Đời sống

Ngày xuân gặp "ông thủy lợi" ở Khe Tân

TRẦN TRUNG SÁNG 04/02/2025 07:30

Xuân này, tình cờ trong chuyến tham quan tại xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, chúng tôi gặp gỡ ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và cũng chính là người kỹ sư trưởng thiết kế xây dựng hồ Khe Tân cả hai giai đoạn trước và sau chiến tranh. Ông Lê Trí Tập đã có những chia sẻ thú vị xung quanh công trình này.

pham đức nam
Ông Lê Trí Tập cùng tác giả bài viết bên cạnh di ảnh ông Phạm Đức Nam tại địa đạo Phú Xuân.

Ông Lê Trí Tập là một chuyên gia về hồ đập, được mọi người thường gọi là “ông thủy lợi” và ví ông là người sinh ra đập Phú Ninh lần thứ hai, qua sự kiện đưa quyết định bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn người dân trước cơn lũ lịch sử vào tháng 12/1999. Tuy nhiên, ít ai biết rõ, ngoài Phú Ninh, sự nghiệp của ông Tập còn gắn liền với hồ thủy lợi Khe Tân.

“Nước” và niềm khao khát ấu thơ

Khe Tân là một trong 2 hồ chứa lớn của tỉnh Quảng Nam, thuộc xã Đại Chánh và Đại Thạnh, huyện Đại Lộc. Hồ có tổng dung tích 54 triệu mét khối, đã đem nguồn nước mát về tưới cho các cánh đồng lúa của 7 xã vùng B Đại Lộc.

Trên thực tế, đập Khe Tân ngay buổi đầu được người Pháp thiết kế từ con khe này. Theo các kỹ sư Pháp, chỉ cần chắn cuối dòng khe, nước cả hai khu rừng tích lại thành một hồ treo cao giữa sườn núi là đủ sức tưới cho cả vùng B Đại Lộc.

Sau ngày giải phóng, các nhà thiết kế đập đã đưa bờ chắn lui về phía hạ lưu chừng 3km ra đến tận giữa làng An Bằng (Đại Thạnh) và giữa làng Thạnh Tân (Đại Chánh). Do vậy, cao độ của mặt đập hạ xuống, mặt đập bây giờ thấp hơn đáy đập mà người Pháp thiết kế trước đây. Tuy nhiên, lượng nước để tưới vẫn đủ và mặt hồ thì được mở rộng hơn ra gấp hàng chục lần, tạo điều kiện tốt cho việc nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch.

img_20241127_200439(1).jpg
Ông Lê Trí Tập (bìa phải) thăm lại Khe Tân dịp xuân năm nay.

Nhìn lại quá khứ, suốt những năm dài chiến tranh, loạn lạc, vùng đất này vẫn là một nơi vô cùng cằn cỗi. Ông Tập kể, ký ức sâu đậm nhất trong ông là “cơn khát” năm 1952, lúc này cả huyện Điện Bàn và toàn vùng Quảng Nam đều đại hạn.

Hồi đó, dù còn nhỏ, nhưng mỗi ngày ông cũng phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng để đi “vét” từng gàu nước về giải hạn cho những chân ruộng, mảnh vườn. Do đó, trong đầu ông chỉ có một niềm khát khao duy nhất là làm sao có được một hệ thống kênh mương đưa nước về với ruộng để người dân đỡ vất vả.

Từ năm 13 - 14 tuổi, Lê Trí Tập tham gia kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Genève, ông được đưa ra Bắc tiếp tục học văn hóa. Năm 1961, khi chọn ngành ở đại học, ông chọn ngay ngành thủy lợi của Đại học bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năm 1965, Lê Trí Tập từ chối lời mời ở lại trường tham gia giảng dạy và chọn làm cán bộ thiết kế ở Viện Khảo sát thiết kế thủy lợi để mong được trực tiếp phục vụ ngay.

Cuối năm 1971 đầu năm 1972, ông Lê Trí Tập lại từ chối giấy gọi đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh, để vác ba lô về Nam, tìm lại quê nhà giữa bom đạn. Sau đó, ông Tập được bố trí tăng cường tham gia chỉ đạo dân sản xuất ổn định đời sống tại chỗ sau khi các khu vực thuộc Khu 5 được giải phóng.

Từ thời điểm ấy, ngành thủy lợi và khí tượng thủy văn đã lưu ý các công trình như Thạch Nham ở Quảng Ngãi, Phú Ninh ở Quảng Nam, An Lão ở Bình Định, Khe Tân ở Quảng Đà… Cũng từ đó, ông nhớ tên, hiểu cặn kẽ từng điểm nhỏ hầu hết suối, khe, lạch nước, con sông, cả trong mùa cạn lẫn ngày bão lũ của tỉnh Quảng Đà.

Cuối năm 1972, ông Võ Tri Kỳ có thời gian tiếp cận Khe Tân trước đó đi Quảng Ngãi nên chuyển tài liệu lại cho ông Tập, yêu cầu ông cho ý kiến nhận xét về đập thủy lợi này.

