Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) Cha - con cùng chi bộ
Ngày 19/5/1935, Chi bộ Khương Mỹ - Danh Sơn được thành lập với bí danh là Chi bộ Mỹ Sơn. Đây là chi bộ đầu tiên của vùng đất xã Tam Xuân (Núi Thành), có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình lãnh đạo và xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương. Đặc biệt, chi bộ có 4 đảng viên, thì có 3 người là cha - con, đó là đồng chí Võ Dương và 2 người con là Võ Oanh, Võ Toàn (Võ Chí Công).
Từ đảng viên đầu tiên của đất Tam Xuân...
Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Quảng Nam được thành lập, đường lối cách mạng được đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là nội dung tác phẩm “Đường cách mệnh”.
Lúc bấy giờ tại nội ô Tam Kỳ, một số thanh niên tiến bộ như Khưu Thúc Cự, Hồ Đắc Thành, Nguyễn Thế Khải… đã thành lập nhóm thanh niên hoạt động cách mạng theo tôn chỉ mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, lập tủ sách “Chiêu anh thư quán”, lưu hành nhiều loại sách báo tiến bộ để truyền bá tư tưởng cách mạng trong tầng lớp thanh niên và những người lớn tuổi đã từng tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước trước đây.
Trong đó có nhóm buôn bán nông - lâm sản, gồm cụ Võ Dương người làng Khương Mỹ, Nguyễn Kỵ (Nguyễn Kế) ở Vân Trai (nay thuộc xã Tam Hiệp, Núi Thành), Nguyễn Chỉ (Nguyễn Lược) ở Diêm Trường (nay thuộc xã Tam Giang, Núi Thành), Đào Quang Hiển (nay thuộc xã Tam Ngọc, Phú Ninh). Đây là những người tham gia tích cực trong các phong trào yêu nước trước đây, đã sớm tiếp thu đường lối cách mạng vô sản và đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Vì vậy, sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập không lâu, đến tháng 5/1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tam Kỳ ra đời. Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở phủ Tam Kỳ. Từ đây phong trào cách mạng ở phủ Tam Kỳ hòa mình vào phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong lúc phong trào cách mạng trong tỉnh đang phát triển thì cuối tháng 10/1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam, chúng tiến hành đánh phá, từ đó phong trào cách mạng trong tỉnh bị địch khủng bố nặng, hầu hết đảng viên của chi bộ bị bắt, phong trào cách mạng trong toàn phủ lắng xuống. Tại Tam Xuân, cụ Võ Dương bị địch bắt giam tại phủ Tam Kỳ một thời gian rồi thả về địa phương quản thúc.
Sau vụ bể vỡ tháng 10/1930, trong khi phong trào cách mạng toàn tỉnh gặp khó khăn, thì các địa phương phía nam phủ Tam Kỳ phong trào cách mạng vẫn phát triển. Cuối năm 1932, Chi bộ An Hòa (bí danh Chi bộ Quang Ánh Minh) thành lập.
Tiếp đến ngày 15/8/1933, Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập, do đồng chí Phan Truy làm Bí thư. Sự ra đời của Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương phát triển. Trên cơ sở đó, sau khi được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Diêm Trường, cuối năm 1933, đồng chí Nguyễn Kế đã tổ chức kết nạp cụ Võ Dương vào Đảng. Cụ Võ Dương trở thành người đảng viên đầu tiên của vùng đất Tam Xuân.
... Đến chi bộ đảng đầu tiên
Trước tình hình phát triển và yêu cầu của phong trào cách mạng, ngày 19/5/1935, Phủ ủy Tam Kỳ quyết định thành lập Chi bộ ghép Khương Mỹ - Danh Sơn (Danh Sơn nay thuộc xã Tam Sơn, Núi Thành) với bí danh là Chi bộ Mỹ Sơn, gồm có 4 đảng viên: Võ Dương, Võ Oanh, Võ Toàn (Võ Chí Công), Nguyễn Hoàng (còn có tên gọi là Nguyễn Phước hoặc Nguyễn Chiêm) ở Danh Sơn, nay thuộc xã Tam Sơn. Đây là chi bộ đảng đầu tiên trên đất Tam Xuân (tiền thân của Đảng bộ các xã Tam Xuân I, Tam Xuân II và Tam Sơn thuộc huyện Núi Thành).
