Nguy cơ thiếu thợ trùng tu di tích
Sự bền vững của các di sản kiến trúc Champa phải gắn liền với đội ngũ thợ trùng tu lành nghề. Qua các dự án, Khu đền tháp Mỹ Sơn là nơi hình thành đội ngũ thợ trùng tu di tích Champa đông nhất cả nước. Nhưng đến nay, Mỹ Sơn lại đứng trước nguy cơ thiếu thợ lành nghề.

Từ vùng “trắng” thợ trùng tu
Khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong bảo tồn di tích Mỹ Sơn từ năm 2003, thiếu hụt lớn nhất chính là nguồn nhân lực trùng tu. Chuyên gia có thể đến từ trong nước hay quốc tế nhưng công nhân thì phải là người địa phương. Tuy nhiên, thợ trùng tu ở địa phương lúc bấy giờ dường như bắt đầu từ con số 0.
Bắt đầu từ tiếp cận phương pháp mới, vật liệu và kỹ thuật mới tại các di tích gạch ở Mỹ Sơn, công nhân trùng tu không chỉ cần sự hướng dẫn mà còn phải tự học hỏi, mày mò những kỹ năng cần thiết.
Trong khoảng 20 năm, hơn 100 công nhân lành nghề được đào tạo, thực hành từ các dự án và họ trở thành một trong những nguồn nhân lực chính yếu góp phần vào thành công của dự án các nhóm G, A, H và K.

Ông Nguyễn Văn Năm (SN 1963, ở thôn Nhuận Sơn, xã Duy Phú) được xem là “thợ cả” trong công trình trùng tu cho biết: “Khi trùng tu mình phải tự mày mò, tìm hiểu thêm. Dùng dầu rái kết dính gạch hay vữa trộn từ bột gạch thì lần đầu tiên chúng tôi làm. Làm mới biết gạch cổ khác với gạch chừ, mỗi viên mỗi khác, đục sao không vỡ, mài sao cho bằng, canh sao cho vừa. Điêu khắc, tạo khối sao nhìn cho được con mắt. Hằng ngày vọc miết mới biết được. Vất vả nhưng khi trùng tu xong một tháp mình thấy vui và tự hào vì mình có đóng góp cho di sản của địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Bản, từ một thợ đá ở địa phương, đã vào nghề trùng tu hơn 10 năm. Hầu hết công việc trùng tu các thành phần kiến trúc hay cấu kiện đá đều có bàn tay của ông.
Ông cho rằng: “Thợ đá xưa có kỹ thuật rất cao, cho dù cấu kiện đơn giản hay phức tạp họ cũng làm rất kỹ lưỡng và chính xác. Kết hợp giữa gạch và đá rất tài tình, các mối nối giữa đá và gạch rất sít và chắc chắn. Họ biết rất rõ tính chất của vật liệu sa thạch. Đá nào làm đài thờ, đá nào làm cột trang trí, cùng một loại sa thạch nhưng đá làm tượng thờ thì chất lượng cao nhất. Kích thước, đo đạc của họ như có “khuôn vàng thước ngọc” nên rất chuẩn”.
Từ nhiều ngành nghề khác nhau, người dân địa phương tiếp cận một nghề hoàn toàn mới, phương pháp và kỹ thuật, vật liệu mới. Họ được gọi tên là đội ngũ thợ trùng tu di sản.
Đối diện tình trạng thiếu thợ
Cùng với các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia, thợ trùng tu tại địa phương đã giúp bảo tồn nhiều công trình tại Mỹ Sơn cũng như ở miền Trung mấy chục năm qua. Họ trở thành nguồn nhân lực không thể thiếu trong bảo tồn di sản Mỹ Sơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ Sơn lại đứng trước nguy cơ thiếu thợ lành nghề. Ông Nguyễn Văn Năm cho biết: “Công việc này nhìn vậy mà cũng vất vả lắm. Tôi thường được cho kèm và chỉ dẫn cho những người thợ mới vào nghề. Có những người chịu khó học, chấp nhận điều kiện làm việc và gắn bó. Nhưng cũng có nhiều anh trẻ làm thời gian ngắn rồi đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn”.
Ông Võ Văn Cò, ở thôn Mỹ Sơn, là một trong những “con cưng” của các chuyên gia Ý trong khảo cổ bởi kỹ năng đào thám sát, khai quật rất tốt. Nhưng vài năm nay, ông đã chuyển nghề sau khi kết thúc dự án trùng tu tháp G .

Cũng như vậy, ông Võ Văn Thiên - thợ giỏi với gần 20 năm tham gia khảo cổ và trùng tu nhưng cũng không trụ được với nghề. Ông Thiên cho biết: “Ngày công trả thấp quá mà làm trong điều kiện nắng nóng, ngồi ở hố khai quật hay leo lên tháp trùng tu mà giá còn thấp hơn phụ hồ bên ngoài. Công việc cũng không ổn định, không phải lúc nào cũng có, khai quật và trùng tu thì theo dự án. Năm có năm không, mỗi năm chỉ làm được 4-5 tháng”.
Đối với dự án lớn gần cả trăm công nhân cùng thực hiện thì mức chi trả cho công nhân trùng tu tương tự như công nhân xây dựng. Theo quyết định mới nhất của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam tại văn bản số 258/QĐ-SXD ngày 25/12/2023 về việc công bố đơn giá công nhân xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, áp dụng mức chi trả trên địa bàn huyện Duy Xuyên thuộc nhóm II đối với công nhân xây dựng bậc 2/7 là 210.304 đồng, bậc 3/7 là 247.731 đồng. So với giá cả lao động trên thị trường thì mức trả này khó giữ được công nhân trùng tu lành nghề.
Từ một vùng “trắng” thợ trùng tu, qua các dự án bảo tồn 20 năm qua, hàng trăm công nhân có nghề trùng tu. Nhưng hiện tại lại khó duy trì nghề.
Dự án có thể kết thúc nhưng hoạt động bảo tồn không thể dừng. Thiếu bàn tay những người thợ lành nghề, chuyên nghiệp thì thiếu nguồn lực quan trọng nhất trong bảo tồn, thiếu những người để trao truyền những kỹ năng, kỹ thuật và tri thức dân gian được tích lũy trong 20 năm qua. Do vậy, quan tâm đến đội ngũ thợ trùng tu lành nghề cũng là quan tâm đến sự bền vững của di sản...