Như gió thoáng qua
1. Chiều muộn, My nhận được cuộc gọi từ số lạ. Lúc đó, vị khách sau cùng ở cửa hàng còn nấn ná giữa hai chọn lựa, một chậu hoa đã nở đẹp nhưng nụ ít quá, chậu còn lại nụ nhiều nhưng chưa nở nên chẳng thể nổi bật ngay khoảnh khắc chạm mắt vào. Việc đưa ra quyết định sau cùng đôi khi chẳng dễ dàng gì, My hiểu.

Qua điện thoại, giọng người đàn ông bình thản, chậm rãi, dù đang báo một tin gây hoang mang với My: “Máu của chị trong đợt hiến máu vừa rồi bị đông nên chưa truyền được cho bệnh nhân, chị sắp xếp thời gian đến trung tâm để bác sĩ kiểm tra lại nhé!”. Rất nhiều câu hỏi bật ra trong đầu My, nhưng đầu dây bên kia đã ngắt cuộc gọi sau khi cho My thêm thông tin về thời gian, địa chỉ đến để họ kiểm tra lại.
Buổi tối, My định nói với chồng trong bữa ăn, nhưng nhớ có lần Khánh nói với My: “Đừng nói chuyện đau ốm, bệnh tật trong bữa ăn, làm mất ngon”. Cả trước khi đi ngủ, có lần Khánh cũng nhắc My một bài dài, có đủ mở bài, dẫn chứng, kết luận khoa học, rằng: “Trước khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, ta ở trạng thái gọi là thê ta. Thê ta là trạng thái giữa ranh giới của tiềm thức và nhận thức, mà em có hiểu rõ về tiềm thức với nhận thức không đã, hoặc em cứ biết vậy, lúc khác anh giải thích. Đấy, ở giữa hai trạng thái ấy, ý nghĩ của mình dễ đi vào tiềm thức - là thứ sức mạnh nội tâm từ bên trong sẽ biến những ý nghĩ thành hiện thực nên ở thời khắc ấy, ta chỉ đón nhận những điều tích cực thì mọi thứ mới tốt đẹp được”.
Ở đoạn này thì My có nghe, về việc cài đặt bộ não, đó là đưa những ý nghĩ tích cực của mình vào giấc ngủ, rồi bằng cách nào đó sức mạnh tiềm thức biến nó thành hiện thực. Đương nhiên, những kiến thức này dù là khoa học thì vẫn cần một niềm tin bất chấp để tin vào.
Những buổi sáng luôn là khoảng thời gian bận rộn với hai vợ chồng, cộng với thời gian trong bữa ăn và thời gian trước khi ngủ, cả ba thời điểm đó, My không nên chia sẻ những chuyện ốm đau, phiền muộn, hay những chuyện gây bất an với Khánh. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, Khánh đến cơ quan, My ra cửa hàng nhỏ của mình. Ở đó, không gian xanh tươi từ những chậu cây luôn mang lại nguồn năng lượng an lành cho My.
Vậy mà, chỉ một cuộc điện thoại, My thấy tâm trí mình phập phồng nỗi lo âu. Hóa ra, cảm giác bình yên của My chỉ là tạm thời. Nếu không, My sẽ không xáo trộn tâm trí như đêm nay. My cần một sự trấn an, sẻ chia, hay chỉ là trò chuyện qua lại… Bất kể là gì, để bớt trống trải trong khoảng thời gian giấc ngủ chẳng chịu tìm về.
“Em thử chát với AI đi?” - có lần Khánh nói với My như vậy. “Bây giờ AI đã đi vào đời sống, thậm chí còn là bạn của nhiều người. Tìm hiểu, em sẽ thấy hay lắm”. “Nhưng nó vẫn chỉ là thứ máy móc không có hồn”. Lập luận của My bị bỏ ngỏ, vì Khánh chẳng muốn tranh luận với My.
My cứ nghĩ chẳng khi nào mình cần sự trợ giúp của AI, nhưng hôm nay, giữa màn đêm tĩnh mịch, My chạm vào lệnh chat đầu tiên. Vì cũng chẳng có sự chuẩn bị gì, My chỉ viết bâng quơ: “Tôi buồn quá!”. Dòng tin nhắn trả lời lại rất nhanh: “Cảm giác buồn bã là một phần tự nhiên của cuộc sống mà ai cũng trải qua. Tôi chỉ muốn nhắc nhở thêm với bạn rằng, chung quanh bạn có rất nhiều người yêu thương bạn, sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ bạn, bạn không chỉ một mình…”.
