Người trẻ năng động
(Xuân Ất Tỵ) - Từng ngày, họ nỗ lực đưa những giá trị Việt ra thế giới. Chủ động trong tư duy, xem thế giới là ngôi nhà chung, những người trẻ xứ Quảng xóa dần đường biên khoảng cách để hội nhập.
“Chủ động” là từ khóa trong cuộc trò chuyện giữa Báo Quảng Nam và hai bạn trẻ Thái Nguyễn Vân Giang - Lê Quỳnh Anh. Các bạn vừa trở về từ Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12 (WUF12) tại Ai Cập - hội nghị lớn nhất thế giới về đô thị. Điều đặc biệt, Đoàn Việt Nam tham gia diễn đàn có hai thành viên đại diện cho thanh niên nước nhà thì đều thuộc về hai bạn trẻ xứ Quảng này.
Lê Quỳnh Anh là học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ) và Thái Nguyễn Vân Giang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh và cũng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chú tâm vào những trải nghiệm
* Vượt qua 3 vòng thi do Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat Việt Nam) tổ chức mới giành được suất tham dự diễn đàn, với một học sinh THPT, vốn liếng kiến thức và trải nghiệm giúp gì cho Lê Quỳnh Anh?
Lê Quỳnh Anh: Từ nhỏ, tôi đã sống trong khu vực bị ngập úng và lũ lụt ở Tam Kỳ. Tuổi thơ và cả hiện tại phải thường xuyên cùng gia đình dọn lụt, chưa kể việc chứng kiến nhiều bạn không được đến trường khi mưa lũ, đã sớm gieo vào lòng mình mong muốn làm sao để thành phố ngày càng hiện đại, giảm thiểu ngập lụt, có nhiều cây xanh.
Khi tìm hiểu thêm các khái niệm về môi trường, biến đổi khí hậu, và đặc điểm địa lý của quê hương mình, sự quan tâm của tôi đối với các vấn đề đô thị ngày càng sâu sắc hơn.
Với WUF12, tôi tin rằng việc kết nối với các chuyên gia và lãnh đạo quốc tế về vấn đề đô thị đã thể hiện mong muốn của UN-Habitat trong việc nuôi dưỡng tư duy bền vững cho thế hệ tiếp theo.
Tôi nghĩ, sau sự kiện này, cộng đồng sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò của thanh niên trong phát triển bền vững và khuyến khích các bạn trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội và môi trường.
*Vân Giang, vì sao môi trường và các vấn đề đô thị lại có sức hút với bạn? Vai trò của giới trẻ trong việc định hình tương lai đô thị, theo bạn là gì?
Thái Nguyễn Vân Giang: Mối quan tâm đến môi trường sống và vấn đề phát triển đô thị không thể hình thành qua ngày một ngày hai. Đó là một quá trình nhận thức từ những ngày đầu được tiếp xúc với các kiến thức xã hội cho đến hiện tại.
Tôi từng tham gia cuộc thi về ý tưởng sáng tạo do một tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam tổ chức vào năm tôi học lớp 6. Đây chính là nền tảng cho những dự án sau này của tôi.
Khi lớn lên thêm một chút, tôi lại nghĩ rằng những ý tưởng này không chỉ nên dừng lại ở trên giấy với quy mô một cuộc thi, mà nó cần phải mang ra giúp ích cho cộng đồng trong dài hạn. Vì thế tôi tìm hiểu nhiều hơn, tham gia nhiều hơn, và ứng tuyển tham gia diễn đàn Đô thị thế giới.
Theo tôi, giới trẻ ngày nay đang giữ vai trò then chốt trong việc định hình tương lai các thành phố. Với góc nhìn mới mẻ, sáng tạo và sự nhiệt huyết, họ mang đến sức mạnh để thay đổi đáng kể môi trường sống.
Sự chủ động của chính quyền địa phương đã tạo cơ hội cho các thủ lĩnh trẻ, thanh niên tham gia những buổi điều trần mô phỏng và họp hội đồng, để họ có thể đưa ra ý kiến và đề xuất về quy hoạch đô thị. Việc hình thành các nền tảng để giới trẻ thảo luận những vấn đề quan trọng trước khi trình bày tại các diễn đàn lớn hơn, ví dụ như Diễn đàn trẻ em tại thành phố, tỉnh, đã thúc đẩy sự tham gia toàn diện trong cộng đồng.
Tiếng nói từ thế hệ trẻ
* Quỳnh Anh, bạn có nghĩ những sáng kiến từ thanh niên và cộng đồng sẽ có ý nghĩa quan trọng với kế hoạch phát triển một vùng đất?
Lê Quỳnh Anh: Sáng kiến từ giới trẻ và cộng đồng đóng vai trò then chốt trong kế hoạch phát triển bền vững. Người trẻ không chỉ là một phần của cộng đồng mà còn đại diện cho tương lai của địa phương, với góc nhìn mới mẻ và sáng tạo riêng.
