Ngắm tranh thờ, nghe chuyện người xưa
Sau hơn chục năm, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ (Sĩ Mộc) bắt đầu giới thiệu, trưng bày hàng trăm đồ cổ như các loại gốm, đá cổ, các bộ sưu tập tranh thờ dân gian. Một cách có hệ thống, trong “kho báu” của Sĩ Mộc, dòng tranh thờ dân gian chứa đựng những điều vô giá của văn hóa truyền thống Việt.
Con đường sưu tập có ý thức
Phạm Đức Sĩ bắt đầu sưu tập gốm từ thời tiền sử đến thời Hán Đường và tranh thờ dân gian Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 90.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói: “Sau 25 năm sưu tập, trao đổi, nghiên cứu, bằng tình cảm đối với nền văn hóa dân tộc, vẻ đẹp của những cổ vật đã lôi kéo người sưu tập vào một con đường tưởng chừng bất tận. Nếu không được công bố, Phạm Đức Sĩ không biết giới hạn lòng say mê của mình.
Về mặt giá trị tinh thần, những hiện vật này luôn thuộc về người xem và nền văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Chúng luôn dễ dàng thất thoát trong đời sống hiện đại và trong thương mại cổ vật luôn phát triển. Việc công bố các hiện vật này tất nhiên đòi hỏi sự đánh giá nghiêm túc của các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ học”.
Hiện tại, nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ đang có trong tay bộ sưu tập gốm khá phong phú, nhất là gốm Hoa Lộc có từ thời kỳ đồ đá mới từ 5.000 - 4.000 năm với dáng thô, dày, hoa văn mang phong cách riêng biệt.
Gốm Hoa Lộc thường thấy ở các vùng biển, rất phong phú cách tạo hình như miệng đa giác, miệng loe, hoa văn mang tính hình học, có tính đối xứng. Theo anh, gốm thời Hoa Lộc mang tính phóng khoáng, thể hiện tư duy người miền biển, thô mộc, giản dị, nên “hợp” với anh.
Sĩ Mộc chia sẻ do anh có người bạn ở Bắc Ninh - miền đất xưa vốn là Thuận Thành, Luy Lâu cũ. Nơi này có rất nhiều gò nhà mồ Hán xưa, sau này khi xây dựng hoặc làm ruộng, bà con đào phải. Từ đó phát hiện được nhiều đồ cổ và nhà sưu tập Sĩ Mộc may mắn có được.
Một số hiện vật khác do những người khai thác cát trên các dòng sông như sông Lô, sông Cầu thu nhận được và cũng may mắn đến tay anh. Về căn bản, đồ đào và đồ vớt từ sông nước rất khác nhau, do sự khác biệt của quá trình phong hóa và môi trường. Về tính xác thực và đánh giá niên đại của các hiện vật đồ đá này, anh Phạm Đức Sĩ đang mong được các nhà chuyên môn, khảo cổ học tham gia góp ý và chỉ giáo thêm.
Trong số các hiện vật, cổ vật mà anh sưu tập được, có hai món đồ Sĩ Mộc có nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất - đó là chiếc “đèn” cổ được trang trí bằng hai đầu rồng. Ngày xưa, rồng là biểu tượng của vua chúa.
Tại vùng đất Bắc Ninh, thời đó đèn cổ chỉ có gần lăng Sĩ Nhiếp, vốn là quan thái thú xưa cai trị vùng Giao Chỉ - ông được mọi người coi như là vua và được các nhà sử học Việt đánh giá khá tốt.
Món đồ quý thứ hai là một cái đầu bằng đất nung có niên đại từ thời Trần, được người dân vớt lên từ sông Cầu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, ông chưa bao giờ thấy cái đầu người nào có dáng dấp kiểu cách và hình khối to như vậy.
Bộ sưu tập khủng về tranh thờ dân gian
Trong mảng tranh thờ dân gian, Phạm Đức Sĩ có bộ sưu tập khá “khủng”, có hệ thống. Tôi hỏi anh vì sao lại sưu tập tranh thờ - mảng ít người nào muốn sưu tập vì tính “linh” và đậm nét tôn giáo
Sĩ Mộc trả lời: “Tranh dân gian là các tác phẩm gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc, thể hiện qua từng thời kỳ, từng vùng miền. Tôi tập trung vào tranh thờ bởi chúng không phải các bức tranh đại trà, mà là bức tranh có thần lực”.