My khẽ mỉm cười. Giấc ngủ tìm đến My sau khi bộ não lướt qua những gương mặt thân thương, của bố mẹ đã qua đời, của cô con gái đã tròn giấc từ phòng bên cạnh, của những người bạn luôn ở kề cận My khi cần, của khách hàng thân thiết và có cả Thành.
2. Lúc đã ngồi yên vị ở hàng ghế chờ gọi tên, My nhận được tin nhắn của Thành: “Em đi khám, có gì báo anh biết với nha!”. My nghĩ xem, có gì là gì? Vị bác sĩ sẽ trầm ngâm nhìn vào hồ sơ của My, bộ não của anh ta sẽ liên kết những chỉ số, thông tin, để làm thành kết quả chính xác nhất. Chẳng hạn như kết quả đó có kèm theo tiếng thở dài rất khẽ, hay cái lắc đầu mà người tinh ý sẽ nhận ra, My sẽ phải đối diện ra sao? Cô báo với ai trước? Chồng, hay những người bạn, hay Thành. Nếu My báo với chồng mình, thì còn phải xem có phù hợp thời điểm không. Chỉ với Thành, nếu My muốn báo, có thể báo bất kỳ khi nào.
Thành từng nói với My: “Em may mắn vì luôn có thêm quyền trợ giúp, là anh!”. My quen Thành từ một trò chơi ở công ty hồi còn đi làm, mà người trợ giúp ngẫu nhiên chính là Thành. Từ đó, cả hai trở thành bạn. Thành nói: “Nếu anh gặp em trước khi lấy chồng thì đã không chỉ là bạn, nhỉ?”. Cách nói chuyện của Thành vừa tự tin, vừa có tính quyết liệt, con gái sẽ thích nhiều, My nghĩ vậy. Nhưng Thành vẫn một mình từ ngày quen My.
Những tin nhắn My gửi đi luôn được trả lời lại rất nhanh. Người ta nói, có những mối quan hệ cần giữ giới hạn, bởi chỉ đi qua vạch giới hạn, lập tức sẽ khác đi. “Khác đi” ở đây là theo hướng xấu hơn. My nhớ như in điều đó, để luôn giữ mối quan hệ với Thành ở mức cho phép.
Tên của My hiện lên trên bảng điện. My vào phòng một bác sĩ nữ, ở bàn làm việc còn có cả chậu sống đời nở hoa màu hồng rất đẹp. Trên khuôn mặt không trang điểm, nhưng My vẫn thấy nụ cười của nữ bác sĩ rất hiền, tạo cảm giác dễ chịu cho người đối diện. “Hiện tượng máu đông của chị chưa thể xác định rõ nguyên do từ đâu, có thể từ một loại thuốc mà chị dùng trong thời gian gần đây, hoặc do nội tiết tố thay đổi… Tóm lại, với kết quả hiện tại thì nó chỉ là hội chứng thoáng qua. Nếu muốn có kết quả chắc chắn hơn, bệnh viện sẽ lấy máu chị lần nữa để xét nghiệm thêm”.
My rời khỏi bệnh viện sau khi đã hoàn tất thủ tục lấy máu xét nghiệm. Dọc đường về nhà, My nhớ lại lời bác sĩ: “Nếu máu vẫn tiếp tục đông thì sẽ tùy theo mức độ để điều trị, vì nếu để kéo dài tình huống sẽ xấu đi”. My thắc mắc nhưng không muốn hỏi tiếp về tình huống xấu nhất. Cô vẫn mạnh khỏe, chẳng có biểu hiện gì rõ ràng. Nhưng không ai nói trước được điều gì, My nghĩ đến cô con gái của mình, nếu như chẳng may… My nhìn mớ lá cây ven đường rụng thành thảm, tự hỏi những chiếc lá có chút suy tư gì khi rời cành, hay nó chỉ chấp nhận như lẽ tự nhiên?
Buổi tối, không phải bữa ăn, cũng chưa đến giờ đi ngủ, My ngồi ở bàn trà nơi khuôn viên ngoài sân, ngắm cây. My có gọi Khánh ra ngồi cùng, tiện sẽ nói chuyện đi khám bệnh với Khánh. My vẫn nghĩ, bất kể có chuyện gì thì Khánh cũng sẽ là người biết đầu tiên. Dù gì, sau này lỡ My có chuyện thì Khánh cũng là chỗ dựa duy nhất cho cô con gái.
