Văn hóa - Văn nghệ

Theo dấu những núi đèo "lạ lẫm"

HỨA XUYÊN HUỲNH 09/02/2025 08:20

Một vài danh thắng xứ Quảng đang “neo giữ” hình ảnh trong lòng người đời sau bằng những ghi chép cũ, và càng thú vị hơn khi bắt gặp lối mường tượng táo bạo, lạ lẫm…

hxh-1.jpg
Cụm 3 ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn cạnh sông Cổ Cò mùa nước cạn. Ảnh: H.X.H

“Nhân sư” ở Ngũ Hành Sơn

“Xa xa phía chân trời, dưới ánh sáng màu vàng, những ngọn núi đá cẩm thạch (Ngũ Hành Sơn) giống như ba bức tượng Nhân sư khổng lồ quỳ trên lối vào sa mạc”, Marcel Monnier viết như thế trong cuốn “Vòng quanh châu Á: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ”.

Tôi thường đi đường Minh Mạng, ngang qua sông Cổ Cò (Lộ Cảnh giang) rồi rẽ phải theo tuyến đường ven biển để rời Đà Nẵng vào Quảng Nam, tự hỏi: nhà du ký người Pháp đã từng dừng ở góc nào để liên tưởng về danh thắng Ngũ Hành Sơn thú vị đến như vậy?

Một ngày nọ, vào quãng cuối thế kỷ 19, Marcel Monnier đi trên chiếc sà-lúp từ hướng cửa Hàn theo sông Cổ Cò vào phía nam. Marcel Monnier dành 4 năm để đi vòng quanh châu Á, từ 1894 đến 1898.

Để rồi, “Vòng quanh châu Á: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ” (Le tour d’Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin) xuất bản năm 1899 được trao giải thưởng Marcelin Guérin của Viện Hàn lâm Pháp quốc chỉ 1 năm sau đó. Đây là tập 1 trong bộ du ký 3 tập của ông.

“…Chúng tôi ngược dòng trong một tiếng rưỡi đồng hồ, trong một khung cảnh, đôi chỗ, khiến chúng tôi ngỡ như là vùng nông thôn Ai Cập, nơi xa xôi nào đó của vùng châu thổ. Ở bên trái, những đụn cát trắng xóa che khuất biển nằm ngay kế bên, ta còn nghe rõ tiếng sóng biển vỗ ầm ầm như sấm” (Sđd, bản dịch của Hoàng Thị Hằng - Bùi Thị Hệ).

Rồi ông mô tả khung cảnh bên phải, với những cồn cát nằm rải rác trên vùng đồng bằng phù sa. Những cánh đồng lúa trải dài dưới chân sườn đồi. Những nông dân tất bật nạo vét mương máng và be bờ bằng đất sét…

Thuyền ghé vào sâu trong một vịnh nhỏ, cách ba “ngọn đồi” chừng 1/4 dặm, ngọn cao nhất chỉ 150 mét. Ông băng qua vùng đất đầy bụi, thêm một đụn cát rồi mới tới chân ngọn núi chính với 300 bậc thang tạc vào đá, trong đó 20 bậc đầu tiên đã bị cát vùi lấp…

Lần ấy, ông có thăm ngôi chùa nhỏ ở đoạn đường dốc đứng, tịnh thất của 6 nhà sư, xây dựng trong không gian tĩnh mịch theo lệnh của vua Minh Mạng khoảng 60 năm trước.

Từ vị trí nào, Ngũ Hành Sơn thu vào tầm mắt Marcel Monnier để giống như 3 bức tượng Nhân sư khổng lồ đang quỳ trên lối vào sa mạc? Câu hỏi ấy cứ đeo bám lấy tôi.

Lần ngang qua Ngũ Hành Sơn gần đây nhất, khi đến đầu cầu Bờ Quan trên đường Minh Mạng bắc qua sông Cổ Cò, nhìn về mé đông nam, tôi giật mình nhận ra các cụm núi xanh thẫm có dáng vẻ khác lạ. Dĩ nhiên khuất lấp hơn và không có những đụn cát trắng xóa như mô tả của Marcel Monnier.