Họ nhận ra những vấn đề hiện hữu và có thể đề xuất giải pháp khác biệt để khắc phục. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc, giới trẻ có thể tham gia các diễn đàn, đối thoại, và tạo ra sáng kiến cho trường học cũng như cộng đồng địa phương.
Chẳng hạn, tại TP.Tam Kỳ, chính quyền thường xuyên tổ chức chương trình Diễn đàn trẻ em, nơi các đại biểu nhỏ tuổi đưa ra quan điểm về các vấn đề như ngập lụt kéo dài, thiếu khu vui chơi, hay bạo lực học đường.
Những ý kiến này sau đó được xem xét kỹ lưỡng tại các buổi gặp mặt giữa thanh niên và lãnh đạo địa phương, giúp xây dựng các chính sách phù hợp với nhu cầu của người dân. Tôi tin rằng sự tham gia hai chiều này giúp Quảng Nam nhìn nhận rõ ràng những điểm cần cải thiện, từ đó đưa ra các giải pháp thực tế cho một đô thị phát triển bền vững.
* Phiên họp lần thứ 12 của WUF12 với chủ đề “Tất cả đều bắt đầu từ nhà”, được biết cả hai đại diện của Việt Nam đã có những phát biểu ấn tượng. Nhà - rộng ra là vùng đất mình sống và trưởng thành. Vậy theo Giang, một “đô thị đáng sống”, một “căn nhà an toàn” cần bắt đầu từ đâu?
Thái Nguyễn Vân Giang: Chỉ khi được hưởng nền giáo dục vững chắc, người dân mới có cho mình một việc làm ổn định, mới có thể tham gia xây dựng thành phố, cộng đồng và xã hội.
Tôi từng chứng kiến nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Dù rất cảm kích về điều đó, nhưng điều khiến tôi băn khoăn, là làm sao những hỗ trợ tạm thời như vậy có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho những cá nhân đó, khi họ không có đủ nền tảng để tạo dựng cuộc sống ổn định và phát triển lâu dài. Vậy thì cần thiết phải có giải pháp để làm sao trao họ “cần câu”, chứ không chỉ cho “con cá”.
Tôi từng tham gia nhiều phiên họp Diễn đàn trẻ em hay Hội đồng trẻ em trên toàn quốc và bày tỏ quan điểm, góp ý của mình với lãnh đạo các cấp về những vấn đề lớn của xã hội. Nhưng điều tôi đau đáu là làm sao tiếng nói của những người trẻ có thể đại diện cho tiếng nói của tất cả bạn trẻ, kể cả những bạn không thể tham gia chương trình giáo dục phổ thông. Làm sao để các bạn không coi vấn đề xã hội là điều gì đó xa tầm với!
Tôi cho rằng, những ý kiến nhỏ bé của mỗi người cũng có thể góp phần kiến tạo tương lai tươi sáng hơn cho đô thị, cho cộng đồng. Để người trẻ đủ tự tin cất lên tiếng nói của mình, nhà trường có thể tổ chức những buổi hội thảo, hoạt động ngoại khóa lồng ghép vào chương trình học để các bạn trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các kiến thức về đô thị, cũng như có thể thoải mái bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề này.
* Còn Lê Quỳnh Anh, bạn mong muốn sự phát triển như thế nào với quê hương mình?
Lê Quỳnh Anh: Điều tôi mong muốn thay đổi nhất ở Tam Kỳ là địa phương phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hiện nay, người dân chủ yếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy và ô tô.
Tôi nhận thấy rằng vẫn chưa có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi cho việc di chuyển trong thành phố hoặc liên tỉnh. Tôi hy vọng Tam Kỳ sẽ phát triển theo hướng giảm tối đa lượng khí carbon thải ra từ các phương tiện cá nhân, và người dân sẽ dần chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Có rất nhiều cách để người trẻ và cộng đồng tăng cường sự gắn kết, đặc biệt là thông qua các dự án về giáo dục, sức khỏe và hỗ trợ tài chính. Các chiến dịch nâng cao ý thức trong trường học về giáo dục giới tính, sức khỏe tâm lý, hay hỗ trợ học bổng cho các bạn khó khăn đã và sẽ tiếp tục được vận hành từ những người trẻ, sẽ giúp giảm dần định kiến, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn.
Cảm ơn hai bạn về cuộc trò chuyện này!
Diễn đàn Đô thị thế giới (WUF) là hội nghị hàng đầu thế giới về các vấn đề đô thị, từ tình trạng đô thị hóa nhanh và tác động của nó đối với cộng đồng, thành phố, kinh tế, hay chính sách về biến đổi khí hậu... Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002. Đây là một trong những Diễn đàn quốc tế có quy mô lớn nhất, được xem như nền tảng để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phát triển cùng hội ngộ, trao đổi kinh nghiệm về các thách thức trong môi trường đô thị. Năm 2024, Diễn đàn thu hút thu hút 37.000 người đến từ 182 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tới tham dự với khoảng 600 sự kiện kết nối.