Ẩm thực

Đậm đà tô mỳ Quảng gạo lúa can

TRIÊU NHAN - THÙY LIÊN 23/02/2025 08:45

Với người con Đại Phong (Đại Lộc) xa quê, hình ảnh bữa mỳ Quảng với sợi mỳ được tráng từ hạt gạo lúa can có màu tím than, chan nhưn đậm đà, thơm lừng, ăn kèm rau sống là ký ức khó phai...

gao lua can 2
Tráng mỳ Quảng gạo lúa can. Ảnh: THÙY LIÊN

Về cơ bản, tô mỳ Quảng gạo lúa can cũng không khác mấy so với mỳ Quảng được chế biến từ hạt gạo trắng, chỉ khác màu sắc và độ dai của sợi mỳ.

Với người dân Đại Phong, trong những bữa ăn gia đình, ngày tết, giỗ chạp, dường không thiếu tô mỳ Quảng được chế biến từ sợi mỳ lúa can. Hạt lúa can bản địa được gieo trồng trên vùng đất bãi biền Mỹ Hảo, Đại Phong. Gạo lúa can khi thổi cơm cho màu sắc, hương vị đặc biệt hơn, khi xay mịn để tráng mỳ Quảng thì càng tuyệt.

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, người con của xã Đại Phong (hiện sống ở Đà Nẵng) chia sẻ, tô mỳ Quảng từ hạt gạo lúa can là ẩm thực đậm hương vị quê hương.

“Ngày tết, giỗ chạp, tôi và nhiều người trong tộc họ cố gắng vận động bà con, người quen nấu cho được bữa mỳ Quảng làm từ hạt gạo lúa can để ai cũng được thưởng thức hương vị quê. