Thế giới

Sứ đoàn Iwakura - cuộc xuất dương học tập vĩ đại

GS.TRẦN VĂN THỌ 02/02/2025 11:13

(Xuân Ất Tỵ) - Các nước đi sau trong quá trình phát triển thường học tập, tham khảo kinh nghiệm các nước đi trước về nhiều lãnh vực, chẳng hạn cách tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ khoa cử, xây dựng cơ chế thị trường, chính sách phát triển công nghiệp...

2020-03-11-session-t.jpg
Một góc Thủ đô Tokyo - Nhật Bản. Ảnh: Best Logistics

Lịch sử thế giới ghi lại nhiều sự kiện về hiện tượng xuất dương để học tập. Ngày nay ở Việt Nam và nhiều nước khác cũng thấy các chuyến tham quan của quan chức hoặc nhà kinh doanh ra nước ngoài tìm hiểu để tham khảo kinh nghiệm phát triển.

Nhưng cho đến nay chưa thấy có chuyến tham quan có quy mô lớn về cả lượng và chất, và có hiệu quả ở tầm quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến những lãnh đạo cao nhất của đất nước như Sứ đoàn Iwakura của Nhật Bản thời Minh Trị duy tân.

Đặc điểm của Sứ đoàn Iwakura

Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản là nước phong kiến, bế quan tỏa cảng, xã hội phân chia thành các giai cấp sĩ, nông, công, thương và chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

Thế rồi chiến thuyền Mỹ của đô đốc Perry xuất hiện ở vịnh Edo năm 1853 đã khuấy động cả xã hội phẳng lặng đó. Chỉ sau 15 năm, qua vài lần thử sức với sức mạnh quân sự phương Tây và qua cuộc nội chiến khoảng nửa năm, Minh Trị duy tân bắt đầu (1868); các sĩ phu, các lãnh đạo của Nhật đã biến một đất nước phong kiến bảo thủ trở thành một nhà nước tiếp thu toàn diện thế giới văn minh để tiến lên hàng các quốc gia thượng đẳng.

Chính quyền mới bắt đầu khởi động vài năm là Nhật đã tổ chức một đoàn sang các nước phương Tây học hỏi để xây dựng đất nước. Đó là Sứ đoàn Iwakura, do đại thần Iwakura Tomomi (1825-1883) làm Chánh sứ (Trưởng đoàn).

Sứ đoàn Iwakura là cuộc xuất dương học tập vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, chuẩn bị rất chu đáo và có tính chiến lược. Có thể kể các đặc tính nổi bật.

Thứ nhất, nhiều nhân vật chủ chốt trong ban lãnh đạo chính phủ tham gia sứ đoàn. Ngoài Iwakura, tham gia Sứ đoàn còn có hai trong ba nhân vật quan trọng nhất (sử gọi là “tam kiệt”) trong việc hình thành Minh Trị duy tân, đó là Kido Takayoshi (1833-1877) và Okubo Toshimichi (1830-1878). Okubo sau đó là tác giả của chiến lược phú quốc cường binh, phát triển công nông nghiệp. Ngoài ra còn có Ito Hirobumi (1841-1909) sau này trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản.

Thứ hai, số người tham gia rất đông (46 người), và đa số trong độ tuổi 20 - 30, tuổi trung bình 32, đoàn trưởng Iwakura tuổi cao nhất nhưng cũng chỉ 47. Lý do chọn nhiều người trẻ tham gia vì cho rằng họ vừa có tích lũy văn hóa thời cuối Edo vừa còn trẻ nên dễ tiếp thu cái mới.

Thứ ba, chuyến đi của Sứ đoàn kéo dài tới gần 2 năm mặc dù đoàn rất đông người và gồm nhiều lãnh đạo chủ chốt. Thứ tư, người được chọn đi theo đoàn để ghi chép và biên tập kết quả sau khi trở về là Kume Kunitake (1839-1931) vì người này từ nhỏ hiếu học, thâm sâu giáo dưỡng, tinh thông Hán học và qua sách dịch bằng chữ Hán đã hiểu khá nhiều về văn minh phương Tây. Do đó nội dung của kết quả tham quan là về văn minh phương Tây nhưng được biểu hiện bằng ngôn ngữ văn hóa Hán học.

Sứ đoàn Iwakura xuất phát ở Yokohama ngày 23/12/1871 và trở về cảng Yokohama ngày 13/9/1873. Đoàn đi tham quan các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Áo và Nga. Các thành viên trong đoàn đã khảo sát cặn kẽ rất nhiều lĩnh vực, sau khi về nước đã viết lại các bản báo cáo nhiều tập, áp dụng rộng rãi trong việc xây dựng đất nước.

