Chính quyền - đoàn thể

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng: “Chung tay chống lãng phí vì sự phát triển”

LÊ VŨ (levubqna@gmail.com) 03/02/2025 09:09

Với chủ đề công tác “Thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số; chống lãng phí; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030”, đã định hình hướng đi trên đường phát triển của Quảng Nam trong năm 2025. Đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, “chống lãng phí” được đưa vào chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam chung quanh vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng. Ảnh: PV
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng. Ảnh: PV

* Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, song song với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng và Nhà nước tập trung đẩy mạnh chống lãng phí. Đồng chí có thể cho biết tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam xác định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là một trong những giải pháp trọng tâm để có thể thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với nhiệm vụ này, vấn đề luôn được thực hiện xuyên suốt, không có điểm dừng chính là giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ; xây dựng văn hóa liêm chính; khuyến khích cán bộ, đảng viên tăng cường thực hành tiết kiệm, quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này theo phương châm “phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ”.

441a4339.jpg
Xử lý dứt điểm vướng mắc kéo dài liên quan đến các công trình trọng điểm, các dự án hiệu quả thấp cũng là một trong những giải pháp chống lãng phí. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh về giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: T.C

UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị rà soát, xử lý dứt điểm vướng mắc kéo dài liên quan đến các công trình trọng điểm của tỉnh, các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Toàn tỉnh tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Điều này thời gian qua đã được thực hiện rất hiệu quả và thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

“... lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

(“Chống Lãng phí” - Tổng Bí thư Tô Lâm)

* Xin đồng chí nói rõ hơn về phương châm “phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải từ cơ sở, từ chi bộ”?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; người dân cũng phải vào cuộc. Quan trọng nhất và cũng mang tính quyết định nhất đó là phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần bắt đầu từ chi bộ. Mỗi đảng viên phải có ý thức trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện bắt đầu từ người đảng viên thì đóng góp vào quá trình này sẽ thành công rất tốt.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Nhưng trước hết, người đứng đầu phải làm gương, phải thực sự quyết liệt trong triển khai thực hiện mới đem lại kết quả tốt.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ về việc tránh lãng phí cơ sở vật chất sau khi sắp xếp đơn vị hành chính:

* Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là nguy cơ lãng phí cơ sở vật chất sau khi sắp xếp các địa phương, đơn vị, tổ chức bộ máy. Xin đồng chí cho biết, định hướng của tỉnh về giải quyết vấn đề này như thế nào?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÊ VĂN DŨNG:

Chúng ta đã và đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, tránh trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập…, cũng chính là thực hành tiết kiệm, khi giảm được nguồn lớn ngân sách cho bộ máy nhà nước.

Chống lãng phí đối với cơ sở vật chất sau sắp xếp là một việc hết sức bức bách và cần phải làm. Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1241 ngày 24/10/2024 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh cũng đã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và xây dựng đề án để giải quyết cơ sở vật chất sau sắp xếp. Qua đó, đảm bảo hạn chế thấp nhất lãng phí cơ sở vật chất. Đề án này tiếp tục được vận dụng khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 1241.

Cùng với sắp xếp các địa phương, Quảng Nam đã và đang tiến hành sắp xếp các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sẽ xây dựng một đề án thật chi tiết về bố trí, sử dụng, sắp xếp hợp lý; đối với những cơ sở vật chất không còn nhu cầu sử dụng thì kịp thời thanh lý để khắc phục tình trạng lãng phí. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số cơ sở vật chất của cơ quan, công sở trước đây sáp nhập nhưng hiện không sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là đơn vị hành chính cấp huyện rà soát, báo cáo UBND tỉnh chi tiết, cụ thể những công trình, nhà cửa, công sở chưa phát huy hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có biện pháp cụ thể để chỉ đạo xử lý, chống lãng phí.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tiết kiệm nhiều khoản để dành nguồn lực phát triển

Trong năm 2024, Quảng Nam tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách tỉnh và UBND cấp huyện hơn 375,1 tỷ đồng. Tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên đối với các đơn vị dự toán thuộc ngân sách tỉnh và UBND cấp huyện gần 91 tỷ đồng. Trong quá trình thẩm định dự toán, đã cắt giảm các nội dung lập sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn, định mức, số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị đã tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ với số tiền hơn 48,4 tỷ đồng; tiết kiệm chi quản lý hành chính, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nghiên cứu khoa học, công nghệ, GD-ĐT, y tế... hơn 36,6 tỷ đồng.

Đối với quản lý tài chính đầu tư xây dựng cơ bản, đã tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước gần 459,4 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm qua công tác thẩm định thiết kế, dự toán gần 35,9 tỷ đồng; tiết kiệm qua công tác đấu thầu, chào hàng cạnh tranh hơn 400,7 tỷ đồng; tiết kiệm qua công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành hơn 22,7 tỷ đồng.

LÊ VŨ (levubqna@gmail.com)