Ông Tập kể: “Sau khi thống nhất công việc, tôi nhờ anh Ba xã đội trưởng giúp đỡ, cho người dẫn đường tôi về vùng B Đại Lộc. Vì khác địa phương, nên anh chỉ nhờ ghe cho tôi quá giang đi xuôi Thu Bồn chứ không cho người dẫn đường được”.

Vào giữa năm 1974, ông Tập thực hiện chuyến đi từ Quế Lộc về đến địa điểm thuận lợi cho việc khảo sát. “Ngày trước, anh Kỳ về Khe Tân đi từ Thạnh Mỹ, còn tôi bấy giờ lại đi từ phía đèo Le của Quế Sơn” - ông Tập nói thêm.

img_20240927_185452.jpg
ông Lê Trí Tập.

Công trình của những người tâm huyết

Câu chuyện ngày ấy đi khảo sát đập Khe Tân được ông Lê Trí Tập kể rằng có lúc nghe pháo địch từ phía núi Lở, Ái Nghĩa bắn dồn vào bìa rừng, có lúc địch bắn dồn từ phía Hà Nha… mà vẫn phải vừa đi vừa xem bản đồ cho tới khi được dẫn lên Khe Cái thì mới biết đã đến vùng tuyến.

Ngay tại vùng tuyến này, dựa vào mốc dãy Gò Đu, có thể chọn được nhiều tuyến chính để so sánh. Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe ông nhắc lại toàn bộ sự việc qua mấy câu thơ: “Khe Tân Pháp đã chọn rồi/Nhưng mà tuyến đó là nơi khó làm/ Hồ nhỏ chẳng được bao lăm/ Ý tôi muốn chọn tuyến đập nằm (ở) Gò Đu…/ Chia tay gặp bác Bốn Thi/ Đi về Trung Phước việc gì tính sau/ Mong cho thắng lợi càng mau/ Hòa Bình lặp lại cùng nhau để bàn”.

Thế rồi đến sau ngày hòa bình, ông lại kể: “Hòa bình vỡ đất khai hoang/ Vùng B thủy lợi lại bàn Khe Tân/ Nhớ thương anh Phạm Đức Nam /Con người tâm huyết quyết làm Khe Tân/ Công trình nay đã hoàn thành/Nước đã về tưới tươi xanh ruộng đồng”.

Đặc biệt, trong câu chuyện, ông Tập luôn nhắc đến ông Phạm Đức Nam với những tình cảm yêu quý và trân trọng nhất: “Hồi đó, anh Nam nói với tôi rằng nếu làm xong đập Phú Ninh mà không làm xong Khe Tân có chết cũng không nhắm mắt”. Sau này, tôi và anh Nam có về lại Khe Tân, anh cười hạnh phúc rằng Khe Tân nguyện ước đã hoàn thành, là công sức của bao người xây dựng.

Sau chuyến đi Khe Tân, ông Tập về lại sáp nhập vào đoàn công tác của Ban Nông nghiệp đi lên Tây nguyên chuẩn bị tiếp quản chiến trường mới. Giải phóng Tây Nguyên, ông là cán bộ thủy lợi duy nhất tiếp quản công tác thủy lợi ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn.

Ông nói rằng, những gì thu thập được ở Khe Tân trong bom đạn từ ngày ấy ông vẫn mang theo đi chiến dịch giải phóng và tiếp quản các tỉnh nói trên. Nghe tin giải phóng Huế, Quy Nhơn, đoàn công tác của ông vội quay về Đà Nẵng.

Đến Quảng Ngãi thì Đà Nẵng cũng vừa giải phóng. Trong thời gian đầu giải phóng, ông Lê Trí Tập về công tác tại Ty thủy lợi Quảng Nam Đà Nẵng, tiếp tục cùng anh em trong ngành và nông dân lo việc thủy lợi các vùng quê xứ Quảng...

Ông Lê Trí Tập sinh năm 1939, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Lê Trí Miễn (1909 - 1985), chú ruột là GS.Lê Trí Viễn (1919 - 2012) đều là những người tham gia cách mạng từ thời kháng Pháp và để lại những đóng góp đáng tự hào trong ngành giáo dục của quê hương xứ Quảng.

Tết này trở lại Khe Tân, ông Lê Trí Tập vui mừng khi thấy cảnh quan xung quanh mặt hồ ngày càng tươi đẹp, thể hiện sự bảo quản chu đáo của địa phương. Đặc biệt, hệ thống giao thông, cầu cống về Quảng Huế, Phú Thuận… rất thuận lợi, đời sống người dân phát triển rõ rệt.

Dù vậy, cũng tương tự như mỗi lần trở lại hồ Phú Ninh, đứng bên hồ Khe Tân, ông Tập không quên căn dặn cán bộ và người dân nơi đây: “Vấn đề cốt lõi là làm sao để hồ không bị ô nhiễm, nước trong lành, rừng cây không bị phá…, để nó không phụ công lao của hàng vạn người đã đổ công sức, xương máu xây lên”.

TRẦN TRUNG SÁNG