Tạp văn

Rời quê để mong ngày trở về

HÙNG LÊ 24/01/2025 09:55

(QNO) - Cuối năm thường là khoảng thời gian thích hợp để hồi tưởng quá khứ, để nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, về miền ký ức còn đủ đầy cha mẹ, anh em.

z6072538426741_44175f7ec5c774965efd743d02d0f15e.jpg
Quê nhà bao giờ cũng là một miền nỗi nhớ với những người xa quê. Ảnh: Lê Trọng Khang

Quảng Nam quê tôi nghèo như bao vùng quê khác trên mảnh đất miền Trung “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Cái nghèo đeo đuổi bao thế hệ người Quảng Nam, thế nhưng cũng chính cái nghèo đã giúp quê tôi trở thành “miền đất học”…

Xóm tôi có một số chú bác vào Nam làm việc. Cứ mỗi tết đến, họ lại về mang theo nào bánh, nào kẹo rồi mời người dân trong xóm thưởng thức. Với tôi, những người đó thật “giàu”. Tôi vẫn thường ngồi nghe các chú, các bác kể về miền Nam xa xôi, về Sài Gòn “ngọn xanh ngọn đỏ”, nơi có những ngôi nhà lầu cao 3-4 tầng, xe chạy đông đúc và ánh đèn không bao giờ tắt.

Thế rồi, tôi khắc tâm phải rời quê, phải vào miền Nam học. Tôi ao ước ngày trở về quê, cũng mang theo thật nhiều bánh kẹo cho đám trẻ trong xóm như các chú bác. Tôi ôm mong ước ấy vào giấc ngủ mỗi đêm…

Ngày đó cũng đến, tôi đậu đại học.

Ngày tôi rời quê, hành trang mang theo chỉ là một chiếc xe đạp đã cũ của cha và nửa chỉ vàng của mẹ.

Nhà tôi nghèo, đông anh em, cha tôi thương tật nên dường như mọi gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đều đè lên vai mẹ tôi. Nửachỉ vàng là toàn bộ tài sản mà mẹ tôi chắt chiu, gom góp được. Tôi nhìn thấy trong ánh vàng ấy có mồ hôi, nước mắt và cả máu của mẹ tôi.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2020-1-31-83939-_sac-bua-1.jpg
Hát sắc bùa ngày xuân ở Duy Xuyên. Ảnh: THANH THẮNG

Ngay lần đầu tiên đặt chân vào Sài Gòn, tôi choáng ngợp với sự xa hoa của thành phố này. Những năm đầu của thập niên 90, trong khi đất nước vẫn còn nghèo thì Sài Gòn đã ở một tầm khác hẳn: Sang trọng, rực rỡ và no đủ.

Không biết đường, buổi tối đầu tiên của tôi ở Sài Gòn chính là giấc ngủ trên sạp hàng trong khu chợ bà Hoa. Tôi vẫn nhớ các chú bác mỗi lần về quê đều nói đây là khu chợ tập trung nhiều người xứ Quảng, tôi tin rằng kiểu gì sáng mai cũng sẽ tìm gặp được người quen ở đây, hoặc ít ra cũng sẽ có người vì tình đồng hương mà giúp đỡ mình.

Để có tiền trang trải học phí, tôi đi làm gia sư. Dạy được một thời gian ngắn, chủ nhà gọi tôi ra đưa tiền lương rồi nói tôi không cần đến dạy nữa. Khi tôi hỏi lý do, bà chủ thật lòng nói: “Chị không chê gì em, em dạy rất nhiệt tình, nhưng mà em nói giọng Quảng nặng quá nên con chị khi nghe em dạy mà không hiểu”.

Không đi dạy học được, tôi lại chuyển sang làm MC đám tiệc. Nhiều người trêu: “Cái giọng đã không có xe lam rồi mà còn đi làm MC”. Tôi quyết không để mình thất nghiệp chỉ vì cái giọng ăn cục nói hòn, mà cũng không chịu đổi giọng cho giống người miền Nam.

Thế rồi những ngày “vật lộn” với cuộc sống ở Sài Gòn kéo tôi xa dần quê nhà. Giọng tôi vẫn “không có xe lam” như thế nhưng dễ nghe hơn, uyển chuyển hơn và tôi cũng đã già hơn.

Một ngày, tôi bỗng chợt giật mình nhớ ra cái ước mơ đưa thật nhiều bánh kẹo về quê năm nào. Cha tôi đã mất nhưng mẹ tôi còn đó, ngôi nhà trong ngõ nhỏ giữa miền quê bình yên vẫn còn đó.

Liệu rằng có đứa nhỏ nào cũng như tôi năm xưa, chờ các chú bác về quê, ngồi kể chuyện Sài Gòn?

Liệu có bao nhiêu đứa học trò đang chờ đợi cánh tay giúp đỡ của đồng hương như tôi đã từng ở chợ Bà Hoa?

chuyen-xe-yeu-thuong-dua-ba-con-ve-que-an-tet-vao-moi-dip-cuoi-nam..jpg
Những người xa quê chăm lo công tác đồng hương. Ảnh: PHAN VINH

Tôi bắt đầu tham gia công tác đồng hương tại Sài Gòn và phía Nam, ngày càng dành nhiều thời gian hơn. Tôi cùng những người anh em của mình - những người luôn miệt mài thắp sáng ngọn lửa đồng hương... Ở nơi đó, những con người xa xứ có cơ hội gặp gỡ, giúp đỡ, sẻ chia nhau. Những đứa trẻ mới rời quê vào thành phố được sống trong vòng tay yêu thương, che chở, dìu dắt của người đi trước.

Chẳng kỳ vọng cao sang, tôi chỉ mong rằng lũ trẻ được sinh ra ở nơi đất khách như con tôi sẽ chẳng quên nguồn cội. Dù có cách xa hàng ngàn cây số, chúng vẫn cảm nhận được tình nghĩa quê nhà. Để rồi mỗi dịp tết đến, chúng sẽ lại hỏi người lớn về Quảng Nam, về tuổi thơ của cha mẹ... Và biết đâu, sẽ có đứa trẻ nào đó chọn quê hương Quảng Nam để... trở về .

Mọi cuộc rời quê cũng chỉ để mong ngày trở về rực rỡ hơn!

HÙNG LÊ