Chuyện ở khu căn cứ Đức Dục - An Hòa - Bài cuối: Nằm lại trong lòng đất mẹ...
“Các anh giờ nằm nơi đâu” là câu hỏi day dứt khôn nguôi của bao người gần 55 năm qua; việc tìm kiếm hồ sơ và hài cốt liệt sĩ từ nhiều nguồn tài liệu sưu tầm qua sử sách, hồi ký cựu chiến binh, du kích và chính trong nhân dân, những mong sớm đưa các anh về quê xứ...
![ccb.jpg](https://bqn.1cdn.vn/2025/02/10/ccb.jpg)
Dấu mốc chiến thắng Đức Dục - An Hòa
Theo lịch sử ghi lại, từ năm 1965 - 1973, phía ta có bốn trận tấn công riêng lẻ vào khu căn cứ Đức Dục - An Hòa nhằm tiêu hao sinh lực định, gây nhiều tổn thất cho Mỹ và chế độ cũ, góp phần làm nên chiến thắng Đức Dục - An Hòa vang dội trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong bốn trận đánh tập kích đó, Tiểu đoàn đặc công 409 hành quân từ Đại Lộc vượt sông Thu về bí mật ém quân tại làng Thu Bồn, ngoại vi quận lỵ Đức Dục. Tối 25/1/1973, các mũi tiến công đã vào vị trí, chờ hiệu lệnh tập kích vào khu trung tâm theo kế hoạch tác chiến đã định.
Đêm 25 rạng ngày 26/1/1973 - ngay trước ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, khi mũi đột kích tiếp cận đồn địch để chuẩn bị phát hỏa mở cửa, thì bị địch phát hiện.
Địch đánh trả quyết liệt, bắn pháo sáng rực trời, làm quân ta hết sức khó khăn trong việc cơ động tác chiến. Bộ đội ta đã giữ vững trận địa, chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy các đợt phản công của địch.
Địch cố thủ trong các lô cốt, dùng hỏa lực mạnh khống chế các cửa ngõ vào khu trung tâm, nên ta không giành được thế chủ động. Ta phải vừa đánh kìm chân địch, vừa rút lui và chuyển một số thương binh về tuyến sau và tổ chức vượt sông Thu Bồn trở về hậu cứ.
Trận đánh tuy chưa giành được thắng lợi quyết định như kế hoạch ban đầu, nhưng đã làm địch hoang mang, không còn dám kéo quân càn quét vùng giải phóng mà phải cố thủ và tăng cường cảnh giác từng giờ từng phút.
Chỉ hai năm sau, chúng phải tan rã, buông súng đầu hàng vô điều kiện trước sức tiến công và nổi dậy như vũ bão của quân và dân ta trong mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Nhiều trận đánh lớn làm nên chiến thắng Đức Dục - An Hòa là sự kiện lịch sử đáng nhớ, đáng tự hào, nhưng bao người nằm xuống, rất nhiều liệt sĩ hài cốt vẫn chưa tìm được.
Theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội trực tiếp tổ chức các trận tấn công vào căn cứ Đức Dục - An Hòa và đông đảo nhân dân, nhất là nhân dân xã Duy Thu đã vận động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng Khu di tích chiến thắng Đức Dục - An Hòa tại thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu - phía bắc quận lỵ Đức Dục và căn cứ quân sự An Hòa trước kia.
Ở khu tưởng niệm, hai dãy bia khắc tên các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Duy Thu và danh sách dài dằng dặc của 65 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đặc công 409 đã hy sinh ngày 26/1/1973 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Tý).
Các chàng trai binh nhất, binh nhì, quê quán ở mọi miền đất nước Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Bắc, Hà Tây, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh…
Nỗi ám ảnh chiến tranh vẫn còn hằn sâu đối với những người bên kia giới tuyến; còn với hai anh em Võ Văn Lào, Võ Văn Hòa và bao người dân nơi đây lại day dứt khôn nguôi khi chưa tìm được hài cốt của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Năm 1969 bên trong Khu kỹ nghệ An Hòa, Hòa thượng Thích Hành Sơn khai sơn ngôi chùa An Hòa, thành lập Cô nhi viện An Hòa, nhận nuôi nấng các trẻ em mồ côi và giúp cho các nạn nhân chiến tranh. Nhưng đau thương xảy ra năm 1971, chùa An Hòa và Cô nhi viện An Hòa bị kẻ lạ mặt dùng pháo và súng liên thanh tấn công vào ban đêm, gây ra cái chết của vị tăng và 40 trẻ em mồ côi.