Dòng tranh thờ chủ yếu có nguồn gốc từ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, mang tính chất tâm linh tín ngưỡng của riêng dân tộc ấy. Tranh thờ hình thành từ cội nguồn văn hóa, phong tục, tập quán của riêng mỗi dân tộc.
Ứng với từng dân tộc lại có một dòng tranh thờ khác nhau, từ nét vẽ, màu sắc, số lượng, kích cỡ, nội dung và cách thể hiện. Tranh thờ phong phú ở các vùng núi phía bắc như dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Cao Lan… và được các thầy cúng sử dụng trong việc ma chay, cúng lễ và cả lễ hội.
Tranh thờ mang giá trị thẩm mỹ đặc trưng, thường được vẽ bằng bột màu trên giấy, có thể là giấy dó, giấy bồi, hoặc loại giấy riêng do người dân các vùng tự làm.
Bố cục và kích cỡ tranh thờ cũng có đặc trưng riêng, thường là có theo bộ, gồm từ 3 - 12 bức dài ngắn khác nhau. Có bức rất đặc biệt, có thể dài từ 3m đến 12m nhưng bề rộng lại rất hẹp, từ 20cm. Màu sắc được thể hiện rực rỡ và dùng màu bột tự nhiên như từ đá sỏi son, lá chàm, hoa hòe, than tre, bột vỏ sò vỏ điệp, vàng lá, các màu từ lá cây, quả…
Ngoài các vị thần linh, tranh thờ của người dân tộc thường như một câu chuyện được kể lại bằng tranh. Trong đó có rất nhiều tranh miêu tả các bước từ người sống cho đến khi chết, lên đến cõi trên như thế nào, hoặc xuống địa ngục ra sao.
Cạnh đó, có một số tranh thờ của những khu vực đồng bằng, bao gồm các tranh thờ cúng thần linh bảo trợ cho gia đình làng xã, các nhân vật huyền thoại, lịch sử, tranh thờ đạo Giáo, đạo Mẫu và một số tranh dân gian hóa như Thập Điện, Tam Thanh theo phong cách dân gian từ nghìn đời còn lưu truyền.
Trong các bộ tranh thờ Sĩ Mộc sưu tập được có bộ tranh thờ Dao đỏ khá đặc biệt. Anh cho biết, đây là bộ tranh do người Dao đặt nghệ nhân Quảng Tây (Trung Quốc) vẽ.
Bộ tranh thờ luôn được coi là đồ gia bảo, nếu không có người nối dõi, đến cuối đời thầy Tào làm lễ đưa các bức tranh thường ngày vẫn dùng cúng tế này vào hang sâu vứt bỏ. Cũng vì thế, ngày nay tranh thờ ở miền núi không còn nhiều nữa.
Hỏi anh, đã chơi đồ cổ, thì phải có… niềm tin và có cả cái “gan” to to, anh cười rất lành và chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy nặng nề hay áp lực. Mọi thứ đến với tôi là nhân duyên và tôi đã trót gặp, trót mê. Hạnh phúc khi mình sưu tập được món đồ cổ của tiền nhân mà mình đã “trót” gặp, “trót” đam mê. Chơi, là một sự công phu, cả hy sinh nhiều thứ, nhưng cũng là ý thức để mình giữ gìn những tinh hoa của dân tộc”.
Đã nhiều năm rồi, Phạm Đức Sĩ mới mang “kho báu” của mình ra giới thiệu. Mỗi hiện vật cổ anh sưu tập được đều đặc biệt giữa dòng chảy chung của văn hóa dân gian Việt Nam. Có thể con đường của Sĩ ít người cùng đam mê, nhưng càng tận tụy, tận tâm với các tinh hoa ấy, càng thấy quý giá. Nguyễn Đức Sĩ chỉ đi riêng một con đường này. Đó như một tình yêu không cần đền đáp, bởi Sĩ chưa bao giờ bán đi một món đồ nào.
Nói như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã viết tặng Sĩ Mộc: “Toàn bộ cuộc trưng bày của Sĩ không nhằm mục đích nào khác ngoài việc giới thiệu cho khán giả một phần văn hóa truyền thống Việt Nam, mà nhẽ ra chúng sẽ tản mát và thất lạc tưởng chừng không bao giờ trông thấy nữa”.