Việc biên tập do Kume thực hiện, hình thành các tập tài liệu gọi là Thực ký về chuyến quan sát Âu Mỹ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Thực ký gồm tới 100 tập, ngoài những tập tổng quan còn có các tập riêng cho từng nước. Hoa Kỳ và Anh quốc mỗi nước 20 tập, Đức 10 tập, Pháp 9 tập, Nga 5 tập. Các nước nhỏ như Bỉ, Hòa Lan, Áo, Thụy Sĩ mỗi nước 3 tập. Các tập thực ký đã in nhiều lần và phổ biến rộng rãi trong chính quyền các cấp và trong dân.

view-of-kyoto-japan.png
Kyoto là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tham quan và tìm hiểu về lịch sử của Nhật Bản. Ảnh: The Travel

Những khám phá của Sứ đoàn Iwakura

Các lãnh đạo Nhật, những người xây dựng chính quyền Minh Trị và bắt đầu cuộc duy tân khi tham gia Sứ đoàn Iwakura mang trong mình sứ mệnh là làm sao học tập văn minh phương Tây, các chế độ tiên tiến của họ để về canh tân đất nước.

Họ cho rằng Nhật Bản là nước nhỏ và bán khai (nghĩa là ở trình độ giữa văn minh và man di, lạc hậu) muốn theo kịp Tây phương phải nỗ lực học tập và dốc sức xây dựng nước. Qua chuyến đi gần hai năm này, họ học tập những gì, cảm nhận như thế nào về những nơi họ đến? Theo tôi, những điểm dưới đây là quan trọng và gây ấn tượng nhất.

Thứ nhất, đồng thuận của lãnh đạo Nhật thời đó là xây dựng đất nước hiện đại theo thể chế chính trị lập hiến chung quanh Minh Trị Thiên hoàng. Do đó, trong chuyến đi này họ quan tâm khảo sát sự vận hành của quốc hội (nghị hội) tại Mỹ và Anh, đặc biệt Anh là nước theo chế độ quân chủ lập hiến. Họ thấy rằng muốn trở thành cường quốc ngang hàng với các nước Tây phương phải học tập trước hết là thể chế chính trị của các nước đó.

Thứ hai, một trong những điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường là xây dựng hạ tầng nên Sứ đoàn đã dành nhiều thời gian khảo sát lĩnh vực này, đặc biệt là đường sắt, cầu đường.

Khi đi thăm công ty đường sắt Mỹ Central Pacific đoàn đặc biệt chú ý các phương thức vận hành công ty. Đến thăm London, cả đoàn ngạc nhiên khám phá nhiều cái lạ: Trên sông tàu di chuyển, phía dưới sông thì người đi bộ (đường hầm), trên mặt đất người ta làm nhà ở nhưng dưới mặt đất tàu chạy (tàu điện ngầm) và xem đó là những cái kỳ lạ ở London. Cũng tại London, 13 cây cầu bắc qua sông Themes được quan sát, ghi chép rất kỹ.

Thứ ba, Sứ đoàn Iwakura quan sát kỹ rất nhiều nhà máy ở các nước đi qua, nhất là ở Anh. Trong chuyến đi này họ thăm tất cả 150 nhà máy, riêng ở Anh là 53 nhà máy.

Đặc biệt tham quan ở Anh, đoàn thấy rằng thép và than sản xuất nhiều đã làm cơ sở cho phát minh đường sắt và nhiều loại máy móc. Sản xuất hàng loạt bằng máy móc và ngoại thương là chìa khóa giải đáp bí mật sự phồn vinh thời Victoria của đế quốc Anh.

Thứ tư, Sứ đoàn Iwakura cũng không quên tìm hiểu về giáo dục. Những người phụ trách hoặc quan tâm về giáo dục có tham gia Sứ đoàn Iwakura khi về Nhật là bắt tay thực hiện cải cách (hủy bỏ kế hoạch cũ, ban hành lệnh mới về giáo dục năm 1879).

Thứ năm, nhận xét của Sứ đoàn Iwakura về những nước nhỏ cũng độc đáo. Một mặt khâm phục, ngưỡng mộ văn minh của các nước lớn Mỹ, Anh, Pháp, đoàn còn cảm phục các nước nhỏ như Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan (diện tích chỉ bằng Kyushu, điều kiện địa lý cũng bất lợi hơn Nhật).

Các nước nhỏ này nằm ở giữa các nước lớn nhưng chẳng những giữ được sự tự chủ về vận hành đất nước mà có nhiều mặt còn hơn nước lớn, chẳng hạn ảnh hưởng lớn đến mậu dịch thế giới. Được như vậy là nhờ dân chúng các nước đó nỗ lực đồng lòng xây dựng dất nước. Tinh thần tự chủ của quốc dân, không sợ nước lớn và không tự ti mình là nước nhỏ.

Các lãnh đạo Nhật Bản thời Minh Trị đều nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước, quyết tâm đưa Nhật Bản theo kịp Tây phương. Trong khi tham quan, Sứ đoàn cảm thán trước sự phồn vinh, phát triển ngoạn mục của Anh và đặt câu hỏi là từ bao giờ Anh đã bắt đầu giai đoạn phát triển này.

Khi được trả lời là từ đầu thế kỷ 19 họ nhẩm tính và thấy Anh cần khoảng 60 năm để thành cường quốc và thấy vững tin là Nhật sau một thời gian như vậy có thể đạt thành quả này. Từ đó họ quyết tâm thực hiện canh tân và phát triển đất nước. Sau khi trở về Nhật, Sứ đoàn dốc toàn lực cải cách thể chế và đưa ra các chiến lược, chính sách phát triển với tốc độ rất nhanh.

GS.TRẦN VĂN THỌ