Phải chăng, khi thuyền ngược sông vào đến quãng này, Ngũ Hành Sơn đập vào mắt Marcel Monnier và khiến ông nghĩ về những tượng Nhân sư?

“Yết hầu Thuận Quảng” và “tường thành La Mã”

Năm 1973, nhà văn Mỹ Paul Theroux bắt đầu thực hiện chuyến đi vòng quanh châu Á. “The Great Railway Bazaar”, được biết dưới tựa sách quen thuộc “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ”, ra đời sau đó và trở thành tác phẩm du ký lừng danh.

hxh-2.jpg
Góc nhìn Ngũ Hành Sơn từ phía cầu Bờ Quan trên đường Minh Mạng bắc qua sông Cổ Cò (ẢNH: H.X.H)

Có hai chuyến tàu khách đã đưa Paul Theroux đi trên dải đất Việt Nam những ngày còn chia cắt ấy. Một chuyến Sài Gòn - Biên Hòa. Chuyến ngược lại, Huế - Đà Nẵng. Lúc đó, chiến sự vẫn chưa chấm dứt. Quốc lộ 1 đoạn từ Huế vào Đà Nẵng mang biệt danh “Con đường sầu thảm” và những cây cầu đổ nát trên tuyến đường cũng như đang “kể những câu chuyện về chiến tranh”…

Nhưng dù thế nào, du khách vẫn kịp nhận ra tàu đang chở họ vào một xứ sở kỳ lạ. “Chúa ơi, thật là một đất nước tươi đẹp”, Hổ Mang Hai thốt lên. Hổ Mang Hai là vợ của người mang biệt hiệu Hổ Mang Một, người Mỹ, chủ ngôi nhà mà nhà văn Paul Theroux đang ở tại Sài Gòn. Họ đi cùng chuyến tàu.

Chính Paul Theroux cũng quả quyết cung đường sắt này rất đẹp, khi đối thoại với Hổ Mang Hai: “Trong tất cả những nơi mà tàu hỏa đã đưa tôi đi qua kể từ London, đây là nơi thơ mộng nhất”.

Cho đến khi nhìn ngắm những ngọn núi và thung lũng kỳ vĩ, ông nảy ra lối so sánh rất lạ: “Đoàn tàu đang đi dưới đèo Hải Vân (đèo mây) hùng vĩ, biên giới phân chia tự nhiên Bắc Đà Nẵng, giống như một bức tường thành La Mã”.

Tùy bút “Đứa con phù sa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có lối hình dung lạ lẫm về vùng Gò Nổi (Quảng Nam) với “cái dáng ẵm bồng trìu mến”, lúc nhà văn nhìn lên bản đồ thấy các dòng sông chia rồi hợp, hợp rồi chia quanh một hòn đảo.

Khi trí tưởng tượng bay bổng hơn, ông “thu gọn” Gò Nổi như một cái nôi và buộc chiếc nôi ấy bằng 4 tao nôi lấy từ 4 con sông. Đầu phía tây, có sông Thu Bồn níu lấy rặng Hòn Kẽm Đá Dừng và sông Vu Gia rút sâu vào trong lòng núi vùng Giằng, Hiên. Đầu phía đông, có hạ lưu sông Thu Bồn và sông Vĩnh Điện.

Cả 2 tao nôi Thu Bồn - Vĩnh Điện này, trong trí tưởng tượng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng đang “buộc múi neo vào cửa Đại và cửa Hàn”.

Với các nhà du ký phương Tây, danh thắng xứ Quảng còn được “đẩy” đi xa hơn. Những cụm núi Ngũ Hành Sơn càng trở nên bí ẩn khi được ví như những bức tượng Nhân sư cạnh các kim tự tháp ở Ai Cập.

Từ đầu thế kỷ 17, dạo chơi Hải Vân, thấy dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khen đây là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.

Giữa cuối thế kỷ 20, nhà văn người Mỹ lại thấy con đèo ấy sừng sững như tường thành La Mã… Hình dung nào cũng thú vị và táo bạo.

HỨA XUYÊN HUỲNH