Maire McCann và hành trình thay đổi cuộc đời trẻ khiếm thính
(QNO) - Gần 20 năm qua, nữ điều dưỡng người Ireland - bà Maire McCann (tên gọi thân mật tiếng Việt là bà Mai, 68 tuổi) đã dành trọn tâm huyết xây dựng, phát triển Trung tâm Hỗ trợ và giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính Quảng Nam (Hearing and Beyond in Vietnam).
Từng gặp biến cố đến mức nghĩ sẽ tự kết thúc cuộc đời, bà Maire McCann nghẹn ngào hồi tưởng về khoảng thời gian tìm cách thoát khỏi trầm cảm bằng việc giúp đời. Năm 2005, nữ điều dưỡng Ireland rời Australia - nơi bà đang làm việc lúc bấy giờ, du ngoạn khắp nơi. Và bà chọn Việt Nam như một nơi mình thuộc về của đoạn đời đặc biệt.
"Tôi muốn ở lại đây!"
Người phụ nữ Ireland này được chỉ định làm điều dưỡng viên cho một tổ chức thiện nguyện trong khoảng 3 tháng. Nhưng khi đặt chân tới Hội An, bà Mai có cảm nhận khác về một vùng đất mình sẽ thuộc về nó.
“Mọi việc bắt đầu theo một cách rất tình cờ và tôi không ngờ mình đã đem lòng yêu Hội An. Tôi là một điều dưỡng, không phải là giáo viên, cũng không biết gì về cộng đồng người điếc. Tuy nhiên khi được biết ở Hội An có nhiều trẻ khiếm thính mà chưa có một tổ chức từ thiện nào giúp đỡ các em, tôi đã nghĩ rằng mình có thể hỗ trợ một đến hai cháu. Và tôi đã làm vậy…” - bà Mai chia sẻ về cơ duyên đến với trẻ khiếm thính.
Những ngày đầu, bà Mai không hề biết cách vận hành một tổ chức từ thiện hay cách hỗ trợ trẻ điếc. Nhưng từng ngày một, hành trình bắt đầu bằng tấm lòng này đã có những sự trợ giúp, đồng hành cùng bà Mai để việc tiếp cận và chăm sóc các em kém may mắn trở nên chuyên nghiệp hơn.
Năm 2008, bà mở lớp học dành cho trẻ khiếm thính ngay tại căn nhà bà thuê ở. Để có kinh phí duy trì lớp học, thời gian đầu, bà quay về Australia làm việc 3-4 tháng để kiếm tiền, bà không tiêu mà gom hết về Việt Nam để vận hành ngôi trường. Đến khi sắp hết, bà lại về nước làm việc.
“Ban đầu chỉ vài cháu nên rất thuận lợi. Về sau, thêm học sinh nên cần một quỹ vận hành lớn hơn, tôi gặp khó khăn hơn, có lúc tưởng chừng phải dừng lại. Nếu về Australia làm việc toàn thời gian thì chắc có thể kiếm đủ tiền để tiếp tục vận hành nhưng tôi không muốn. Tôi muốn ở lại đây! Khi ấy, tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, những người yêu thương” - bà Mai nói.
Vì trẻ em khiếm thính
Những khó khăn dần qua đi, lớp học ngày nào chỉ 2 đứa trẻ, nay có đến 29 trẻ em khiếm thính ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn… theo học. Hearing and Beyond in Vietnam cũng đã có trụ sở mới từ năm nay tại phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn). Trong ngôi trường ấy, những lớp học đặc biệt vẫn diễn ra hàng ngày. Không một lời nói nhưng lớp học của cô Mai luôn tràn ngập những háo hức, hy vọng đằng sau những nụ cười rạng rỡ.
Điều bà Mai và các cộng sự quan tâm nhất chính là khơi gợi niềm yêu thích học tập và khám phá thế giới ở trẻ em khiếm thính qua các môn học như Tiếng Việt, Toán, ngôn ngữ ký hiệu, đạo đức, kỹ năng phát âm, tin học..., giúp các em có một hành trang cần thiết để hòa nhập cuộc sống sau này.
Theo bà Mai, các em chỉ khiếm thính, các em không thiếu khả năng tư duy, thậm chí còn rất thông minh. Chính vì thế, sứ mệnh của trung tâm là mang đến một chương trình giáo dục chất lượng cao cho các em. Khi mới vào trường, các em sẽ học chương trình giáo dục cơ bản. Lớn hơn, các em được dạy kỹ năng sống, dạy nghề để có một hành trang tốt nhất hòa nhập cộng đồng.
Tôi không muốn nghề nghiệp của các em bị giới hạn, chỉ suốt ngày ngồi may quần áo. Các em có khả năng làm nhiều hơn thế. Tại sao không thể trở thành giáo viên, điều dưỡng, bác sĩ hay doanh nhân? Đây mới là những nghề nghiệp mà tôi mong các em được theo đuổi"
Bà Maire McCann
Chị Đồng Thị Như Liên - Quản lý của trường chia sẻ, hàng ngày, cô Mai chăm sóc những đứa trẻ khiếm thính từ bữa ăn đến giấc ngủ trưa, cùng vui đùa như một người bạn thân thiết sau giờ học. Cô nhớ đặc điểm của từng bạn nhỏ và theo dõi sự tiến bộ của các con hàng ngày. Cô Mai luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe nhưng lại dùng tình yêu thương để trò chuyện cùng các con. Chỉ giao tiếp qua ánh mắt, động tác hình thể, nhưng có lẽ ngôn ngữ từ trái tim đã gắn kết họ với nhau như bà - cháu.
Mong muốn không chỉ giáo viên của trung tâm mà phụ huynh chính là người bạn đồng hành quan tâm, thấu hiểu và hỗ trợ đắc lực cho các con, bà Mai luôn tạo sợi dây kết nối hai chiều để giáo dục trẻ trên lớp và cả ở nhà. Đồng thời bà còn hướng dẫn tổ chức các hoạt động vui học hòa nhập, trải nghiệm như đi chợ, nấu ăn, giao lưu múa hát, tham quan Thánh địa Mỹ Sơn…
[VIDEO] - Lớp học vui vẻ của những đứa trẻ khiếm thính với sự yêu thương của bà Mai và các cô giáo Trung tâm Hỗ trợ và giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính Quảng Nam:
Nơi thay đổi số phận
Từng nghĩ mình cô đơn, mặc cảm, tự ti vì không nghe, không nói được, nhưng giờ đây, chị Nguyễn Thị Lành (SN 1994) đã là trợ giảng của trung tâm. Sau cuộc gặp gỡ tình cờ với cô Mai, chị Lành như được trao tấm vé bước vào cánh cửa phát triển bản thân. Giờ đây, chị hạnh phúc trao đi những tấm vé khác cho các em khiếm thính như mình.
Cùng chung tình yêu thương với những đứa trẻ kém may mắn, cô giáo Lê Thị Trang chia sẻ: "Nhiều em khi mới đến đây mang ánh mắt đượm buồn, thu mình trong góc nhỏ. Dạy các em cười, dạy ngôn ngữ ký hiệu, dạy các em tự chăm sóc bản thân, rồi chứng kiến các em dần cởi mở, trò chuyện cùng bạn bè, tôi thấy cuộc sống thật ý nghĩa".
Với sự tận tâm của bà và các cộng sự, điều tuyệt vời đã đến khi đứa trẻ đầu tiên là cậu bé Sơn được tốt nghiệp, có một công việc ổn định.
“Em muốn làm bác sĩ để có thể cứu giúp và khám bệnh cho nhiều người"
“Em thích học ở đây lắm vì có nhiều bạn bè! Em muốn trở thành thợ may, may những chiếc váy thật đẹp!”
"Em thích làm đầu bếp! Em muốn lớn lên phụ giúp ba mẹ bán quán ăn”
“Em đã học nghề ở trung tâm, lớn lên em sẽ làm thợ cơ khí”…
Ước mơ của những trẻ em khiếm thính tại trung tâm.
Mỗi đứa trẻ khiếm thính ở đây đều có những ước mơ của riêng mình. Đến với trung tâm, các em tìm được cơ hội thay đổi số phận, thoát ra khỏi bóng tối cô đơn và lạc lõng. Những tiếng bập bẹ phát ra dù còn nhiều khó khăn, những ánh mắt hồn nhiên, những ký hiệu tay nhanh nhẹn, sự tự lập, tự tin… là những thay đổi rất tích cực của các em sau thời gian dài học tập.
Bà Mai cho rằng, những người có khiếm khuyết về thể chất không có nghĩa họ có khiếm khuyết về nhận thức. Điểm khác biệt duy nhất là các em không nghe được. Bà mong rằng sẽ có thêm nhiều người Việt Nam chung tay cùng bà giúp đỡ trẻ em khiếm thính được học hành đầy đủ, được hòa nhập xã hội, trở thành những công dân có ích, thay vì là gánh nặng cho xã hội.
Suốt một hành trình dài đi tìm mục đích sống cho mình, nữ điều dưỡng Maire McCann không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc: “Nếu một ngày nào đó tôi không còn, việc tôi có thể giúp thay đổi cuộc đời dù chỉ là một đứa trẻ thì đã thành công lắm rồi. Vậy mà tôi đã may mắn giúp được nhiều cuộc đời như thế!".
Sau tất cả, bà Mai khẳng định: “Việt Nam chắc chắn là nhà, là nơi tôi muốn trở về với một niềm say mê và nguồn năng lượng mới để tiếp tục công việc”. Đến nay, bà cũng đã xây một ngôi nhà nhỏ cho riêng mình ngay bên cạnh trung tâm. Bởi bà mong sẽ được ở gần bọn trẻ, bất cứ lúc nào cô đơn hay buồn bã, chỉ cần sang bên cạnh sẽ nhận được những chiếc ôm từ các con. Bà muốn mãi là một phần của ngôi trường đặc biệt này…