Trồng nghệ trên đồng Băng Lấc
Nắng lên, hơn 40 hộ dân người Xơ Đăng tại thôn 3, xã Trà Cang (Nam Trà My) ra đồng làm đất, quyết tâm biến cánh đồng Băng Lấc trở thành vùng trồng nghệ lớn nhất huyện.

Băng Lấc vốn là cánh đồng phì nhiêu, rộng lớn bên bờ sông Tranh. Với diện tích gần 30ha, tương đối bằng phẳng, Băng Lấc khác hẳn đặc thù địa hình vốn gồ ghề, độ dốc cao ở Nam Trà My.
Từ nhiều năm trước, huyện Nam Trà My đã cân nhắc quy hoạch cánh đồng Băng Lấc thành vùng trồng dược liệu chuyên canh quy mô lớn, phục vụ nhu cầu sản xuất của Cụm công nghiệp Trà Mai - Trà Don, đồng thời phát triển thành điểm du lịch trải nghiệm cho du khách.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tính toán, địa phương vẫn chưa tìm được giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Do đó, cánh đồng này được người dân tận dụng trồng lúa, sắn, bắp và một số hoa màu, nhiều phần đất bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Năm 2024, xã Trà Cang đã trình phương án trồng cây nghệ vàng và được UBND huyện Nam Trà My chấp thuận. Địa phương kỳ vọng sẽ hồi sinh cánh đồng Băng Lấc theo đúng tiềm năng mà nơi đây đang sở hữu, đồng thời góp phần đa dạng hóa sinh kế, tạo công ăn việc làm cho nhân dân.

Theo phương án này, sẽ hỗ trợ cho 2 nhóm với 44 hộ dân tại thôn 3 trồng nghệ vàng trên diện tích hơn 9ha tại cánh đồng Băng Lấc. Tổng kinh phí thực hiện hơn 737 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 632 triệu đồng, còn lại các hộ tham gia đối ứng.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, địa phương đã tính toán rất kỹ loại cây trồng, cách thức trồng, tìm hiểu nhu cầu người dân và nghiên cứu đầu ra cho sản phẩm. Qua làm việc với từng hộ, người dân đồng thuận rất cao.

“Đây là mô hình trồng cây dược liệu lần đầu triển khai, hướng đến mô hình mẫu của xã trên cánh đồng Băng Lấc. Mặc dù người dân chưa có kinh nghiệm thực hiện nhưng chúng tôi sẽ tập huấn, hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Đồng thời, chúng tôi đã kiến nghị ngành nông nghiệp nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng các biện pháp canh tác mới, hỗ trợ thêm kinh phí tập huấn, mua phân bón, theo dõi, đánh giá thường xuyên về quá trình tăng trường, kết hợp tận dụng điều kiện tự nhiên để tăng năng suất cây nghệ vàng” - ông Lạc nói.
Hiện nay, người dân thôn 3 đã hoàn thành việc lên luống, hơn 2 tấn nghệ giống cũng đã được vận chuyển đến để triển khai trồng theo kế hoạch. Với số diện tích còn lại của cánh đồng Băng Lấc, lãnh đạo xã Trà Cang cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thêm các loại cây trồng, dược liệu phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây.