Văn hóa

Nhanh chóng triển khai dự án trùng tu nhóm tháp E, F Mỹ Sơn

VĨNH LỘC (locvanhoa@gmail.com) 21/02/2025 16:40

(QNO) - Sáng nay 21/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Ấn Độ đang thực hiện dự án Bảo tồn nhóm tháp E, F khu di tích Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên).

dsc_1853.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình khảo sát tháp F1 Mỹ Sơn sáng 21/2/2025. Ảnh: VĨNH LỘC

Nhiều công trình xuống cấp, hư hại nặng

Theo báo cáo của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, khu E, F bao gồm 2 nhóm tháp E và F nằm gần nhau. Trong đó, nhóm tháp E có 8 công trình kiến trúc (E1, E2, E3, E4, E5, E6, E7, E8). Ngoài tháp E7 đã được trùng tu giai đoạn 2011 - 2013, hầu hết công trình thuộc nhóm tháp E đều xuống cấp hư hại nặng.

Cụ thể, tháp chính E1 (niên đại thế kỷ thứ VIII), hiện trạng bên trong còn 4 khối chân đá tảng, độ liên kết gạch không cao, gần như xếp chồng lên nhau không có vết mạch vữa. Di tích hư hại khá nhiều, nơi cao nhất đoạn tường góc Tây Nam còn 2,5m; bề mặt trên và bên ngoài đã hư vỡ… Công trình này chưa có dấu vết trùng tu, gia cố.

Tháp cổng E2, tình trạng hư hỏng nặng nề (phần còn lại cao 2,2m), thành phần kiến trúc hiện bị nứt rạn nhiều đường ngang dọc, độ liên kết mạch vữa rất yếu, nhiều viên gạch rời rạc dễ rơi ra khỏi khối kiến trúc. Riêng hai trụ đá cửa Tây, hai trụ đá cửa Đông tách rời khỏi kiến trúc nằm ở hai phía (tháp đã khai quật nền xung quanh, chưa có dấu vết trùng tu, gia cố).

dsc_1902.jpg
Quang cảnh buổi làm việc về triển khai dự án bảo tồn nhóm tháp E, F Mỹ Sơn vào sáng 21/2/2025. Ảnh: VĨNH LỘC

Tháp E3 bị sập đổ chỉ còn một mảng tường cao hơn ở phía Bắc (cao 4m), tường khá mỏng bị hư hại nhiều, bề mặt tường gạch không còn liên kết, có nhiều khe nứt một vài chỗ có nguy cơ xô lệch khỏi khối kiến trúc bất cứ lúc nào.

Tháp E4 hiện trạng là phần gạch đổ vùi lấp thoai thoải như một ngọn đồi nhỏ chỉ nhìn thấy một phần mảng tường phía Bắc (cao khoảng 10m). Di tích chưa được khai quật cũng như trùng tu.

Tháp E5 gần như là phế tích, tường sập đổ chỉ còn cao 1,2m, nhiều khe nứt, gạch mủn nát, vài chỗ có nguy cơ tách rời khỏi khối kiến trúc hiện tại. Di tích chưa có dấu vết trùng tu.

Tháp E6 chỉ còn một góc tường Đông - Bắc cao 4m, tường Nam, tường Tây còn hơn 1m, tường mỏng phần lỏi tường bị sụt lún thấp hơn hai vỏ bề mặt tường. Có dấu vết gia cố khe nứt ở góc tường phía Nam.

Tháp E8 đã sập đổ gần hết chỉ còn mảng tường phía Bắc cao 2,8m, dài 4m, nhưng cũng xuất hiện nhiều khe nứt sâu, nguy cơ đổ ngã cao. Di tích chưa có dấu vết trùng tu, gia cố.

dsc_2118.jpg
Ngoài tháp E7 được trùng tu giai đoạn 2011 - 2013, hầu hết công trình thuộc nhóm tháp E Mỹ Sơn bị sụp đổ, hư hại nặng. Trong ảnh là tháp E7 Mỹ Sơn. Ảnh: VĨNH LỘC

Nhóm tháp F gồm 3 công trình F1, F2 và F3. Ngoài tháp F3 đã sụp đổ, biến mất hoàn toàn do bom đạn thời chiến tranh hiện chỉ được biết vị trí qua sơ đồ thì 2 công trình F1 và F2 còn lại cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Tháp cổng F2 sập đổ chỉ còn mảng tường cao 3,2m đang ở trạng thái nghiêng về Nam khoảng 3 độ, xuất hiện nhiều khe nứt sâu. Mảng tường phía Bắc còn cao vài mét, cả hai mảng tường đang được chống bằng những thanh sắt.

Đáng lo ngại nhất là tháp F1, di tích này được khai quật năm 2003, chưa có dấu vết trùng tu và đang được bao che bề mặt. Tường nhiều rạn nứt, gạch nhạt màu có dấu hiệu hoàn thổ; các mảng tường có nguy cơ cao đổ sập đã được chống đỡ bằng các thanh sắt; một số gờ góc chi tiết nhỏ có nguy cơ bóc tách khỏi khối lớn…

Nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý

Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, thời gian triển khai dự án sẽ kéo dài từ năm 2025 - 2029. Quá trình trùng tu chủ yếu được thực hiện theo phương pháp gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc một cách vững chắc, đảm bảo tính chân xác cao nhất.

dsc_2136.jpg
Tháp F1 Mỹ Sơn đối diện nguy cơ sụp đổ nếu không trùng tu. Ảnh: VĨNH LỘC

Tại buổi làm việc, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm đôn đốc các cấp, ngành triển khai thủ tục pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành dự án đúng thời gian, kế hoạch đề ra.

Đề xuất được sử dụng nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn để đối ứng chi trả lương cán bộ, công nhân Việt Nam tham gia dự án nhằm thực hiện nghĩa vụ đối với đơn vị thụ hưởng thành quả dự án.

Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng đề xuất các cấp, ngành hướng dẫn và tạo cơ chế nâng cao mức chi trả lương cho công nhân bởi mức giá theo quy định hiện hành quá thấp (khoảng 210 nghìn đồng/ngày).

Tạo điều kiện cho phép ông Nguyễn Quá (chuyên sản xuất gạch Chăm trong trùng tu di tích nhiều năm qua) được thuê mặt bằng tại thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú để thực hiện công đoạn nung gạch phục vụ dự án cho đến khi kết thúc dự án.

Theo đại diện Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ, tỉnh Quảng Nam cần quan tâm xem xét việc xây dựng Bảo tàng trưng bày các hiện vật khai quật thuộc dự án hợp tác với Ấn Độ tại khu di tích Mỹ Sơn để bảo quản, trưng bày sau trùng tu; qua đó thu hút khách tham quan, đồng thời cũng ghi nhận những đóng góp từ dự án và các chuyên gia Ấn Độ.

Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ - Shri Azmira Bhima kỳ vọng, việc triển khai bảo tồn, trùng tu khu tháp E, F sẽ góp phần khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp; phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc khu đền tháp Mỹ Sơn; đặc biệt góp phần nâng cao năng lực về quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng và hình thành lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cơ bản đồng ý các đề xuất; đồng thời chỉ đạo huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý đúng quy định để dự án sớm triển khai trong quý I/2025 nhằm hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra.

VĨNH LỘC (locvanhoa@gmail.com)