Theo bước chân người Quảng

Chuyến thăm Quảng Nam của vua Minh Mạng qua các mộc bản

THƠM QUANG 23/02/2025 08:18

Năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng thực hiện chuyến thăm Quảng Nam.

Đứng trên cầu Vĩnh Điện, nhìn lên phía tây, hai bên bờ là hàng tre xanh ôm lấy lòng sông vun lên ngọn núi Chúa. Ảnh: L.VŨ
Sông Vĩnh Điện - con sông mà khi trở lại kinh đô, vua Minh Mạng lập tức xuống dụ cho khơi đào lại dòng sông. Ảnh: LÊ VŨ

Trong chiều dài của lịch sử dân tộc, Quảng Nam là nơi trọng yếu của đất nước, giao điểm hội tụ của bốn phương. Đây là vị trí trung tâm dễ bề chế ngự trong ngoài, điều hành Nam - Bắc. Thời bình thì nhân kiệt địa linh, thời chiến lại tiện về công - thủ. Với vị thế chiến lược quan trọng, các vua chúa triều Nguyễn đã rất quan tâm đến vùng đất này và thường xuyên ngự giá đến thăm.

Không được phiền đến dân

Để chuẩn bị chuyến thăm Quảng Nam, trước đó, vào tháng 3 âm lịch, vua Minh Mạng sai Hiệp trấn Quảng Nam là Ngô Phúc Hợi về trước tiến hành một số việc. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 32, mặt khắc 6 ghi rằng: “Vừa Hiệp trấn Quảng Nam là Ngô Phúc Hợi vào yết kiến. Vua sai về trước, bảo rằng xây dựng hành cung, sửa chữa đường sá, phàm vật liệu đều lấy tiền kho mà chi, không được phiền phí đến dân”.

Vua cũng mệnh sai bộ Hộ truyền dụ cho địa phương Thừa Thiên và Quảng Nam được biết: “Phàm đường xa giá đi qua, tất cả thứ cung ứng như thuê phu, thuê thuyền, rơm cỏ cho voi ngựa, đều phải trả giá hậu, chớ bắt ở dân”.

Vua cũng quy định: “Quan binh theo hầu, những nơi đi qua không được giày xéo ruộng lúa, không được làm càn quấy nhiễu. Một dải Hội An ở Quảng Nam tuy không được giàu có bằng trước, nhưng vẫn là nơi người ở đông đúc, hàng hóa tụ tập, nếu có người tham lận, yêu sách mua rẻ, làm cho chợ phố sợ hãi, thì cho dinh thần lập tức tra xét xử tội, người buôn bán cùng lý trưởng cũng được báo bắt, đúng thực thì được thưởng bạc lạng”. Lại truyền dụ cho các nhà phố cùng chợ búa hương thôn cứ làm ăn như thường, chớ có bày biện gì cả”.

Lộ trình thăm Quảng Nam

Đến ngày Ất Mùi, tháng 5 âm lịch, 9 phát ống lệnh bắn lên nghe giòn giã, báo hiệu vua Minh Mạng cùng đoàn tùy tùng xuất phát lên đường thăm Quảng Nam.

Lộ trình chuyến thăm Quảng Nam được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 33, mặt khắc 9, 10 ghi lại khá chi tiết và cụ thể rằng: “Ngày Bính Thân, vua xa giá đến bến Thừa Phúc. Lúc này, có một bà cụ 85 tuổi đón đường lạy mừng, vua thưởng cho 5 lạng bạc. Ngày Đinh Dậu, xa giá qua núi Hải Vân, ban thưởng cho dân sống trên núi mỗi nhà 1 lạng bạc. Đến trạm Nam Chân có lão nhà quê dâng cái chén pha lê chịu nóng, thưởng cho 10 lạng bạc”.

Sau đó, vua cùng đoàn tùy tùng tiếp tục theo đường thủy tiến đến cửa biển Đà Nẵng. Ngày Canh Tý, vua Minh Mạng xa giá đến thành dinh Quảng Nam, có hơn 500 người kỳ lão đến lạy mừng. Thưởng cho 2.000 quan tiền. Có 2 người hơn 100 tuổi, thưởng thêm cho mỗi người 10 lạng bạc và một bộ áo...

Ngày Nhâm Dần, xa giá đến phố Hội An. Tha 5 phần 10 bạc thuế cho dân Minh Hương. Qua đền Quan công cho 300 lạng bạc; qua đền Thiên phi, cho 100 lạng bạc; qua xã Hải Châu Chính, cho chùa mới làm của dân ấy đổi tên làm chùa Phúc Hải, sắc cho dinh thần làm biển ngạch cấp cho”.

Tuy nhiên, đang trong những ngày thăm địa phương Quảng Nam, vua Minh Mạng hay tin Hoàng Thái hậu ở kinh đô bị bệnh nên đã sai đi gấp đường trở về.

Vua bèn thân bảo bầy tôi rằng: “Trẫm nghĩ đất Quảng Nam là nơi gần kinh kỳ, đường sông biển dài, đêm ngày canh cánh bên lòng, nên khiến xa giá Nam tuần, vốn định sau khi xem xét địa phương ấy rồi thì theo đường biển đi đến địa đầu Quảng Ngãi, xem khắp núi sông, thăm xét phong tục. Nhân nghĩ điển tuần thú vốn không có thể hẹn ở chỗ an nhàn, mà cái lỗi chơi vui liên miên cũng chẳng nên say mê ở sự thưởng ngoạn mà để tiếng chê”.

Giải quyết việc địa phương

Trong chuyến thăm Quảng Nam, vua Minh Mạng xét thấy quy mô của dòng sông Vĩnh Điện còn nông và hẹp, chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn của địa phương.

Sau khi trở lại Kinh đô, vua Minh Mạng lập tức xuống dụ cho khơi đào lại dòng sông Vĩnh Điện. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 33, mặt khắc 13, 14 còn ghi: “Trước vua đi tuần Quảng Nam, trải qua sông ấy, thấy đường sông nông hẹp, bảo bầy tôi rằng: “Trước kia đào khai sông ấy, hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dòng nước rộng 3 trượng 4 thước, nay mới hơn một năm mà đã sạt lở, chỗ rộng chẳng quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước; lại hai bờ cao quá, đứng dựng như vách thì thế nước chảy mau sạt lở càng nhiều, của nhà nước và công của dân, cả hai đều uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cương nói sao cho xiết. Bọn Giám tu và Chuyên biện đều giao xuống hai bộ Lại, Binh bàn xử”.

Bèn phát 8.000 người dân Quảng Nam, chia làm hai ban, sai Phó đô thống chế Trương Văn Minh trông coi công việc, tùy thế mở rộng, lấy mặt nước rộng 6 trượng làm chừng. Những người làm việc hằng tháng cấp cho tiền gạo; mỗi ngày hạn giờ làm giờ nghỉ, cho đồ ăn, cấp thuốc thang, đều theo lệ sông Vĩnh Định”.

Tháng 6 năm đó (1825), vua Minh Mạng cho sửa lại hành cung và chùa miếu ở núi Tam Thai, dinh Quảng Nam. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 33 ghi chép: “Một sở hành cung “Động thiên phúc địa”, một chùa Tam Thai, một chùa Trang Nghiêm, một miếu Thiên Y A Na Diễn, một chùa ứng Chân, một miếu Thượng Thành, một chùa Từ Tâm và các sở cửa Vấn Căn Nguyệt Quật, cửa Tam quan, cửa Linh quan, sơn phòng và nghi môn). Núi Tam Thai có nhiều cổ tích danh thắng, từ sau binh lửa đổ nát cả. Vua thấy thiên hạ thanh bình nên sửa sang lại, sai Thiêm sự Công bộ là Nguyễn Công Liêu và quản lý Nội tạo là Vương Hưng Văn trông nom công việc. Chi tiền kho 5.500 quan, thóc 500 hộc. Hoàng thái hậu cũng thưởng 300 lạng bạc. Hơn một năm làm xong. Sai hữu ty chế biển ngạch tượng đồng, tượng vẽ, phật bài, chuông trống, đồ thờ và các kinh Địa tạng, Thủy tạng, Đại thặng ban cho. Rồi lấy 30 người dân hai xã Hóa Khuê Đông và Quán Khái sung làm Thủ hộ, sai dịch đều miễn”.

Có thể nói, chuyến thăm Quảng Nam của vua Minh Mạng tuy diễn ra ngắn ngày nhưng đã giúp vua hiểu hơn về cảnh vật, cuộc sống, dân tình xứ Quảng. Nhà vua cũng tự bộc bạch rằng: “Lần này, tuy không trải xem mấy, nhưng những nẻo sông bờ biển, đường nước thành dinh, đều đã rõ hết lợi tệ, cho đến ban ơn thi huệ, già trẻ đều khắp, thì những việc cốt yếu của chuyến đi này cũng đã không sót”.

THƠM QUANG