Văn hóa - Văn nghệ

Hội An rộn ràng đón Tết Nguyên tiêu

KHÁNH LINH (locvanhoa@gmail.com) 12/02/2025 21:22

(QNO) - Dù đến sáng mai (16 tháng Giêng) Tết Nguyên tiêu mới chính thức diễn ra tại Hội An nhưng từ chiều nay người dân và du khách đã bắt đầu đến các đền, chùa, hội quán viếng thăm, dâng lễ cầu an.

nt4.jpg
Lối vào Chùa Ông đã được phân luồng, sẵn sàng đón khách sáng ngày mai. Ảnh: KHÁNH LINH

Ông Ngô Đức Chí - họa sĩ vẽ tranh tại Chùa Ông (hay còn gọi là miếu Quan Công, đường Trần Phú, TP.Hội An) thông tin, cả ngày hôm nay (15 tháng Giêng) người đến viếng hương xin chữ rất nhiều. Các chữ được xin chủ yếu mang ý nghĩa bình an, may mắn như Phúc, Lộc, Phật… “Dù rất mệt nhưng tôi tự hào được phục vụ bà con và du khách, dự báo ngày mai sẽ đông hơn gấp nhiều lần” – họa sĩ Chí chia sẻ.

nt2.jpg
Từ chiều nay người dân và du khách đã bắt đầu đến Chùa Ông viếng hương. Ảnh: KHÁNH LINH

Chùa Ông được xem là địa điểm chính được đông đảo người dân và du khách chọn viếng hương Tết Nguyên tiêu. Đến chiều nay, công tác chuẩn bị, phân luồng lối đi vào miếu đã hoàn tất sẵn sàng cho sự kiện sáng mai.

Ông Lê Huyễn, thành viên ban tổ chức cho biết, đúng 2 giờ 30 sáng mai (16 tháng Giêng), Chùa Ông sẽ mở cửa đón khách, thời gian kéo dài đến 17 giờ.

Nếu trước đây khách đến miếu viếng hương cầu an sau đó có thể xin săm, bói quẻ cầu may thì vài năm trở lại đây ban tổ chức đã bố trí bàn cho chữ, mỗi người dân, du khách sẽ được cho một tờ “Xuân liên” với các nội dung tốt đẹp như “Hiệp gia bình an”, “Nhứt bổn vạn lợi”, “Hòa khí sinh tài”… mang về treo trong nhà cầu mong một năm hanh thông, vạn điều như ý.

nt3.jpg
Họa sĩ Ngô Đức Chí cho chữ khách đến viếng chùa. Ảnh: KHÁNH LINH

Tết Nguyên tiêu còn gọi là tết Thượng nguyên. Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên tiêu là ngày “Thiên quan Tứ phước”, tức ngày các quan trời ban bố phước lành cho khắp nhân gian. Từ xa xưa, ngay sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), người Việt lại chuẩn bị tổ chức cúng tế cầu an, cầu may mắn, phước lành, thịnh vượng trong cả một năm, đồng thời mở hội vui chơi trước khi bước vào công việc của năm mới với ước vọng mọi việc hanh thông, như ý, phát triển.

Tại Hội An, sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), người dân bắt đầu chuẩn bị Tết Nguyên tiêu. Dịp này, các đình làng, chùa chiền và hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ, không khí nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp Tết Nguyên đán.

nt5.jpg
Các Hội quán cũng đã sẵn sàng đón khách. Ảnh: KHÁNH LINH

Không riêng Chùa Ông, các hội quán như Quảng Triệu, Triều Châu, Phước Kiến không khí đã khá nhộn nhịp. Các hội quán không chỉ tổ chức cúng cầu an mà còn là ngày tế tự tiền hiền và gặp mặt thường niên của con cháu xa gần trong bang hội nên rất đông.

Theo ông Quản Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Tết Nguyên tiêu đã có từ lâu đời gắn với đời sống văn hóa cư dân phố Hội đồng thời mang những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á do có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các nước Trung Hoa, Nhật Bản qua nhiều giai đoạn tại thương cảng quốc tế Hội An.

Ngoài ra, Tết Nguyên tiêu cũng là ngày cúng tế lớn của đạo Phật bởi quan niệm “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Vào Tết Nguyên tiêu, các chùa Hội An đều tổ chức lập đàng cầu Phật tụng kinh, cúng dương sao giải hạn, trừ tai ách, cầu mong bình yên.

nt.jpg
Nhiều người dân và du khách tranh thủ viếng hương cầu an trước khi lễ chính thức diễn ra vào sáng mai. Ảnh: KHÁNH LINH

“Tết Nguyên tiêu tuy có nguồn gốc và quan niệm khác nhau, nhưng có chung đặc điểm là nhân ngày rằm đầu tiên của năm người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với chư Phật, chư thần, các vị tiền nhân... cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời tổ chức lễ hội mừng xuân để chuẩn bị bước vào một năm làm ăn mới. Do vậy, Tết Nguyên tiêu luôn có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An. Năm nay, sự kiện sẽ được tổ chức trang nghiêm, thành kính nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng kỷ niệm 2 năm Tết Nguyên tiêu ở Hội An, Quảng Nam được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên chúng tối sẽ tổ chức các hoạt động trang nghiêm, văn minh và thành công nhất” – ông Quý nói.

KHÁNH LINH (locvanhoa@gmail.com)