Nông dân liên kết sản xuất hoa cúc vụ tết
(QNO) - Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, con đường nhỏ dẫn vào thôn Hà Đông (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) tấp nập xe tải lớn nhỏ vào chở hoa cúc xuôi về các đô thị để bày bán. Năm nay các hộ trồng hoa cúc chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với nhau, giúp Hà Đông có một mùa bội thu, được giá.
Chia sẻ kinh nghiệm
Bắt đầu trồng hoa cúc để bán dịp tết gần 10 năm nay, ông Đỗ Tấn Dương (55 tuổi, thôn Hà Đông, xã Điện Hòa) chia sẻ, trước đây, người dân trong làng chủ yếu trồng cúc đất bản địa. Về sau, khi nhu cầu thị trường thay đổi, loài cúc đá Đà Lạt được khách hàng ưa chuộng, người dân chuyển sang trồng loại này. Từ khoảng tháng 5 âm lịch, họ nhập giống từ Đà Lạt về ươm, đến tháng 7 cho vào chậu. Chậu lớn có đường kính khoảng 80cm với giá bán tại vườn khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/chậu.
So với nhiều nghề ở vùng nông thôn, trồng cúc tết cho thu nhập cao, tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn. Phải có kinh nghiệm trồng qua nhiều vụ, hoa cúc mới nở đúng dịp tết. Trước đây, người dân thôn Hà Đông có hơn 30 hộ trồng cúc, nhưng sau nhiều lần thất thu, một số hộ bỏ nghề, đến nay chỉ còn 25 hộ. Để tạo sự liên kết bền vững và trở thành một nghề độc quyền trong khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận, năm 2017, các hộ ở thôn Hà Đông đã thành lập Tổ hợp tác trồng cúc.
"Với nghề trồng cúc, chẳng ai vỗ ngực nói mình giỏi cả. Cho nên chúng tôi tập hợp lại, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc với nhau để hạn chế tối đa rủi ro và hỗ trợ nhau phát triển" - ông Dương nói.
Bà Nguyễn Thị Có - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa cúc xã Điện Hòa cho biết, với mục đích kết nối nguồn cấp cây giống, phân bón, chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm trồng cây và các mối thương lái mua hoa, những năm qua, các thành viên trong tổ hợp tác đã có nguồn thu nhập ổn định và liên tục mở rộng quy mô.
[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Có chia sẻ về việc các thành viên trong tổ hợp tác hỗ trợ nhau:
"Chúng tôi thường tổ chức đi thăm vườn nhau, kịp thời phát hiện tình hình sâu bệnh để có hướng xử lý, thậm chí cho mượn phân, thuốc. Khí hậu những năm qua bất thường, nên việc chỉ dựa trên kinh nghiệm bản thân là không đủ. Ví dụ, năm nay mưa lạnh kéo dài, nếu nóng vội vô phân nhiều thì sẽ kích lá phát triển và chậm thời gian ra hoa. Nhờ việc nhắc nhở nhau mà năm nay, cả làng hoa Hà Đông đều được mùa, được giá" - bà Có chia sẻ.
Liên kết sản xuất
Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Điện Hòa, năm 2017, thực hiện Đề án 939 về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", Tổ hợp tác trồng hoa cúc thôn Hà Đông được thành lập. Trong đó, có 70% các thành viên tham gia tổ hợp tác là phụ nữ.
Bà Phượng nói: "Việc thành lập tổ hợp tác là nguyện vọng của người dân trồng cúc thôn Hà Đông, khi thị trường mỗi ngày càng phát triển và có sự cạnh tranh cao, đòi hỏi phải liên kết sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ đầu ra. Trên cơ sở này, Hội LHPN xã Điện Hòa hỗ trợ việc thành lập Tổ hợp tác trồng hoa cúc, đồng thời tham mưu, đề xuất các ngành, các cấp có những phương án hỗ trợ cụ thể".
Từ khi thành lập đến nay, các thành viên Tổ hợp tác trồng hoa cúc Hà Đông được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN, Hội Nông dân, ngành kinh tế tổ chức nhằm nâng cao việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, tổ hợp tác cũng được tiếp cận với các nguồn cung giống, phân bón với giá thành thấp và ưu đãi hình thức trả góp hoặc trả sau vụ thông qua sự giới thiệu, đề nghị của các ngành và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, hằng năm, vào đầu vụ hoa tết, thành viên tổ hợp tác cần vốn có lãi suất ưu đãi để đầu tư, các đoàn thể xã hội như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên,... sẽ giới thiệu danh sách lên ngân hàng chính sách phê duyệt và giải ngân. Ước tính, mỗi năm, thành viên tổ hợp tác được tiếp nhận hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn vay chính sách này.
[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Phượng nói về việc hỗ trợ cho Tổ hợp tác trồng hoa cúc Hà Đông:
"Những năm qua, việc trồng hoa tết đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, ước tính sau khi trừ chi phí giống, phân bón, hộ có quy mô vườn thấp nhất với khoảng 500 chậu cũng thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng, một số hộ trồng nhiều thì lãi từ 500 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, có những năm thời tiết xấu, có hộ lỗ vốn cũng được các thành viên còn lại hỗ trợ, thể hiện tinh thần tương thân tương ái" - bà Phương cho biết thêm.