Văn hóa

Sản vật Quảng Nam trường cửu cùng Cửu đỉnh

NGUYỄN DỊ CỔ 24/01/2025 12:15

(VHQN) - Bóng dáng sản vật của Quảng Nam được chọn để đúc khắc và trường tồn cùng Cửu đỉnh – biểu trưng uy quyền của triều Nguyễn.

Cuu dinh1
Nhiều hình ảnh sản vật được chạm khắc trên Cửu đỉnh.

Cửu đỉnh triều Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với thụy hiệu của một vị hoàng đế triều Nguyễn, được đặt ở trước sân Thế miếu (Đại nội Huế).

Dồi dào sản vật

Nhiều tài liệu địa chí thời triều Nguyễn như “Đại Nam nhất thống chí”, “Gia Định thành thông chí”, “Đồng Khánh địa dư chí”… đã ghi chép về sự dồi dào của sản vật Quảng Nam.

Trong đó, nhiều nhất là sản vật nông nghiệp, lâm nghiệp, từ lúa (tẻ và nếp), quế, nam trân, xoài, đường cát, thuốc lá, bánh đậu xanh, chè nam (nam trà, chè vằng), muối, mạch môn đông, yến sào, các loại gỗ (thông, muồng, sến, kiền kiền, trám), sáp ong, mật ong, dây mây, các loại chim, cá, cua…

Cuu dinh2
Nhiều hình ảnh sản vật được chạm khắc trên Cửu đỉnh.

Lâm sản Quảng Nam đã trở thành hàng hóa có giá trị xuất khẩu hàng đầu. Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có ghi chép lại việc buôn bán, trao đổi hàng hóa tại thương cảng quốc tế Hội An:

“Thuyền từ Sơn Nam (Đàng Ngoài) về thì chỉ mua được một thứ là củ nâu; thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu; còn từ Quảng Nam về thì không món gì không có, các nước phiên không sánh kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang (tức thuộc Quảng Nam thừa tuyên - NV)… đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An, vì thế khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đây để mua về nước, trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở hàng cùng một lúc cũng không hết được”.

Bức tranh Đại Nam

Sử chép, vào mùa đông năm 1835, vua Minh Mạng đã ban dụ cho đúc Cửu đỉnh. Hai năm sau thì hoàn thành. Vua Minh Mạng tổ chức lễ khánh thành Cửu đỉnh vào ngày Quý Mão (1/3/1837).

459-202412031430371.jpg
Nam trân trên cửu đỉnh.

Hệ thống Cửu đỉnh gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Trên mỗi đỉnh chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, sơn xuyên, muông thú, sản vật, thuyền bè, xe cộ, vũ khí… tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của quốc gia Đại Nam.

Đồ hình, họa tiết trên Cửu đỉnh là bức tranh tổng thể đất nước lúc bấy giờ. Do vậy, có nhiều hình ảnh là sản vật hết sức phổ quát như hạt thóc, con gà, quả mít…

Nhưng trong đó cũng có nhiều hình ảnh mang tính đặc trưng, tiêu biểu của vùng miền hoặc cụ thể của một vùng đất. Vua Minh Mạng đã ban dụ: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng sông, núi và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét”.

Theo đó những hình ảnh sơn xuyên, sản vật tiêu biểu của Quảng Nam được đúc khắc trên Cửu đỉnh gồm trầm hương ở Cao đỉnh; quả nam trân, cây kỳ nam ở Nhân đỉnh; cây quế, cây gỗ đàn ở Nghị đỉnh; tổ yến ở Tuyên đỉnh; cửa quan Hải Vân, sông Vĩnh Điện ở Dụ đỉnh. Trong số này, các sản vật nam trân, quế, tổ yến (yến sào) rất nổi tiếng.

Sản vật trường cửu

Nam trân là mỹ tự do vua Minh Mạng đặt nên. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Tục gọi là quả lòn bon, đầu đời Minh Mạng ban cho tên là Nam trân, nguồn Ô Da và nguồn Thu Bồn đều có. Tháng 8, tháng 9 quả chín, sắc trắng, vỏ mỏng, vị ngọt và thơm, có lệ thượng tiến để dùng vào việc tế tự. Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nhân đỉnh”.

459-202412031430372.jpg
Quế trên cửu đỉnh. Ảnh tư liệu

Nam trân là quả quý phương Nam, là của quý giúp chúa Nguyễn Ánh qua cơn đói khát, lập nên vương nghiệp. Lệ thượng tiến quả Nam trân được quy định chi tiết trong sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi chép, vỏ quế ở nguồn Thu Bồn huyện Quế Sơn phủ Thăng Bình thuộc hạng ngon tốt; tổng Tiên Giảng huyện Hà Đông phủ Thăng Bình phần nhiều trồng quế. Án sát Nguyễn Văn Mại ghi chép khá tỉ mỉ về việc trồng, tiêu thụ quế ở Quảng Nam trong tài liệu “Lô Giang tiểu sử”. Quế Quảng Nam không chỉ là hàng hóa giao thương mà còn là tặng phẩm quốc tế.

Với sản vật yến sào, sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết “yến sào sản ở đảo Đại Chiêm (Cù Lao Chàm - NV), có yến hộ để đi lấy, đồng niên phải nộp 80 lạng”. Việc khai thác yến sào được Bộ Hộ triều Minh Mạng quy định khá chặt chẽ, từ xét duyệt người làm hộ trưởng, số người khai thác, cách thức thu nộp sản phẩm đến lệnh cấm. Sản vật yến sào còn được lưu khắc trên bia đá trong những văn bia liên quan tổ nghề yến.

Trải qua gần 200 năm lịch sử, Cửu đỉnh không hề thay đổi vị trí, vẫn nguyên vẹn cho tới ngày nay. Và sản vật Quảng Nam cũng theo đó trường cửu.

NGUYỄN DỊ CỔ