Tác phẩm, tác giả

Võ Rin: “Những loài chim đẹp nhất khi chúng được tự do”

SONG ANH 01/02/2025 07:45

(Xuân Ất Tỵ) - Võ Rin chưa bao giờ ngừng đắm say với những cánh chim trời. Thiên nhiên trong ống kính của anh, là những sắc màu và ánh sáng “chuyển động” theo từng cánh bay.

r3.jpg
Võ Rin cùng “đồ nghề” săn ảnh chim hoang dã. Ảnh: NVCC

Võ Rin là hội viên của Chi hội nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, thuộc Hiệp hội các Vườn quốc gia và khu bảo tồn - tổ chức hoạt động vì cộng đồng bảo vệ chim lớn nhất Việt Nam.

Bền bỉ theo “sứ giả bầu trời”

Trên cánh đồng chiều Hội An, người ta thấp thoáng nhìn thấy một đời sống khác. Thong dong. Tự tại. Cánh đồng vàng mênh mông ấy cũng là nơi sinh sống, di trú của rất nhiều loài chim quý.

Rồi trong một buổi chiều nắng vàng, năm 2023, người yêu thiên nhiên được thưởng lãm cuộc trưng bày đặc biệt, mang tên “Nơi đàn chim trở về. Đó như là cách Võ Rin muốn đánh thức bản thể mỗi người về hình ảnh của cái đẹp. Cái đẹp khởi từ tự do.

r1.jpg
Ảnh: VÕ RIN

“Là người con của Hội An, tôi muốn tôn vinh những giá trị tự nhiên. “Nơi đàn chim trở về” là cách để cho thấy một Hội An tuyệt vời - nơi sinh sống và cũng là nơi dừng chân của các loài chim di cư hàng năm. Cũng để thấy, giữ gìn môi trường sống vô cùng quan trọng, vì nó quyết định sự trở lại của những đàn chim di cư. Vẻ đẹp lộng lẫy của những loài chim, biết đâu sẽ đánh thức khao khát muốn bảo vệ cái đẹp và sự tự do trong mỗi người” - Võ Rin nói.

Tinh thần ấy, cũng là điều bắt đầu để người đàn ông sinh năm 1983 này bền bỉ theo dấu các “sứ giả bầu trời”. Năm 2018, Võ Rin dấn thân vào hành trình chụp ảnh thiên nhiên. Kể từ đó, người ta nhìn thấy nhiều hơn những chim quý của xứ Quảng, khu vực miền Trung lẫn cả nước.

Chúng ta cần dành cho chim hoang dã một tình yêu đẹp, xuất phát từ khao khát cháy bỏng vượt qua cả tư tưởng muốn sở hữu. Chỉ khi đó, chúng ta mới làm mọi thứ để bảo vệ cái mà chúng ta yêu.

(Võ Rin)

Giới nhiếp ảnh tôn Võ Rin là “vua” săn ảnh chim trời. Lê Trọng Khang - một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ của Quảng Nam nói, mỗi bức ảnh của Võ Rin là một hành trình tiếp cận, chờ đợi lẫn kiên nhẫn trước những loài “có cánh”. Sự dịch chuyển liên tục của chim trời buộc mỗi hiện diện cần phải có những tính toán mới kịp bắt lấy khoảnh khắc đẹp nhất của tự nhiên. Chính sự kỳ công của cuộc chơi khiến mỗi tác phẩm từ ống kính trở thành niềm hạnh phúc riêng có.

“Khát vọng tự do từ ống kính”

Võ Rin nói, hình ảnh của những loài chim, với anh, luôn là đại diện cho khát vọng và sự tự do. “Khi được nhìn ngắm các loài chim qua ống kính, tôi nhận ra rằng “những loài chim đẹp nhất là khi chúng được tự do ngoài thiên nhiên. Chính điều đó khiến tôi khao khát muốn bảo vệ những loài chim hoang dã và luôn sẵn sàng đấu tranh cho sự tự do ấy” - anh nói.

r2.jpg
Những bức ảnh của Võ Rin về chim hoang dã - gióng lên thông điệp bảo tồn loài sinh vật đặc biệt. Ảnh: VÕ RIN

Tìm kiếm và tiếp cận những loài chim trời chưa bao giờ dễ dàng. Ngoài tay nghề, máy móc, lòng kiên trì, nếu không có tình yêu thương, tôn trọng tự nhiên, sẽ không đủ sức để dấn thân đến cùng. Đó cũng là điều Võ Rin tâm niệm khi anh chọn đeo đuổi chụp ảnh thiên nhiên hoang dã.

