Tạo động lực phát triển công nghiệp Quảng Nam
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình đánh giá cao hoạt động công nghiệp Quảng Nam trong năm 2024 và giao nghiệm vụ Sở Công Thương triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo động lực phát triển trong năm 2025.
Chỉ số sản xuất tăng 17,6%
Năm 2024 là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Quảng Nam tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của các doanh nghiệp đạt hơn 5.012 triệu USD (tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023).
Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Đối với Khu kinh tế mở Chu Lai, tổng diện tích các khu công nghiệp được quy hoạch là 4.519ha.
Đến nay, 10 KCN đã được cấp phép với diện tích là 2.711,89ha, diện tích đất công nghiệp còn lại theo quy hoạch là 1.807,11ha. Các KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng diện tích quy hoạch là 1.182,19ha, đến nay, 3 KCN đã được cấp phép với tổng diện tích 716,76ha, diện tích đất công nghiệp còn lại là 465,43ha.
Quảng Nam hiện có tổng cộng 295 dự án công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 93.303 tỷ đồng, thu hút 61.000 lao động sản xuất. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động ổn định và đóng góp lớn vào ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quảng Nam hiện thu hút được 379 dự án đăng ký đầu tư vào 53 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 722,33ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 15.872,06 tỷ đồng, tổng số lao động 67.830 người. Có 39/53 CCN đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy từ 50% trở lên.
CCN Thanh Hà tập trung được 68 cơ sở gồm mộc, cơ khí và đèn lồng với quy mô diện tích 30,3ha để bảo vệ môi trường; tỷ lệ lấp đầy CCN Thanh Hà đạt 53%.
Tuy nhiên, đến nay Quảng Nam chỉ có 5 CCN có khu xử lý nước thải tập trung đã đi vào hoạt động nhưng vận hành chưa hết công suất. Tỷ lệ CCN đang hoạt động có khu xử lý nước thải tập trung chỉ mới đạt 9,3%.
Động lực mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển công nghiệp Quảng Nam vẫn còn những hạn chế. Trong quá trình triển khai đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đối với ngành công nghiệp vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt nên một số dự án chưa có cơ sở thực hiện, gây chậm trễ, vướng mắc trong công tác thu hút đầu tư. Hạ tầng công nghiệp ở miền núi còn chưa được đầu tư đúng mức, manh mún, nhỏ lẻ, chưa thu hút đầu tư được nhiều dự án.
Nguồn vốn bố trí đầu tư cho hạ tầng công nghiệp còn thiếu và chậm. Mô hình quản lý hạ tầng các CCN còn vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn chuyển đổi tài sản công do nhà nước đầu tư để giao cho doanh nghiệp quản lý và kinh doanh hạ tầng.
Để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ silica trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và triển khai thực hiện.
Ngành công thương cần rà soát quy hoạch ngành tích hợp vào quy hoạch tỉnh để có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp được thông suốt.
Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa; phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước. Tập trung tham mưu ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026 - 2030. Sở Công Thương chuẩn bị nội dung để báo cáo cụ thể UBND tỉnh giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, xử lý nước thải ở các CCN.
Ông Lê Vũ Thương cho biết, bên cạnh những nhiệm vụ phát triển công nghiệp UBND tỉnh giao, thời gian đến đơn vị chú trọng phối hợp xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, CCN và đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp.
Đặc biệt, triển khai các giải pháp phát triển thị trường, phổ biến các quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp Quảng Nam tận dụng các FTA đẩy mạnh xuất khẩu.