Sự ra đời của Chi bộ Mỹ Sơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình lãnh đạo và xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương. Đặc biệt, Chi bộ Mỹ Sơn có 4 đảng viên, thì có 3 đồng chí là cha - con, đó là đồng chí Võ Dương và 2 người con là Võ Oanh, Võ Toàn.
Là người chịu ảnh hưởng các phong trào đấu tranh yêu nước từ các thế hệ đi trước, từ sớm Võ Oanh, Võ Toàn (Võ Chí Công) đã sớm tham gia hoạt động trong nhóm thanh niên yêu nước ở Tam Xuân. Đặc biệt, được sự dìu dắt, giúp đỡ trực tiếp của cha là cụ Võ Dương (Võ Nghiệm), nên tại Hội nghị thành lập Chi bộ Mỹ Sơn, đồng chí Võ Oanh, Võ Toàn được kết nạp vào Đảng. Đồng chí Võ Toàn được cử làm Bí thư Chi bộ.
Về sự kiện này, trong cuốn hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, đồng chí Võ Chí Công có ghi: “Một điều khó quên được, khi ngoài 20 tuổi, tôi được chính thức kết nạp vào Đảng. Trước đó cha tôi cũng đã được vào Đảng. Ba cha con và một người anh cùng ở một chi bộ... Tôi được cử làm Bí thư Chi bộ. Trong bối cảnh vừa tình cha con, vừa tình đồng chí cùng lý tưởng đã tạo nên cho tôi một tình cảm thiêng liêng khó nói ra lời. Tình cảm cha con khá đặc biệt, ông luôn khuyên tôi phải lo làm cách mạng. Mọi việc trong gia đình đều do ông quán xuyến, hơn nữa ông còn hết lòng chăm sóc cho tôi có điều kiện hoạt động”.
Sau này, vì hoạt động cách mạng, bị địch truy nã nên đồng chí Võ Toàn phải thoát ly gia đình. Để tìm bắt Võ Toàn, bọn tay sai đã dùng hành động đê hèn là bắt và tra tấn dã man cụ Võ Dương và yêu cầu phải đi khắp các phủ, huyện từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, Bình Định để tìm Võ Toàn. Ông buộc phải đi, nhưng không phải để tìm Võ Toàn cho chúng. Trở về, ông lại bị chúng bắt giam cầm, tra tấn, đến khi có bệnh chúng mới trả về gia đình. Ông mất năm 1943, thọ 66 tuổi. Ông đã được công nhận liệt sĩ.
Dấu son Chi bộ Mỹ Sơn
Về Chi bộ Mỹ Sơn, sau khi thành lập, hoạt động của chi bộ lúc này chủ yếu là sinh hoạt nội bộ, học tập Chương trình, Điều lệ của Đảng, các tài liệu, sách báo về chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền, phổ biến về tình hình cách mạng trong nước nhằm nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng tinh thần đấu tranh cách mạng cho đảng viên. Đồng thời hướng dẫn cách tuyên truyền phát triển cơ sở cách mạng ở địa phương, vận động quần chúng đấu tranh với các khẩu hiệu đòi bãi bỏ thuế chợ, thuế đò, thuế muối, thuế thân, đòi thả tù chính trị...
Những hoạt động của Chi bộ Mỹ Sơn gắn liền với những đòi hỏi thiết thực của đời sống nhân dân, vừa có tác dụng củng cố, nâng cao về tư tưởng chính trị, tổ chức cho đảng viên trong chi bộ, vừa rèn luyện cho họ khả năng vận động quần chúng, đồng thời tạo được chỗ dựa vững chắc của tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng cách mạng trong nhân dân.
Cuối tháng 5/1935, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh bị bể vỡ, cả tỉnh có hơn 40 cán bộ, đảng viên bị bắt. Riêng Chi bộ Mỹ Sơn, nhờ khéo léo che giấu lực lượng, tuân thủ nghiêm nguyên tắc hoạt động bí mật và đặc biệt từ sự che chở, đù bọc của nhân dân nên không bị bể vỡ mà tạm thời lắng xuống. Từ đó, vai trò, uy tín của Chi bộ Mỹ Sơn được nhân dân tin tưởng.
Vì vậy, phong trào cách mạng ở Tam Xuân tạm lắng xuống một thời gian ngắn rồi nhanh chóng được phục hồi và phát triển mạnh hơn trong cao trào cách mạng chung của phủ Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam những năm sau đó. Đặc biệt, vùng đất Tam Xuân được Tỉnh ủy lựa chọn đứng chân và phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.