Giảm nghèo - An sinh

Tận dụng tối đa các nguồn lực, Quảng Nam tạo sức bật giảm nghèo

DIỄM LỆ 20/01/2025 08:45

Đánh giá về những thành quả trong công cuộc giảm nghèo bền vững tại Quảng Nam, đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định đã có nhiều đổi thay, đặc biệt là ở các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Quảng Nam đã tận dụng tối đa các nguồn lực, tạo sức bật giảm nghèo bền vững.

dsc00034.jpg
Trẻ em ở miền núi được học tập tại các điểm trường tập trung sạch sẽ, an toàn ở xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn). Ảnh: D.L

Huyện nghèo Phước Sơn chuyển mình

Tại huyện nghèo Phước Sơn, tổng vốn đầu tư được bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn hơn 180 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang). Huyện đã giải ngân đạt 57,66% kế hoạch vốn. Tổng nguồn vốn sự nghiệp được bố trí hơn 54 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 73,05 % kế hoạch.

Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhiều dự án đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, cải thiện dinh dưỡng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động... Tổng hợp, lồng ghép tất cả nguồn lực, Phước Sơn đã đầu tư cải thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, tác động tích cực tới công cuộc giảm nghèo bền vững.

Số hộ nghèo năm 2024 của Phước Sơn còn 1.446 hộ (tỷ lệ 20,47%), giảm 487 hộ so với năm 2023, đạt 124,87 % so với chỉ tiêu tỉnh giao (390 hộ) và đạt tỷ lệ 121,75 % so với chỉ tiêu huyện giao (400 hộ).

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, mục tiêu chính trị cao nhất là thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025. Huyện sẽ tổng lực thực hiện giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, toàn diện, bền vững, tạo cơ hội để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.

Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 22,06% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 16,98%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,08%), đưa Phước Sơn thoát khỏi huyện nghèo. Muốn thực hiện được mục tiêu này, địa phương cần nguồn lực lớn và sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt khơi dậy ý thức của người dân về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tận dụng nguồn lực

Tổng kế hoạch vốn năm 2024 của toàn tỉnh sau điều chỉnh theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững hơn 1.273 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 58% đến cuối năm 2024. Nguồn vốn đã hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

a1.jpg
Giám sát tại Quảng Nam, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Các huyện nghèo đã đầu tư xây dựng mới và thanh toán khối lượng hoàn thành 224 công trình/dự án giao thông, nước sinh hoạt, điện, sắp xếp dân cư... Tỉnh đã triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 đối với Bắc Trà My và Phước Sơn, tổng lực đưa 2 huyện này thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, các cơ quan, đơn vị của tỉnh và các địa phương đã triển khai xây dựng hơn 150 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn các huyện.

Nguồn vốn còn hỗ trợ dự án sinh kế lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo...

“Trong giai đoạn 2022 - 2024, chương trình giảm nghèo bền vững triển khai giai đoạn mới nên gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Quảng Nam vừa làm vừa tháo gỡ, tranh thủ sự chỉ đạo từ các cơ quan ở Trung ương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành của tỉnh. Các địa phương đều đặt quyết tâm cao, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, đầu tư hạ tầng, tạo tác động giảm nghèo bền vững hơn, đặc biệt là khu vực miền núi” - bà Lộc nói.

“Khó đâu gỡ đó”

Trong giai đoạn 2021 - 2024, Quảng Nam đã có sự bứt phá trong giảm nghèo bền vững. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 là 20.272 hộ (tỷ lệ 4,56%), số hộ nghèo giảm 4.397 hộ so với mục tiêu đề ra là giảm 2.900 hộ nghèo; hộ cận nghèo còn 7.955 hộ (tỷ lệ 1,79%). Trong đó, khu vực đồng bằng còn 4.695 hộ nghèo (tỷ lệ 1,32%), khu vực miền núi còn 15.577 hộ nghèo (tỷ lệ 17,53%).

dsc00070(1).jpg
Thăm nhà dân và mô hình sinh kế ở huyện Phước Sơn, đoàn giám sát đánh giá đã có sự đổi thay tích cực trong tư duy làm ăn, vươn lên thoát nghèo của người dân. Ảnh: D.L

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nêu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB&XH, rằng Quảng Nam đã đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Đầu tư cho giảm nghèo chính là đầu tư cho đời sống nhân dân, nên tất cả các chương trình MTQG đều vì mục đích này.

Ông Tuấn cho biết: “Từ nay đến hết năm 2025, Quảng Nam chỉ bàn làm, khó đâu gỡ đó, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG, đặc biệt là đầu tư cho khu vực miền núi để tạo đòn bẩy toàn diện cho công cuộc giảm nghèo bền vững. Chương trình năm 2025 đã được triển khai với quyết tâm cao nhất, giai đoạn 2026 - 2030 cũng đã được tính toán, đề xuất phù hợp để Trung ương có sự đầu tư đối với Quảng Nam”.

Qua giám sát tại huyện miền núi Phước Sơn và tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá, Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, dù còn những khó khăn khiến việc giải ngân chậm.

Hạ tầng miền núi được quan tâm đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia. TRONG ẢNH:Trung tâm huyện Nam Trà My. Ảnh: L.DIỄM
Hạ tầng miền núi được quan tâm đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia. TRONG ẢNH:Trung tâm huyện Nam Trà My. Ảnh: L.DIỄM

Đoàn giám sát ghi nhận kết quả những dự án mà chương trình đã đầu tư giảm nghèo bền vững, đặc biệt 2 huyện định hướng thoát nghèo bền vững năm 2025 đã có nhiều thay đổi. Người dân đã biết cách làm ăn để vượt lên, thoát nghèo, dù đây đó vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Chính sách đầu tư có sự thay đổi theo hướng tạo động lực tốt nhất cho người tự giác thoát nghèo, kéo theo tư duy của người dân chuyển biến tích cực.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị: “Quyết tâm chính trị của toàn tỉnh đã có và được cụ thể hóa bằng kết quả rõ ràng trong giảm nghèo. Miền núi của Quảng Nam hộ nghèo còn cao, nên giai đoạn tới cần tập trung tổng lực cho khu vực này. Đối với những kiến nghị của Quảng Nam thì Trung ương đang xem xét tổng hợp để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Chương trình giảm nghèo bền vững khi thực hiện có nhiều kỳ vọng, nhất là trong vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, nhưng qua thực tiễn trùng lắp với 2 chương trình còn lại. Vì vậy thời gian tới, Trung ương sẽ xem xét từ thực tiễn để việc thực hiện của địa phương thuận lợi hơn”.

DIỄM LỆ