đang đi làm như cũ. “Tính gần tết, xông xênh áo mũ về nhà như mọi năm, rồi qua tết vô thành phố làm lại cuộc đời. Khi nào ổn thỏa sẽ cho gia đình biết, không muốn giấu nhưng chỉ sợ ba mẹ thêm lo thôi” - anh bồi hồi kể lại.

Nhưng mọi việc không diễn ra như kế hoạch. Trực giác và sự nhạy cảm của người mẹ sớm nhận ra có gì đó khác lạ, dù mỗi lần gọi điện về, anh vẫn cố giữ giọng bình thản: “Con ổn mà, ba mẹ yên tâm”. Đến khi mẹ hỏi tới, hỏi dồn dập lẫn an ủi, rằng có gì còn ba mẹ đây - lời nói ấy như tháo bỏ mọi phòng ngự trong anh. Anh òa khóc, rồi ra ga mua chuyến tàu sớm nhất về quê.

Về nhà, không như anh nghĩ, không ai xoáy sâu vào chuyện mất việc làm trước tết – điều từng khiến anh e dè, bối rối. Dường như mọi người đã ý thức rõ hơn về những khó khăn chung của thời cuộc. “Ban đầu mình tự ti, tự áp lực vì nghĩ tết này không mang về gì nhiều, thậm chí không phụ được gia đình sắm sửa. Nhưng hóa ra, ba mẹ chẳng trông đợi điều đó. Ba còn nói rằng may nhờ công ty cho nghỉ tết sớm, mà gia đình mới có thêm thời gian ở bên nhau thế này” - Thành nói.

Những ngày về quê đón tết sớm, anh dành thời gian đi thăm ông bà và họ hàng, chở mẹ đi chợ, uống cà phê với ba... Thong dong chạy bộ trên những con đường mới mở, hít hà mùi lúa non và biển sớm, anh nhìn quê hương bằng đôi mắt mới - vừa thân quen vừa tươi mới như một du khách.

Anh chợt lóe lên ý tưởng về một kế hoạch khởi nghiệp liên quan đến văn hóa địa phương. Thành nói anh tin với kiến thức và kinh nghiệm từ hơn 10 năm làm việc tại các tập đoàn lớn, sẽ giúp anh. Cú sốc hôm nay có thể là khởi đầu cho một hành trình mới - nơi anh kết nối du khách với vẻ đẹp của mảnh đất mình sinh ra.

Hóa ra, yêu thương có rất nhiều cách để thể hiện. Những chuyến trở về, dù trong hoàn cảnh nào, cũng đầy ắp tình nghĩa ban sơ. Quê nhà không đòi hỏi gì hơn ngoài sự hiện diện của ta - cùng những câu chuyện sẻ chia và tình cảm chân thành.

Tết rồi, về nhà thôi!

Những chuyến xe nghĩa tình

Ở TP.Hồ Chí Minh có một bến xe rất lạ, chỉ xuất hiện duy nhất trong năm, ở ngay góc phố Nguyễn Thế Truyện và Diệp Minh Châu (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú). Tầm cuối tháng Chạp, nơi đây tập trung gần 20 chiếc xe với hành khách hầu hết là người Quảng Nam trở về quê ăn tết.

Từ tấm lòng người xa quê

Nhà ông Ngô Mỹ (quê phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) ở đường Diệp Minh Châu, ngay “bến xe đặc biệt” này. Đây cũng là khu vực có nhiều người Quảng sinh sống.

Hơn 15 năm trước, mỗi lần giáp tết, các nhà xe ở Quảng Nam hay chọn con đường này làm bãi đón khách. Ông Mỹ chia sẻ, hồi đó phương tiện về quê chỉ có xe khách. Vé máy bay ngày tết là điều vô cùng xa xỉ đối với người tha hương. Nhu cầu thì nhiều nhưng nhà xe còn ít, lượt xe ra vào cũng hạn chế, do vậy, người dân vì chậm mua vé hay cố nán ở lại làm việc kiếm tiền những ngày cận tết rất dễ bị bỏ lại.

