Nông dân Núi Thành ra đồng chăm bón lúa đông xuân
Những ngày sau Tết Nguyên đán, thời tiết ấm áp, nông dân huyện Núi Thành tranh thủ ra đồng chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ đông xuân 2024 - 2025.
Tại cánh đồng Bà Tăm thuộc thôn Phú Trung và thôn Phú Bình (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), lúa đông xuân đang giai đoạn đẻ nhánh và phát triển tốt. Ngay sau những ngày đón tết, nông dân ra đồng tiếp tục tỉa dặm, bón phân thúc đúng kỳ để lúa đẻ nhánh tập trung.
Ông Nguyễn Dĩnh - nông dân thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1 chia sẻ: “Ngay sau tết, cùng với nhiều công việc khác, nông dân chúng tôi bám đồng chăm bón lúa, vì đây là giai đoạn lúa dễ bị sâu bệnh, chuột phá hại”.
Bà Dương Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành thông tin, lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 trên địa bàn huyện cơ bản theo sạ, cấy đúng kế hoạch đề ra.
Theo xác định của ngành nông nghiệp, cây lúa đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ là giai đoạn xung yếu của cây trồng, do đó nông dân cần áp dụng kịp thời các biện pháp chăm bón, phòng trừ dịch hại.
Tranh thủ tỉa dặm, bón phân thúc đúng thời kỳ để lúa đẻ nhánh tập trung, chú ý bón phân kali để giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và chống rét cho lúa.
Trong điều kiện rét lạnh, cần duy trì liên tục mực nước trong ruộng 2-3cm, kết hợp bón thêm tro bếp, phân chuồng hoai mục, không bón phân đạm khi nhiệt độ xuống dưới 20oC...
Cũng theo bà Dương Thị Kim Anh, ngay sau tết, nông dân cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại cho cây lúa. Để hạn chế ốc bươu vàng phát sinh gây hại, tốt nhất nông dân nên áp dụng biện pháp thủ công như nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước. Khi mật độ ốc quá cao thì có thể dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để trừ. Cần tiếp tục diệt chuột đồng loạt bằng nhiều biện pháp như đặt bẫy, đánh bả bằng thuốc sinh học…
Trong điều kiện thời tiết hiện tại và trong thời gian tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh trên các giống lúa nhiễm và ruộng bón thừa đạm.
Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái để kịp thời phát hiện bệnh sớm và có biện pháp xử lý thích hợp. Ngoài ra, cần chú ý bọ trĩ, ruồi đục nõn trên lúa sạ muộn; sâu phao trên chân ruộng trũng; sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn trên lúa trà sớm, lúa chính vụ.
Sau Tết Nguyên đán, trên lúa đông xuân có khả năng xuất hiện sâu năn. Nông dân cần theo dõi kỹ đợt muỗi năn ra từ giữa tháng 1 sang đầu tháng 2 dương lịch, sâu non của đợt muỗi này sẽ gây hại trên lúa đẻ nhánh, cục bộ có nơi mật độ cao.
Ở những vùng xác định có muỗi năn ra nhiều, sau khi muỗi năn ra rộ từ 3-5 ngày, có thể dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu để rải trên lúa.
Theo ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, giai đoạn sau tết là thời điểm chuột và một số loại sâu bệnh có thể xuất hiện gây hại mạnh trên lúa đông xuân.
Nông dân cần tăng cường thăm đồng chăm bón lúa vụ đông xuân. Thực hiện tưới nước tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng kịp thời; vận động nông dân ra quân đồng loạt để diệt chuột, ốc bươu vàng.
“Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính của năm 2025 nên cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tăng cường kiểm tra, giúp các địa phương xử lý tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng ngay sau tết để đảm bảo một vụ mùa thắng lợi” - ông Gát nói.