“Trong nhiếp ảnh hoang dã, chúng ta phải tôn trọng sự sắp đặt của thiên nhiên, cũng như tôn trọng đời sống của các loài chim. Hiểu rõ về đời sống, tập tính và thói quen của chúng, ta sẽ biết cách bước vào thế giới của chúng dễ dàng hơn. Người chụp ảnh cần đảm bảo sự xuất hiện không gây ảnh hưởng tới quá trình kiếm ăn hay hoạt động của chúng. Chỉ khi chúng cảm nhận được sự an toàn mới giúp chúng ta có cơ hội được đến gần và chụp được những khoảnh khắc đẹp” - Võ Rin nói.

Đó cũng là lý do để người ta nhìn thấy ngày càng nhiều những tác phẩm “độc bản” thương hiệu Võ Rin. Anh kể, trong mùa chim di cư, tại bãi bồi Cửa Đại - Hội An năm 2020, rất nhiều loài chim chọn nơi đây làm nơi dừng chân. Chúng rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người. Do vậy, Võ Rin đã sử dụng các công cụ hỗ trợ cho quá trình tiếp cận.

“Ở địa hình cát biển tôi sử dụng chảo Tripod (thay thế cho chân máy ảnh) để bò trườn trên cát và tiến đến gần lũ chim. Điều này giúp tôi thuận tiện trong việc di chuyển và giữ cho thiết bị không bị ảnh hưởng bởi cát biển. Ngoài ra ở tư thế nằm sấp tôi có thể tìm thấy những góc rất đẹp khi chụp các loài chim” - Võ Rin kể.

Thông điệp từ những bức ảnh

“Đất lành chim đậu” - đúng nghĩa là chỉ khi môi trường tự nhiên trong lành và an toàn, mới có nhiều loài chim hoang dã sinh sống, trở về.

r4.jpg
Ảnh: VÕ RIN

Cùng với “những đàn chim trở về” trên cánh đồng Hội An, Võ Rin nói, Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển đặc trưng, có tính đa dạng sinh học cao. Những cánh đồng, bãi bồi ven sông hay các cánh rừng là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim quý hiếm.

“Tôi đã có dịp trải nghiệm và khám phá thiên nhiên ở nhiều nơi tại Quảng Nam, từ Tây Giang, các bãi bồi sông Vu Gia, Vườn quốc gia Sông Thanh. Tuy nhiên, sự tác động của con người như săn bắn, bẫy bắt, phóng sinh đang đưa chim hoang dã đến với nguy cơ tận diệt.

Ngoài ra, việc đô thị hóa cũng đang làm mất đi rất nhiều sinh cảnh sống của chúng. Điều này làm mất cân bằng hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nên cần có sự chung tay và đặc biệt là ý thức của từng người dân cùng nhau bảo vệ” - Võ Rin nói.

Sau nhiều năm lăn lộn ghi lại hình ảnh chim trời, điều hối tiếc của một nhiếp ảnh gia, có lẽ là những khoảnh khắc, nhất là khi chụp ảnh “động”.

“Những khoảnh khắc về các loài chim đôi lúc khiến tôi hối tiếc vì nó trôi qua rất nhanh, nhanh tới mức nó luôn khiến tôi phải cố gắng níu giữ và trân trọng từng giây phút được chìm đắm trong đó” - Võ Rin nói.

Ngày càng có nhiều tay máy nhập cuộc tìm kiếm, săn ảnh “chim trời”. Cùng đề tài độc lạ, chụp ảnh chim hoang dã hấp dẫn bởi vẻ đẹp và những thử thách trong hành trình tiếp cận. Hơn thế, càng nhiều người dấn thân vào cuộc chơi công phu này, đồng nghĩa với ý thức bảo tồn thiên nhiên hoang dã càng được nhân lên và lan tỏa.

Như chính điều Võ Rin chia sẻ: “Nhiếp ảnh là phương tiện vô cùng tuyệt vời để truyền tải thông điệp ý nghĩa đến với cộng đồng. Bởi, mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một dấu ấn của sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.

Để chạm đến những khoảnh khắc đó, không chỉ cần kỹ thuật mà cả sự trân trọng và tình yêu với từng sinh vật nhỏ bé. Các nhiếp ảnh gia đang góp phần để đưa tiếng nói bảo vệ chim hoang dã đến gần hơn với mọi người”.

SONG ANH