Bà con đồng hương được ban tổ chức tặng lì xì trước khi về quê đón tết. Ảnh: PHAN VINH

Chứng kiến cảnh người người chen chúc nhau, chấp nhận bị nhồi nhét trên chuyến xe để được về quê, hay thậm chí có người không đủ tiền mua vé xe đành ở lại đón tết xứ người, ông Mỹ nói mình trăn trở nhiều. Năm 2010, ông hợp đồng với nhà xe, bố trí 1 chiếc 45 chỗ ngồi cho những người dân Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn, bán hàng rong, bán vé số... có cơ hội về quê, đoàn viên cùng gia đình dịp tết.

“Chuyến xe nghĩa tình” khởi lên từ đây, nhanh chóng lan tỏa, thu hút sự chung tay của cộng đồng doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Từ 1 chiếc ban đầu, những năm sau này, “Chuyến xe nghĩa tình” lên đến gần 20 chiếc. Hành khách không chỉ là bà con đồng hương Quảng Nam mà còn có các tỉnh thành miền Trung khác như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...

Năm nay, gia đình của bà Trần Thị Thu Sương (SN 1968, quê ở huyện Quế Sơn) có 5 người đăng ký về quê trên “Chuyến xe nghĩa tình”. Bà Sương cho biết, kinh tế khó khăn, cả gia đình ở lại những ngày cận tết cố gắng kiếm thêm ít tiền dành dụm. “Định bụng năm nay đón tết ở miền Nam vì vé xe đắt đỏ, cả nhà 5 người vô ra cũng hết 6 - 7 triệu. Biết được thông tin về chuyến xe đồng hương, cả nhà tôi vui lắm, vậy là tết này được ở quê, được gặp lại bà con xóm giềng” - bà Sương nói.

Từ một vài doanh nghiệp đồng hành ban đầu, đến nay, “Chuyến xe nghĩa tình” nhận được sự tài trợ của nhiều nhà hảo tâm, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam - QNB và UBND phường Tân Sơn Nhì.

An toàn là trên hết!

Những năm gần đây, số lượng xe tăng lên với gần 1.000 bà con đồng hương đăng ký về quê trên “Chuyến xe nghĩa tình”.

Góc đường Nguyễn Thế Truyện và Diệp Minh Châu (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) đông đúc bà con đồng hương chuẩn bị về quê. Ảnh: PHAN VINH

Năm nay, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam - QNB phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và UBND phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) tổ chức từ 15 - 20 chuyến xe 45 chỗ ngồi. Đối tượng tham gia chuyến xe gồm học sinh, sinh viên, công nhân, người khuyết tật, bà con có hoàn cảnh khó khăn quê Quảng Nam. Thời gian khởi hành về quê vào lúc 16 giờ ngày 23/1/2025 (24 tháng Chạp) tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tiên (quê thị xã Điện Bàn) là người làm công tác hậu cần nhiều năm nay chia sẻ, khoảng từ giữa tháng 11 âm lịch, ban tổ chức sẽ thông tin về ngày giờ, địa điểm khởi hành về quê để bà con đồng hương đăng ký sớm. Tùy vào tình hình mỗi năm mà ngày khởi hành “Chuyến xe nghĩa tình” sẽ khác nhau. Tuy nhiên, với mong muốn để bà con có thêm thời gian làm việc, góp nhặt thêm tiền những ngày cận tết nên ban tổ chức thường chọn ngày 24 - 26 tháng Chạp mới đưa bà con về quê.

Mọi năm, trước khi lên xe, bà con được chiêu đãi một bữa cơm thân mật, nhận các phần bánh nước để sử dụng dọc đường đi. Đại diện ban tổ chức còn lên từng chiếc xe, gặp gỡ chúc tết và trao quà kèm phong bao lì xì cho bà con.

Cụ già hạnh phúc khi được về quê trên "Chuyến xe nghĩa tình". Ảnh: PHAN VINH

Chị Tiên cho biết: “Ban tổ chức quan tâm nhiều nhất đến sự an toàn của bà con, vì vậy, chúng tôi đã làm việc và buộc các nhà xe phải cam kết, bố trí ít nhất 2 tài xế thay phiên nhau làm việc. Ngoài ra, mỗi chuyến xe đều có đại diện ban tổ chức đi theo để giữ liên lạc trong suốt hành trình. Đến khi chiếc xe cuối cùng thông báo đã đưa bà con về quê an toàn thì chúng tôi mới thực sự yên tâm”.

