Văn hóa

Làng nghề xứ Quảng và những ưu tư thời cuộc

QUỐC TUẤN (quoctuanqna93@gmail.com) 13/02/2025 08:44

Đằng sau không khí chộn rộn hội làng mùa xuân, còn đó ưu tư nơi những người thợ bởi sự chật vật của làng nghề trước xu thế thời cuộc.

20250208_162426.jpg
Khách quốc tế nghe giới thiệu về các mặt hàng lưu niệm được trưng bày tại Nhà đón tiếp và trưng bày sản phẩm mộc truyền thống Kim Bồng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Nguy cơ mai một

Ra tết, nhiều làng nghề, nhất là ở khu vực phía bắc của tỉnh chộn rộn mở hội truyền thống. Trong hai ngày tổ chức hội làng (11 và 12 tháng Giêng), làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) đón hàng nghìn lượt du khách trẩy hội, mua sắm tại phiên chợ quê. Dù vậy, dãy cơ sở sản xuất mộc nằm phía sau Nhà đón tiếp và trưng bày sản phẩm mộc truyền thống Kim Bồng thì vẫn khá vắng vẻ.

Ông Phạm Xuân Nguyên - chủ một cơ sở sản xuất tại đây cho biết: “Rất ít du khách ghé lại cơ sở, nếu có thì chủ yếu ngắm nghía tham quan chứ không mua hàng. Các sản phẩm điêu khắc của cơ sở, trong đó có cả sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cũng chỉ bán lai rai, cầm chừng. Công việc chính của tôi và một số anh em thợ là làm mộc dân dụng thì mới duy trì sinh kế được”.

20230421_151224.jpg
Thị trường tiêu thụ của chiếu truyền thống sụt giảm bởi xu hướng của người tiêu dùng có sự thay đổi. Ảnh: QUỐC TUẤN

Còn tại Điện Bàn, lễ cúng giỗ tổ làng đúc đồng Phước Kiều (12 tháng Giêng), chỉ có sự tham dự của các bô lão và một số thợ còn lại của làng Phước Kiều (phường Điện Phương). Hiện chỉ còn chưa đến 10 hộ trong làng còn làm nghề.

Ông Dương Ngọc Tiển - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đồng Phước Kiều cho hay, trước đây theo phong tục thì khi tổ chức cúng giỗ tổ làng đúc đồng Phước Kiều thì cả làng phải đến dự nhưng dần dần vãn dần, lớp trẻ không kế thừa được. Hy vọng năm tới sau phần lễ sẽ tổ chức được phần hội để gắn kết các thế hệ của làng, duy trì một sự kiện văn hóa đặc sắc của quê hương.

Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên. Trong đó, một số làng nghề khả năng mai một rất lớn, tập trung ở những làng nghề như mây tre đan, nón lá, dệt chiếu, dệt vải, dệt thổ cẩm... Còn theo Sở KH-CN, hơn 50% nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ra đời dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

Hiện nay, nhiều nghề thủ công gặp khó khăn về nguyên liệu (dệt chiếu, dệt lụa, gốm, chổi đót...). Do đó, cần rà soát, thống kê lại các nguồn nguyên liệu hiện có, mức độ đáp ứng nhu cầu của các làng nghề để có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc duy trì, khôi phục các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cần có sự phối hợp với một số tỉnh thành khác để chia sẻ, cung ứng, giải quyết sự khan hiếm về nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Chấp nhận và thích ứng

Do đặc thù của làng nghề là nhiều cơ sở ngành nghề nông thôn đều làm một nghề giống nhau, sản xuất ra sản phẩm tương tự nhau, mẫu mã đơn điệu, giá bán sản phẩm còn cao…

Các làng nghề phải liên tục cải tiến mẫu mã, phù hợp với thị hiếu thị trường để tồn tại. Trong ảnh: Du khách tìm hiểu hàng lưu niệm từ nghề đan lát Cẩm Kim. Ảnh: QUỐC TUÁN
Các làng nghề phải liên tục cải tiến mẫu mã, phù hợp với thị hiếu thị trường để tồn tại. Trong ảnh: Du khách tìm hiểu hàng lưu niệm từ nghề đan lát Cẩm Kim. Ảnh: QUỐC TUÁN

Bên cạnh đó, thói quen của phần lớn người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển sang dùng những sản phẩm tiện lợi hơn, như nệm thay cho chiếu; rỗ, rá bằng nhựa thay cho rỗ, rá làm từ mây tre đan; mũ vải thay cho nón lá..., dẫn đến sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm.

Theo các chuyên gia, làng nghề muốn phát triển và vươn xa cần tự tái cơ cấu bền vững theo trình tự: Tái cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống hiện có của làng nghề nhưng phù hợp với thị hiếu khách hàng. Cùng với đó là sáng tạo ra các sản phẩm mới và phải khai thác tối đa dư địa không gian thương mại điện tử.

Năm ngoái, dự án “Hội An - Làng nghề lên số” đã được nhận giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 ở hạng mục “Công nghệ số và đổi mới sáng tạo có tầm ảnh hưởng”, mở ra nhiều triển vọng về duy trì sức sống làng nghề dựa vào môi trường số. Tuy nhiên, làng nghề tại Hội An có những lợi thế đặc trưng để tồn tại mà ở hầu hết khu vực khác trên địa bàn tỉnh rất khó so sánh là dựa vào du lịch.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đối với những nghề, làng nghề đang bị mai một và có khả năng mất đi thì cơ quan chức năng xác định bảo tồn là chính. Từ đó tiến hành điều tra, xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động “trình diễn” nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa.

Còn với những nghề, làng nghề có khó khăn thì hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và các cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng. Sau đó, từng bước sẽ phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

QUỐC TUẤN (quoctuanqna93@gmail.com)