Góc suy ngẫm

"Trong như tiếng hạc bay qua…"

NGUYỄN ĐIỆN NAM (huudong.lenga@gmail.com) 23/02/2025 08:13

Năm 1999, UNESCO đã lấy ngày 21/2 hàng năm làm “Ngày tiếng mẹ đẻ quốc tế” (International Mother Language Day). Mục đích là dấy lên trào lưu tôn vinh tiếng mẹ đẻ, nhắc nhở nhận thức và trách nhiệm về bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ trong sự tồn tại đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trên thế giới. Ở Quảng Nam tuần qua có sự kiện ý nghĩa hưởng ứng ngày này là cuộc tọa đàm về “Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt”.

Khởi đi từ Truyện Kiều để đàm đạo về văn hóa, gợi mở các nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản tiếng Việt, với cách đặt vấn đề từ câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”, cho thấy những người tổ chức muốn khẳng định vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Đó cũng là bảo tồn bản sắc dân tộc, bản diện văn hóa Việt được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm văn chương mà điển hình tiêu biểu là Truyện Kiều.

Dùng Truyện Kiều để bàn về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, sẽ dễ truyền tải cảm hứng với độ sâu và rộng trong giới nghiên cứu học thuật, vừa phổ biến trong văn hóa bình dân, bởi hàng trăm năm qua tác phẩm này đã thành hồn dân tộc, được bình phẩm, ngâm nga, dịch ra nhiều thứ tiếng, đồng thời phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa như vịnh Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, vẽ Kiều…

Cũng không dưng mà từ đầu thế kỷ 20 đã hình thành nhóm những nhà Kiều học, chuyên biên khảo, nghiên cứu Truyện Kiều; nay thì hội Kiều học quy tụ cả những người yêu thích Truyện Kiều hiện diện nhiều nơi; các nhóm Tình tự dân tộc (có sự tham gia của các nhà nghiên cứu độc lập trong nước) hoặc nhóm Tôi yêu tiếng nước tôi (mở rộng sự tham gia của nhiều học giả nước ngoài)… đã góp công xiển dương các giá trị ngôn ngữ, trong đó có di sản Truyện Kiều và văn chương nước Việt ra khắp xứ.

Một “Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều” cũng được lập ra và tổ chức hỗ trợ nhiều hoạt động tôn vinh đại thi hào dân tộc như sưu tập, biên soạn, xuất bản các công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Ở Quảng Nam, việc Công ty TNHH Anbooks và CSO Gallery phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm tại Hội An vừa qua cũng là hoạt động hết sức ý nghĩa; đặc biệt dịp này nhiều người được thưởng lãm bộ sưu tập Truyện Kiều “độc nhất vô nhị” đạt kỷ lục Việt Nam gồm hơn 10 bộ sưu tập với 1.630 ấn phẩm và hơn 600 ấn phẩm đăng tải trên báo chí, tạp chí, tranh ảnh…

Sức mạnh của văn chương là “lụy phần dư” nên dù “đốt vẫn còn vương” sau bao tai ương ly loạn mà cụ Tố Như đã tiên đoán. Thật đáng để năm 2025, tròn 260 năm ngày sinh, 205 năm ngày mất của thi hào Nguyễn Du (1765-1820), cần tổ chức nhiều hoạt động để xiển dương di sản văn chương của ông, réo rắt gọi hậu thế tìm về nghiền ngẫm suy tư cái đẹp trong văn hóa và tiếng mẹ đẻ.

Và từ Truyện Kiều, một “từ điển ngôn ngữ” căn bản, cần cổ xúy sự trong sáng và phong phú của tiếng Việt, làm cho người Việt dù đi khắp năm châu vẫn khôn nguôi cảm thức về hồn cốt dân tộc. Bởi từ thuở nằm nôi, mẹ ta đã ru những câu Kiều, để sau bao nhiêu dông gió cuộc đời vẫn lắng lại “tiếng nước tôi” trong những ai phiêu bạt khắp phương trời: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi! Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi, tiếng ru muôn đời…” (Tình ca - Phạm Duy).

Qua bao nhiêu nổi nênh đời sống, tiếng Việt giờ đây đã có những biến động vì ảnh hưởng dòng chảy xô bồ trộn trạo ngoại ngữ cùng kiểu viết điện tín, bẻ chữ, chế chữ, làm đứt gãy sự trong sáng như tiếng đàn đứt nhịp. Vậy nên hãy tìm lại Truyện Kiều để hiểu chỉ một tiếng đàn đã được Nguyễn Du diễn tả thật vi diệu: “Trong như tiếng hạc bay qua/đục như nước suối mới sa nửa vời/tiếng khoan như gió thoảng ngoài/tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

Từ tiếng hạc bay qua mà nghĩ xa về giá trị tiếng mẹ đẻ, sẽ còn ngân vang mãi với đời người…

NGUYỄN ĐIỆN NAM (huudong.lenga@gmail.com)