Ông Ngô Mỹ cho biết thêm, nhu cầu của bà con về quê vào mỗi dịp tết rất lớn, tuy nhiên, với quy mô tổ chức hiện nay, 20 chiếc xe đã thực sự quá tải. Vì vậy, ban tổ chức “Chuyến xe nghĩa tình” mong muốn các hội đồng hương từng địa phương dựa trên tình hình thực tế tổ chức những chuyến xe tập kết ở vị trí khác để đưa bà con về quê, bởi dù là đơn vị nào tổ chức, cũng vì hai tiếng đồng hương thân thương!

Đặt vé chưa con?

Mọi bận tầm này người nhà hay gọi từ quê vô, hỏi mãi chuyện đặt vé. Quê nhà và tết nhứt cứ vậy tràn vào câu chuyện giữa những miền xa...

Năm nay tết đến sớm. Mới đầu Chạp mà xóm lao động đã dập dìu bóng người vác ba lô, kéo hành lý. Ai ở lại thì ngồi chồm hổm trước cửa phòng trọ ngó ra, hỏi han vài ba câu cho đỡ nhớ nhà.

Chộn rộn ngày về

Cô bé phòng bên đứng ngoài hành lang, trên tay là chiếc điện thoại đang vọng ra câu hỏi: “Đặt vé chưa con?”. Tôi thấy nụ cười tràn quanh môi cô bé. Đâu đấy trong mớ ký ức rời rạc, ba cũng thường dùng thể nghi vấn như vậy để quan tâm tôi mỗi lúc tháng Chạp về gần, bởi dù xe đò ít khi “cháy ghế”, nhưng giờ giấc lại không cố định.

Tết và niềm vui chờ tết. Ảnh: L.Đ.L

Họ thường chạy nhiều chuyến để tranh thủ kiếm thêm, nên hầu như cứ trả khách xong lúc nào là vội quay đầu xe lúc ấy. Ba gọi nhắc từ đầu tháng Mười, khi người ta vừa mở bán vé. Rồi từ đấy cứ cách hai hôm, ba lại hỏi tiếp, xác nhận đã đặt xong chưa. Mỗi cuộc gọi của ba đều chuyển đầy cái mong đợi, dù được truyền từ chuỗi sóng điện thoại chẳng nhìn được bằng mắt. Tôi hiểu ý, nên lúc nào cũng nhắc lại như thể đây là lần đầu ba hỏi: “Con đặt vé rồi ạ”. Riết, những cuộc gọi nhắc đặt vé của ba, trở thành hương vị tết đặc trưng trong trí nhớ.

Những chuyến xe tết thường chạy khoảng 12 giờ liên tục. Đi lúc đêm thì đến trưa hôm sau là tới. Lần nào tôi cũng thấy ba đứng sẵn đợi từ bao giờ. Hai vai áo của ba ướt sũng vì sương lạnh, còn quanh ghế, gạt tàn thuốc rải đầy.

Mấy chục năm cày cuốc nuôi con, lớn lên đứa nào cũng như con chim sổ lồng bay đi tứ phía. Hai vợ chồng già cùng cái nhà trống hoác cứ lầm lũi trông xuân đến để đàn chim di trú bay về tổ. Rồi thì, người dành cả đời để đợi như ba, đến khi nhắm mắt lại không chờ kịp để nhìn mấy đứa con lần cuối, trăng trối đôi lời. Chắc ba chẳng nghĩ tới, tấm vé mình đi lại chẳng thể đặt khứ hồi.

Những cái tết đoàn viên đã chẳng còn đúng nghĩa, khi năm nay không còn cuộc gọi nhắc tôi đặt vé. Ba mất trên chiếc ghe viền xanh, lúc đang lênh đênh đánh cá ngoài biển.

