Hương từ bánh tết...
(VHQN) - Người ở xứ Quảng, ngày tết trên ban thờ, phải có vài ổ bánh tổ. Để cúng tạ ông bà tổ tiên và để tỏ bày lòng thành với đất trời quê xứ...
Một ổ bánh tổ, là nếp, đường, gừng quyện với nhau và được bọc bằng lá chuối - đủ đầy ý nghĩa cho cái tết sum vầy, an vui.
“Ổ bánh có màu như màu đất, đổ trong khuôn dày hình vuông nhắc nhở chúng ta về niềm tin “trời tròn đất vuông” trong nếp nghĩ của người Việt cổ” - nhà nghiên cứu văn hóa Lưu Duy Trân viết.
Những buổi chợ tháng Chạp, từ đầu nguồn đến cuối bể đều thơm hương. Ông Lê Phước Chín (sinh năm 1952, khu Phước Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) nói, mỗi cái tết, ông sử dụng từ 5-7 tấn nếp, chỉ để nấu bánh tổ. Lò đỏ lửa suốt đêm ngày...
Ổ bánh có màu nâu từ đường bát, vị thanh dịu của gừng và mùi hương của nếp nấu chín quyện cùng mè trắng. Bánh tổ xứ Quảng nổi danh ở vùng Đại Lộc. Ông Chín nói: “Bí quyết chính là nấu nhiều thành quen, gia giảm đường với bột nếp sao cho bánh không quá mềm cũng không quá cứng. Bánh ngon thì cần phải có trời nắng để phơi cho khỏi mốc”.
Ổ bánh tổ gọi là “vun mặt nhiễu” sẽ ngon, tức là lúc mới hấp xong mặt bánh sẽ phồng cao lên, sau đó nguội lại thì mặt bánh lõm xuống, bề mặt có nhiều chấm rỗ. Người “sành” sẽ chọn những ổ bánh như vậy.
Ngày tết, còn thấy ổ bánh tổ - là còn đó phong vị cổ truyền...