Ăn gì cho tết đừng uể oải?
Tết - đôi khi trở nên nặng nề bởi chính những gì ta nạp vào người. Chúng ta ăn quá nhiều vào ngày tết - ăn nhiều mà lại không đảm bảo dinh dưỡng. Điều này có thể làm cái tết kém vui đi rất nhiều.
Nguyên nhân thiếu dinh dưỡng
Tết cổ truyền là dịp tụ họp gia đình, gặp gỡ bạn bè và muôn nghìn kiểu xã giao thân sơ khác.
Tết cũng là câu chuyện tiền bạc đúng nghĩa. Giàu thì nhành mai, cành quất, khó một chút thì cũng phải vạn thọ, lay ơn. Tết người ta đi thăm nhau, chúc tết là chính, nên không ai muốn nhà mình trông đơn giản và xuề xòa được.
Thành ra, dịp cuối năm, mọi thứ tất bật kéo nhau đến một lượt. Ngày tết cứ như “chạy giặc”, nhiều khi đến tận phút giao thừa. Vậy nên, tết - đôi khi trở thành một thứ gánh nặng cho mỗi gia đình.
Thực ra có một thứ cơ bản hơn mà mọi người không nhận ra, lại có thể làm cái tết kém vui đi rất nhiều, làm tăng thêm gánh nặng cho ngày tết. Đó là việc chúng ta ăn quá nhiều vào ngày tết - ăn nhiều mà lại không đảm bảo dinh dưỡng.
Năm mới là lúc dọn dẹp những ngổn ngang của năm cũ, nhưng tết lại đem nhiều thứ lộn xộn khác đến. Lịch trình sinh hoạt bị đảo lộn, có thể thức khuya và dậy trễ hơn bình thường, các bữa ăn chồng chéo nhau và thường sẽ thuận tiện khi đi thăm tết, nên giờ giấc ăn uống rất thất thường.
Nhớ thói quen thỉnh thoảng uống nước do lịch trình đi lại thường xuyên, thời tiết lạnh khô ngày tết dễ làm bạn mất nước. Chính việc mất nước và ăn uống trì trệ ngày tết sẽ gánh ra gánh nặng táo bón sau tết, mà chẳng ai muốn mình ngày tết cứ ì ạch, độc tố quá nhiều trong dịp đầu năm cả.
Việc tiêu thụ liên tục các loại bánh mứt, hạt dưa làm cho mất cảm giác thèm ăn ở các bữa chính. Cơ thể bị nạp liên tục các chất đường bột làm tâm trạng uể oải, mất cân bằng, thỉnh thoảng còn hay bị tụt đường vô cớ.
Các bữa tất niên dồn dập cuối năm, những món na ná nhau, thịt cá dư thừa làm cơ thể trở nên nặng nề, trì trệ vì hệ tiêu hóa làm việc liên tục cả ngày.
Ngày tết thường là lúc mọi hoạt động mua bán dừng lại. Người dân hình thành thói quen trữ đồ ăn cho mấy ngày tết để đảm bảo gia đình lúc nào cũng no ấm.
Muốn giữ đồ ăn lâu thì phải có cách bảo quản, nên mới sinh ra các món đặc biệt thú vị như mứt, dưa món, thịt muối, bánh tét, chả bò, thịt kho tàu. Đây là các món có thể sử dụng được lâu nhờ đường và muối được dùng để ức chế vi khuẩn trong thực phẩm.
Tuy vậy, ăn quá nhiều và liên tục bánh mứt ngày tết là nguyên nhân lớn nhất làm cho tình trạng kép xảy ra: ăn không ngon miệng nhưng lại tăng cân, thiếu hụt vi chất trầm trọng. Áp lực đi làm sau tết khi cơ thể cạn kiệt dinh dưỡng, tinh thần uể oải là thực trạng báo động ở nhiều người.
Do đó, hãy hạn chế một chút các loại bánh mứt ngày tết. Trong mâm mời khách, hãy thêm một số loại thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn như các loại hạt: hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt hạnh nhân, trái cây sấy như nho, mít, các loại mứt ít đường như vỏ bưởi... để mâm tết cân bằng hơn, giúp chủ và khách cũng có nhiều sự lựa chọn.
Cách chọn thực phẩm giữ cân bằng
Việc ăn liên tục các món ăn chế biến sẵn ngày tết làm mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng. Do đó mỗi ngày, hãy cố gắng giữ lại một bữa ăn tươi ngon, có thể là buổi tối, khi mọi hoạt động trong ngày đã xong.
Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm thịt, cá tươi (có thể trữ đông), rau xanh đa dạng màu sắc, một ít củ quả như khoai lang, khoai tây, bí đỏ cho ngày tết. Các loại rau thu hoạch vào mùa xuân, đặc biệt là rau họ cải là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng do có thời gian sinh trưởng lâu, thời tiết ít sâu bệnh hơn mùa hè.
Chúng ta có truyền thống ăn bánh chưng và dưa món - cũng là một thói quen tốt. Dưa món hay dưa hành là phương pháp lên men vi sinh các loại củ như cà rốt, củ hành, củ kiệu... tương tự như các loại dưa cải chua, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Dưa món có thể cung cấp các lợi khuẩn, cân bằng lại các tác nhân làm phá hủy cân bằng đường ruột như rượu, bia, bánh mứt.
Bánh chưng, bánh tét vốn nhiều nếp, chỉ số đường huyết cao, ăn dễ bị nặng bụng nên ăn chung với dưa món rất hợp lý, ăn xong dễ tiêu hóa hơn. Vậy mới có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh”.
Để giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hóa, bạn có thể rèn luyện thói quen nhịn ăn gián đoạn xen kẽ vào các ngày tết. Hãy cố gắng kết thúc bữa ăn tối hôm trước thật sớm trước giờ ngủ, sau đó đẩy bữa ăn sáng hôm sau xa dần gần đến trưa, để kéo dài thời gian nhịn đói từ tối hôm trước. Lúc này thay vì ăn ba bữa chính có thể chỉ còn lại hai bữa chính và các bữa phụ, ăn linh tinh khác của ngày tết.
Việc nhịn đói tích cực và có kế hoạch này sẽ tạo đà cho cơ thể nghỉ ngơi, tăng chuyển hóa, đốt mỡ thừa trong cơ thể. Có thể sử dụng thêm các loại dầu dừa, dầu mè để hỗ trợ thêm năng lượng trong ngày.
Hãy ăn một cái tết nhẹ nhàng, đủ đầy nhưng mới mẻ hơn, thay vì cứ diễn đi diễn lại những tình trạng cũ nhiều năm qua, bạn nhé! Để ý hơn việc ăn uống ngày tết sẽ giúp chúng ta có một cái tết thật vui vẻ và giàu năng lượng!