Nhưng My chờ mãi mà Khánh chưa dứt cuộc nói chuyện qua điện thoại với ai đó. Khánh ngồi ở ban công tầng lầu, ở khoảng cách mà My chỉ nhìn thấy chứ không nghe thấy Khánh nói. Mỗi lần gọi điện, Khánh hay ngồi ở vị trí ấy.
Gần khuya, Khánh ra vườn vẫn thấy My ngồi đó đợi, anh áy náy nói: “Như gặp chút chuyện nên nói mãi không dứt được”. Như là cấp trên của Khánh, cô gái có thói quen trang điểm rất đậm, vẽ đuôi mắt bài bản mà có lần My nói: “Một người mẹ đơn thân tưởng phải bận rộn lắm chứ, sao có thời gian trang điểm trước khi đi làm nhỉ?”. Khánh nói: “Người ta phụ nữ nhưng làm việc lớn, phải giữ bộ mặt chứ đâu xuề xòa được”.
My dợm đứng dậy đi vào phòng vì đã quá khuya, cũng chẳng còn cảm hứng nói chuyện với Khánh, với lại, cận giờ đi ngủ, anh ấy cũng chẳng nghe những chuyện liên quan ốm đau. Linh tính của một người phụ nữ luôn rất nhạy, mà đàn ông dù giỏi che giấu mấy cũng khó qua được. Có điều, Khánh có người phụ nữ khác hay không, chẳng nằm trong sự bận tâm của My lúc này. My chỉ cần khỏe mạnh, bình an bên con là được.
“À, sao anh nói không tiếp nhận những chuyện phiền não trước giờ đi ngủ cơ mà?” - My quay sang hỏi Khánh. Khánh nhăn mặt: “Em lại vậy nữa, Như đang có chuyện, với lại cô ấy còn là sếp anh!”.
My thấy mình vừa hỏi câu hỏi không cần thiết. Đúng ra, My phải để đầu óc thật thông thoáng khi chìm vào giấc ngủ.
3. Bác sĩ nữ hôm trước đón My bằng nụ cười: “Yên tâm rồi, chỉ là hội chứng thoáng qua, nhé!”. My trở về ngay sau đó. Con đường từ bệnh viện về nhà hôm nay lá xanh reo trong gió, chẳng còn chiếc lá vàng nào. My nhìn lên nền trời trong xanh, nắng đẹp như vầy, có lẽ hàng cây mới vừa kịp thay lá. Câu nói như reo vui của nữ bác sĩ theo My về đến tận cửa hàng.
“Mẹ!” - cô con gái của My đứng chờ sẵn. My ngạc nhiên nhìn cô con gái đang ở độ tuổi cấp hai, nhưng đã cao bằng mình. Ánh mắt con trong veo, mà My vẫn nhận ra nơi đáy mắt có điều gì đó. “Khi nãy con về nhà, thấy cô Như nên con đi ra đây luôn!”. My tái mặt nhìn con. “Thấy cô Như” - ý nghĩ của My suy diễn đến những điều xa hơn. Chút bối rối khiến My lúng túng khi nhìn con, như thể chính mình là tội đồ.
My mở túi tìm chìa khóa để mở cửa phòng, xấp giấy tờ xét nghiệm rơi ra. Ở khoảnh khắc ấy, My thấy mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, “chỉ cần sức khỏe mình vẫn ổn, mọi thứ sẽ dễ dàng vượt qua” - My đã neo cảm xúc ấy từ khi nghe câu nói của bác sĩ. Là câu gì ấy nhỉ, những ngôn từ chuyên khoa chẳng chịu nằm trong bộ nhớ của My, cái gì đó thoáng qua, thôi thì chỉ cần hiểu nó như cơn gió thoáng qua, mà gió thì sẽ bay đi!
My lấy lại bình tĩnh: “Một sự việc nào đó dù đã hình thành, vẫn có thể chỉ là thoáng qua, rồi sẽ mất đi thôi con!”.
My thấy mặt con ngây ra, chẳng hiểu gì. Nhưng sự bình tâm trong My đã lan tỏa nguồn năng lượng bình an, khiến lòng cô bé nhẹ nhàng đi hẳn…