Thế giới

Nhật Bản đối phó dịch cúm mùa nghiêm trọng

NAM VIỆT 05/02/2025 15:45

(QNO) - Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản từ tháng 9 năm ngoái đến nay gây ra 9,5 triệu ca nhiễm. Các bệnh viện hiện quá tải bệnh nhân, trong khi nguồn cung y tế khan hiếm.

ap.jpg
Người dân tại Nhật Bản đeo khẩu trang khi ra ngoài để ngăn ngừa lây nhiễm cúm. Ảnh: AP

Hơn 66 nghìn ca mắc mới mỗi ngày

Trang "dimsumdaily.hk" đưa tin, chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 12/2024, Nhật Bản ghi nhận con số kỷ lục với hơn 317 nghìn ca cúm mới - cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước đó.

Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản cho biết đất nước trải qua đợt bùng phát cúm lớn nhất trong 25 năm qua trong tuần từ ngày 23 - 29/12/2024 và trung bình hơn 66 nghìn ca mới mỗi ngày trong 144 ngày qua.

"Một cuộc khủng hoảng" là cách Tiến sĩ Matsuyama Masaharu - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa tỉnh Okayama (Nhật Bản) mô tả tình hình dịch cúm đang diễn ra tại các bệnh viện trong khu vực khi phải vật lộn để tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân.

Trong khi đó, các công ty dược phẩm lớn gây sốc khi tuyên bố tạm dừng các lô hàng thuốc kháng vi rút quan trọng Oseltamivir - chiếm khoảng 1/4 tổng nguồn cung cấp thuốc chống cúm của Nhật Bản.

Các chuyên gia y tế nhận định, sau 2 năm cúm lây truyền chậm lại do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt, sức đề kháng của người Nhật với các vi rút mới nổi suy giảm, tạo ra "lỗ hổng hoàn hảo" cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Hơn nữa, khi việc du lịch quốc tế trở lại bình thường, khuyến cáo đeo khẩu trang nới lỏng, các điều kiện thuận lợi cho phép cúm bùng phát trở lại đáng sợ.

Biện pháp phòng ngừa

Ngày 4/1/2025, bác sĩ Jade Boonyawongwiroj - Trợ lý Giám đốc Bệnh viện Maharat Nakhon Ratchasima của Thái Lan khuyến nghị nếu không thể tránh khỏi việc đi du lịch đến Nhật Bản, du khách nên mang theo thuốc chống cúm như Oseltamivir trong khi hành khách khác nên xét lại kế hoạch du lịch đến xứ hoa anh đào.

Bác sĩ Thái Lan cũng lưu ý rằng nếu Oseltamivir không hiệu quả đối với một số bệnh nhân thì có thể cần điều trị bằng Favipiravir - loại thuốc cũng sử dụng cho bệnh nhân COVID-19.

Các chuyên gia y tế tại Hồng Kông (Trung Quốc) kêu gọi du khách mắc bệnh mãn tính hoãn các chuyến đi đến khu vực đang có sự gia tăng ca mắc cúm, đặc biệt sau ca tử vong của một nữ diễn viên nổi tiếng người Đài Loan (Trung Quốc) do nhiễm cúm khi du lịch đến Nhật Bản dịp Tết Nguyên đán 2025.

Cạnh đó, các chuyên gia khuyên du khách nên tiêm vắc xin cúm ít nhất 2 tuần trước khi khởi hành để có thời gian phát triển kháng thể cũng như đeo khẩu trang ở nơi đông người, giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ khi đến quốc gia có dịch cúm lan rộng, ghi lại thông tin liên lạc khẩn cấp tại địa phương và mua bảo hiểm du lịch trước chuyến đi.

Theo "tamanhhospital.vn", thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền... Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vắc xin cúm nhắc lại mỗi năm.

NAM VIỆT