Tết lại sắp về. Trong cái eo hẹp của ví tiền, đâu đó vẫn rộng thùng thình mớ tình thương dư dả được mẹ phơi phóng ngoài hiên. Là bó củi khô, ràng bánh tráng. Là mấy cái mền nhung hay bao gối thơm hương xà phòng mẹ chuẩn bị cho tôi về có chỗ nghỉ ngơi.

Mọi người trong dãy trọ lục tục rời thành phố. Cô bé phòng bên đang hí hửng xếp đồ. Tôi nhìn phố phường, ngó dòng người, tai thoảng như nghe thấy tiếng ba nhắc hỏi: Đặt vé chưa con?

Mang tết về cho mẹ

Chị Hai nói, “không ở mô tết vui và ấm áp như quê mình”. Rồi hai chị em cùng hồi ức về những ngày tết xưa. Nói là tết xưa nhưng thiệt ra là tết của ba mươi mấy năm trước, khi hai chị em còn nhỏ, ngoại và dì Ba còn sống - để lũ cháu con như tôi và chị chờ tết, mong tết về để được mặc bộ đồ mới, ăn bánh mứt, cuốn bánh tráng với thịt heo. Tôi ấn tượng nhứt là mùi ngò rí má trồng phía trước nhà, nơi đám ruộng ngấp nghé mặt đường với đất thịt tốt tươi. Với tôi, mùi ngò là mùi tết nên khi vô Sài Gòn học, thấy ngò rí được bày bán quanh năm, lại nhớ tết xưa, nhớ ngoại (đã ra người thiên cổ).

20250107_125122.jpg
Những chuyến xe buýt chở bà con ra bến xe về quê ăn tết. Ảnh: T.T

“Năm ni về tết không còn mẹ…”, chị Hai nói. Mẹ chị - dì Ba mất sắp tròn năm. Tôi nghẹn vì thương. Chị Hai sắp xếp về quê sớm để cùng mấy anh chị em lên quét mộ dì, chuẩn bị cho dịp lễ tiểu tường (giáp năm), rồi cùng đón tết quê với dượng. Tôi cũng về sớm hơn mọi năm vì lẽ này.

“Năm ni về quê là về Quế Lộc chứ không phải Sơn Viên, về Quế Sơn chứ không phải Nông Sơn…” - quy hoạch tách, nhập tùy từng giai đoạn. Và điều đó cũng chỉ là thay tên gọi, bởi đất quê, văn hóa, tình người, bao giềng mối thân thuộc ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng. Người quê vẫn hướng về quê như một lẽ đương nhiên. Tết rồi, về thôi. Đó là thông điệp thôi thúc người tha hương vén khéo công việc, tài chính… để chắt chiu về quê, về nhà.

Không khí tết sẽ tràn vào từng bờ rào chè tàu, len qua từng cánh cổng tường rào vừa được xây mới. Thích nhứt là về đến đầu thôn, gặp cô Hai, dì Bảy, thím Ba… đi chợ tết, hỏi với theo: “Con về ăn tết đó hả, má mi chắc vui như tết ở nhà rồi”.

Câu nói đó cũng là lời nhắc, con cái đi xa quê, về nhà đón tết chính là cách mang xuân ấm về nhà. Mỗi năm làng quê chộn rộn tết nhứt không chỉ vì có tiếng gọi nhau í ới đi chợ sớm, tiếng giẫy cỏ đường thôn, mà còn cả những bước chân của mấy đứa con xa quê trở về. Nụ cười sum vầy của người thân để người về cũng chợt thấy tết gõ cửa lòng mình.

Ngày tết quê nhà. Ảnh: L.Đ.L

Đường về quê cả ngàn cây số, người chọn đường hàng không, người đường bộ, dù tàu hỏa hay xe khách vẫn mang trong lòng mình háo hức như nhau. Dẫu có cực, có tốn hơn chút đỉnh do vé đi lại dịp này đều tăng nhưng cũng là trong dự tính. Cả một năm cực khổ làm việc, dành dụm, ngoài kinh phí mua quà cho người thân, đem tiền về cho má đi chợ tết thì “phí đò”, xe cộ, máy bay là khoản cứng trong khả năng, dự liệu.