Những người lính không có kỷ vật
Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt, được tin tưởng đặc biệt và hy sinh vô cùng đặc biệt. Vị vậy, biết bao chiến sĩ đã hy sinh và hầu như không lấy được thi hài và không bao giờ các anh được mang tên và kỷ vật.
Điều đặc biệt đối với chiến sĩ đặc công, khi vào trận phải cởi bỏ quần áo, chỉ mặc độc một chiếc quần lót trên mình. Hòa mình vào điều kiện thổ nhưỡng ở nơi đặt mục tiêu, các chiến sĩ có thể dùng bùn, đất, cỏ cây và bôi lên người chất hỗn hợp.
Khi mục tiêu ở gần đồi núi, rừng cây, các chiến sĩ sẽ được ngụy trang bằng quần áo cỏ trùm kín từ đầu đến chân, ai nấy đều đen nhẻm và hòa vào màn đêm, đất đai và cây cỏ.
Đêm 11/5/1969, tại Núi Quế, Đại đội 1 - Tiểu đoàn đặc công 409 thực hiện nhiệm vụ tập kích căn cứ Lữ đoàn 196 của Mỹ. Để có được chiến công vang dội này, 40 chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh tại trận địa, 66 chiến sĩ ra trận chỉ có 26 người trở về... Trong bài viết “Những dấu chân đi tìm đồng đội” tác giả đã đề cập từ trang văn của tác giả Nguyễn Ngọc chứng kiến hố chôn tập thể ở Liễu Trì (Thăng Bình), câu chuyện rất bi tráng về người em Khuất Quang Thụy…
Câu chuyện và nỗi ám ảnh không thể quên của cô bé Nguyễn Thị Xuân ở xã Quế Long, Quế Sơn, vào năm 1969 - theo cô suốt cuộc đời còn lại về hai hố chôn hàng chục thi thể bộ đội ta, đôi chân các chiến sĩ chỉ mang vỏn vẹn đôi dép cao su.
Theo tài liệu của anh Nguyễn Xuân Thắng tìm được từ phía bên kia: “Vào cuối tháng 6/1969, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 7 Thủy quân Lục chiến được điều động bằng đường bộ đến Ross (tên do phía bên kia đặt Cấm Dơi).
Vào ngày 22/8, hai đại đội Thủy quân Lục chiến được điều động bằng đường bộ để hỗ trợ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ binh 35 của Quân đội đang giao tranh dữ dội với các thành phần của Sư đoàn 2 PAVN (tên viết tắt địch gọi phía ta) tại quận Hiệp Đức và tham gia trận chiến kéo dài đến ngày 29/8…
Vào ngày 6/1/1970, phía bên kia ghi lại “Dưới sự che chở của những cơn mưa gió mùa, Tiểu đoàn 409 Việt Cộng tấn công Ross bằng súng cối và công binh xuyên thủng hàng rào. Cuộc tấn công bị đẩy lùi lúc 4h sáng khiến 13 lính thủy đánh bộ và 38 lính Việt Cộng thiệt mạng…”. Vậy những hố chôn tập thể được cô bé Nguyễn Thị Xuân chứng kiến có phải là một trong những trận đánh của bộ đội Đặc công 409 hay không?
Chính quyền nơi đây cũng đã làm nhiều cuộc tìm kiếm, nhưng địa hình, địa vật và trí nhớ của người từng chứng kiến sự kiện cách đây gần 55 năm cũng đã dần phai nhạt theo thời gian. Tấm bia khắc tên các anh ở Khu di tích chiến thắng Đức Dục - An Hòa, nhưng hai hố chôn tập thể của bộ đội ta vẫn nằm mãi ở nghĩa địa Đồng Minh.
Anh Nguyễn Xuân Thắng cùng cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi và các nhân chứng đến nơi này rất nhiều lần, để so sánh, nghiên cứu các tài liệu bản đồ sân bay, căn cứ quân sự, trận đánh giữa hai bên, rồi tiến hành khảo sát địa hình, từ bản vẽ đến thực địa, các thông tin ngược dòng lịch sử từ nhiều phía. Hy vọng các anh sớm được “về nhà”, để an lòng người thân và đồng đội...