Xã hội

Bùng phát sốt phát ban nghi sởi: Người dân cần cẩn trọng đề phòng

TRƯƠNG TÂM THƯ (truongductoi@gmail.com) 12/02/2025 14:44

Theo TS-BS.Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, sốt phát ban là bệnh lý thường gặp ở nhiều người, nhất là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Điều trị trẻ mắc sốt phát ban tại Nam Trà My. Ảnh: TÂM THƯ
Điều trị trẻ mắc sốt phát ban tại Nam Trà My. Ảnh: TÂM THƯ

Đến nay, tình hình bệnh sốt phát ban nghi sởi bùng phát tại xã Trà Leng và vùng lân cận thuộc Nam Trà My đang được các đơn vị y tế nỗ lực triển khai các biện pháp kiềm chế.

Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, TS-BS.Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết những thông tin bệnh lý và đưa ra khuyến cáo cách phòng chống bệnh sốt phát ban nghi sởi đối với người dân.

Theo đó, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh sốt phát ban là do lây nhiễm virus human herpes 6 hoặc 7 (virus sởi, virus rubella). Loại virus này có khả năng lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh trước đó, hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân với những người bệnh.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây ra bệnh sốt phát ban, bao gồm: Sốt phát ban do chấy, rận hay còn gọi là sốt phát ban cổ điển; sốt phát ban do chuột hay còn gọi là sốt phát ban địa phương do bọ chét chuột; sốt phát ban do mò mạt hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm.

a.jpg
Các cán bộ y tế đến từng thôn nóc ở Trà Leng để tuyên truyền, tầm soát, vận động đưa trẻ mắc bệnh ra Trạm y tế xã để điều trị. Ảnh: TÂM THƯ

Triệu chứng lâm sàng là sốt cao (39 - 40 độ C), ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn và mệt mỏi biểu hiện nhiễm độc. Ban xuất hiện nửa người, sau khoảng 2 - 4 ngày thì lan ra toàn thân.

Đối với trẻ nhỏ, triệu chứng đầu tiên của trẻ thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt. Có thể chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ, hoặc có thể cao hơn ở mức 40 độ C.

Vào ngày thứ ba hoặc thứ tư thì sốt sẽ giảm. Tuy nhiên đây sẽ là thời điểm các nốt phát ban bắt đầu xuất hiện trên da. Các vết ban sẽ có xu hướng lan nhanh, kéo dài khoảng vài ngày.

Các nốt này sẽ trông giống như những nốt đỏ lốm đốm trên bề mặt da. Chúng có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần, cũng có thể xuất hiện thành từng đám nhỏ hoặc toàn bộ cơ thể.

Tuy nhiên, chúng thường bắt đầu ở vùng đầu mặt trước khi lan sang phần thân, tay chân của trẻ. Các vết này có thể sẽ làm trẻ khó chịu vì chúng gây ngứa.

Đối với người lớn, bệnh thường có thời gian ủ bệnh từ trước đó trong khoảng từ 1 - 2 tuần. Sau đó mới gây nên những triệu chứng đột ngột. Điều này khiến bệnh có khả năng kéo dài mới khỏi.

Trong đó có 3 triệu chứng điển hình, gồm sốt cao, da nổi ban đỏ, sưng hạch. Ngoài 3 triệu chứng phổ biến thường gặp trên, người lớn mắc bệnh sốt phát ban có thể bị mệt mỏi, đau tai, viêm họng, chán ăn, tiêu chảy…

aaa.jpg
Cán bộ y tế tỉnh kiểm tra việc điều trị các trẻ mắc sốt phát ban nghi sởi tại Trạm Y tế xã Trà Leng. Ảnh: TÂM THƯ

TS-BS.Mai Văn Mười cho biết, cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban tốt nhất, hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vắc xin đối với các loại bệnh đã có vắc xin như sởi, rubella. Phụ huynh cần đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Với các nguyên nhân khác hiện nay chưa có vắc xin.

“Vì thế mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sốt phát ban. Bên cạnh đó nên tập thể dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống nước cam, chanh… nhằm bổ sung dưỡng chất từ các vitamin C, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Khi có biểu hiện của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời” - TS-BS.Mai Văn Mười nói.

Đến nay, tình hình bệnh sốt phát ban nghi sởi tại xã Trà Leng và vùng lân cận thuộc Nam Trà My đang dần được kiểm soát. Tổng số ca đang điều trị ở các cơ sở y tế là 44 trẻ em. Các trường hợp sốt phát ban đã được lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

TRƯƠNG TÂM THƯ (truongductoi@gmail.com)