Ai đi xa quê mà không nhớ. Tết ai không muốn về nhà để nghe mùi tết xưa xộc vào từng cuốn bánh tráng có mùi ngò thơm, vị cải cay nồng khó cưỡng. Về để nghe mùi hoa vạn thọ, hoa chanh, hoa bưởi thoảng trong miền nhớ và ngắm tán mai vàng má trồng trước hiên mấy chục năm trước trổ bông vàng rợp.

“Mấy em về?”, “Em hăm bốn, còn chị?”, “Ừm, chị hăm mươi sáu”… “Vui quá, tết về quê gặp nghe, nhớ xuống nhà em chơi hỉ”. Cứ vậy, những chiếc vali lại mở ra để người tha hương chất vào hành lý cho ngày về sát bên.

Về với ấm êm xưa cũ

Trong rất nhiều chuyến ngược xuôi trong cuộc đời, có lẽ, những chuyến về quê ăn tết là đong đầy cảm xúc nhất. Cảm giác gác lại mọi vướng bận, thênh thang và hân hoan trở về quê, khi chiếc xe, toa tàu chuyển động, càng lúc càng đưa ta về gần với những ấm êm xưa cũ, thật không có thứ gì ngọt ngào hơn…

Bánh thuẫn nhắc chuyện trở về

Anh Nam (ngụ khu Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) quê ở Thăng Bình (Quảng Nam). Trước tết 1 tháng, anh nhắn với mẹ rằng năm nay cả nhà đi du lịch nên không về quê. Ngày 23 tháng Chạp, anh nhận được bánh thuẫn mẹ ở quê gửi vô.

Đoạn video call của mẹ khiến anh suýt chảy nước mắt: “Rứa mi không về thật à? Mi không về tau làm bánh thuẫn sớm gửi cho nhà mi ăn tết”.

Shipper giao một thùng hàng, anh nhìn trân trân những dòng chữ xiêu vẹo quen thuộc của mẹ. Đây chính là nét chữ khi xưa viết mẫu cho anh bi bô tập đánh vần đây mà. Cứ nhìn nét chữ của mẹ là anh rưng rưng.

Về Tết với những ấm êm xưa cũ. Ảnh: X.H

Mở thùng hàng ra, mùi thơm lừng của bánh thuẫn khiến anh không thể cầm lòng. Nhà anh chẳng ai thèm đụng đến bánh thuẫn, vừa khô vừa đơn điệu, ăn dễ mắc cổ, các con anh cũng thờ ơ với mấy cái bánh con con này. Nhưng anh thì khác. Cầm miếng bánh thuẫn trên tay, anh cồn cào nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mẹ.

29 Tết, mẹ anh bất ngờ khi thấy cả nhà con trai ngoài cổng. Mẹ mừng quýnh quáng chạy ra đón, bế thốc đứa cháu trên tay, chửi yêu mấy câu trong ngây ngất tình thâm.

Về ngôi nhà thơ ấu, anh thích ngồi sà với mẹ trong gian bếp. Vật đổi sao dời, kẻ mất người còn, chái bếp cũng được sửa sang mấy bận, nhưng vẫn còn đó những dấu tích của yêu thương. Anh nhìn cái cối đá to trong góc bếp: “Mẹ nhớ cái cối ni không?”. Anh có thể kể vanh vách một cuộc làm bánh thuẫn tưng bừng đã diễn ra nhiều lần trong gian bếp này.

Trong ký ức của anh, làm bánh thuẫn trong những ngày cận tết se sắt lạnh là một “nghi lễ” tạo ra “thượng phẩm”. Trẻ con ngồi chồm hổm, “bu” xung quanh bếp lửa của người lớn. Bột đổ vào khuôn trên bếp củi. Bánh bắt đầu chín, ngả vàng dần. Thời ấy cả nước khó khăn, trẻ con ở quê hầu như không biết đến bánh kẹo là gì. Khi chiếc bánh thuẫn chín vàng, tỏa hương thơm cũng là lúc bọn trẻ chảy nước miếng. Chúng mong có một chiếc bánh bị hư, cháy quá lửa hay bị bể chi đó là chúng được ăn.

