Thủy sản

"Mở biển" đầu năm

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 04/02/2025 08:06

Những ngày tết, hầu hết tàu cá của ngư dân các vùng bãi ngang ven biển TP.Hội An, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành đều đã “mở biển” thành công.

ngu dan
Ngư dân xã Tam Tiến đi biển đầu năm mới. Ảnh: Q.VIỆT

Lộc biển

Rạng sáng mùng 4 tháng Giêng, ngư dân Huỳnh Nhất Tuấn (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) cùng các bạn biển thực hiện chuyến “mở biển” ở tuyến lộng với nghề lưới rê trên chiếc tàu QNa-00642.

Sau 2 ngày đánh bắt hải sản cách bờ chừng 15 hải lý, anh Tuấn cập bờ thu được 100kg cá các loại, được 10 triệu đồng. Chuyến biển trong 2 ngày chi phí không nhiều nên ông Tuấn có được thu nhập khá. Rất phấn khởi khi mở biển thành công.

Hầu hết tàu cá của ngư dân các vùng bãi ngang ven biển TP.Hội An, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành đều đã “mở biển” trong những ngày qua.

Ông Trần Văn Siêm - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, trên địa bàn hiện có 135 phương tiện đánh bắt hải sản. Những ngày qua, nhiều tàu cá xã Duy Hải thu được sản lượng khá cá trích. Có phương tiện khai thác được đến 300kg cá trích, thu nhập hơn 3 triệu đồng chỉ sau một đêm đánh bắt cách bờ vài hải lý.

Ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá (Sở NN&PTNT) cho biết, mặc dù ngày tết nhưng nhiều tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành đã liên tục rời cảng cá Tam Quang (Núi Thành) để đi đánh bắt hải sản với các nghề lưới vây, lưới chụp, lưới rê, lưới cản…

“Chúng tôi tuyên truyền, vận động ngư dân thông báo xuất cảng, cập cảng trước một giờ, ghi chép nhật ký khai thác hải sản để truy xuất nguồn gốc và đảm bảo các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định” - ông Châu nói.

Đường xa cho nghề biển

Ở phường Cửa Đại (TP.Hội An), ngư dân Trần Sinh - chủ tàu cá QNa-92569 cho biết, nghề câu cá hố thất bát trong năm qua. Ngư dân lỗ tổn ở nhiều chuyến biển nên rất cần Chi cục Thủy sản Quảng Nam khẩn trương thực hiện hỗ trợ nhiên liệu để có chi phí bám biển trong năm mới này.

ngu dan 2
Ngư dân vùng ven biển Quảng Nam cập bờ bán hải sản. Ảnh: Q.VIỆT

“Tôi tính toán cơ cấu lại nghề câu cá hố bằng cách vay vốn đầu tư thêm nghề khác để sản xuất kiêm nghề với câu cá hố. Tôi cũng sẽ tham khảo để học hỏi nghề mới, chuyển đổi nếu nghề câu cá hố tiếp tục thất thu trong năm 2025 này” - ông Sinh nói.

Thời gian qua, ngư dân Quảng Nam đã ứng dụng cơ giới hóa nghề lưới chụp; tiếp nhận vật liệu PU (Polyurethane) cho hầm bảo quản tàu cá lưới vây; tiếp cận tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy; chuyển giao đèn led chuyên dụng cho tàu lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt ở vùng biển khơi…

Tuy nhiên, có thể nhận diện nghề khai thác hải sản của tỉnh vẫn còn thách thức lớn như quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất chưa liên kết chặt chẽ, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, giá trị gia tăng nghề cá thấp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao nhiệm vụ ngành thủy sản Quảng Nam lập danh sách tàu cá chưa đăng ký, chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chưa được cấp giấy phép khai thác, chưa lắp đặt, vận hành giám sát hành trình tàu cá để quản lý chặt, không cho xuất cảng đi biển.

“Ngành thủy sản phối hợp chặt chẽ với các cơ quan biên phòng, Công an tỉnh xử lý nghiêm tàu cá vô hiệu hóa giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phát triển nghề cá theo hướng xanh hóa, bền vững, có trách nhiệm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com)