Anh Nam nhìn chiếc cối đá, nhớ lại những lúc mình may mắn được cho một vụn bánh bể ngay trong gian bếp này, rón rén thưởng thức thật chậm. Về với mẹ, về ngồi trong gian bếp này, để được nhớ về những ấm êm đơn sơ như vậy.

Mùi hương trầm

Với nhiều người con Quảng Nam xa xứ, làm bánh thuẫn chỉ là một trong rất nhiều thứ đáng nhớ. Họ không thể quên được cảnh đổ bánh tổ trong lất phất mưa lạnh, bụng thì cồn cào đói, miệng thì thèm vị ngọt của đường mà bánh đổ ra chưa được ăn. Rồi cảnh quây quần ngồi gói bánh tét. Trời mùa đông càng khuya càng rét, ánh lửa bập bùng từ nồi bánh tét khiến bức tranh tết trong tâm hồn vẽ nên vài nét chấm phá.

Trẻ con và tết. Ảnh: X.H

Anh Hoàng (ngụ huyện Krông Păc, tỉnh Đắc Lắc) năm nay cũng quyết định lái xe chở cả nhà về Núi Thành ăn tết. Anh tình thật: “Tui thích nhất cái đoạn về quê, đến đầu làng, hai bên đường vàng rực hoa cúc, phất phơ đèn lồng. Xe đi sâu dần vô làng, nắng thì vàng nhưng trời se se lạnh. Trước hiên, bà con lối xóm chộn rộn bày biện đón tết. Về đến nhà, tui tiến thẳng đến bàn thờ. Ở đó, ba luôn để sẵn một bó hương trầm. Đốt lên một nén hương, thấy mình đã có cái tết trọn vẹn”.

Theo lý giải của anh Hoàng, hương trầm thì đốt ở đâu cũng được nhưng tại sao người ta phải về ngôi nhà xưa để làm việc đó ? Bởi khi đứng tại bàn thờ, trong căn nhà xưa, khi cây hương bắt đầu tỏa ra mùi của trầm và quế, anh nhìn mẹ trong di ảnh, rồi nhìn ở đầu tràng kỷ, nơi mẹ thường ngồi ở đó ăn trầu, ôn tồn dặn dò con cháu điều chi đó. Rồi anh nhìn căn buồng ở đầu nhà, nơi mẹ đã đẻ mình ra, nuôi nấng trong ấy, rồi nhìn qua cửa sổ, nơi có khoảnh đất khi xưa trồng bắp cải, su hào. Thắp lên một nén hương trầm rồi “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, dù phảng phất của mất mát nhưng vẫn cảm thấy ấm áp lạ thường.

Vào dịp cuối năm, rất nhiều người đổ về quê ăn tết, xe khách, tàu, máy bay đều rất đông, chen chúc, vướng víu nhưng mọi người dễ tính, dễ chịu hơn hẳn. Bởi trong lòng ai cũng hướng về tết, nghĩ về đoàn viên.

Cảnh chộn rộn ở ga tàu, bến xe ngày cuối năm là những bức tranh đẹp nao lòng. Cảnh gia đình công nhân, người cha một tay bế con thơ, một tay xách túi “quà tết của công ty” trông vừa thương vừa tủi. Túi quà bọc giấy kiếng, thấp thoáng bên trong là hộp bánh, chai rượu vang giá rẻ, gói kẹo, hộp trà, để “có chút quà mang về quê”. Đó là cảnh cả nhà với lỉnh kỉnh hành lý, túi to túi nhỏ cùng hai chiếc xe máy vì “chuyến này về ăn tết là cả nhà về hẳn luôn, làm công nhân bao năm chẳng giải quyết được gì”.

Tiếng í ới gọi nhau, hối thúc, tiếng thông báo chuyến đi chuyến đến, huyên náo, chộn rộn, thôi thúc…

Nội dung: MINH ĐỨC - PHAN VINH - THANH TRÚC - ĐÌNH LONG - TRẦN TRIỀU

Trình bày: MINH TẠO

MINH ĐỨC - PHAN VINH - THANH TRÚC - ĐÌNH LONG - TRẦN TRIỀU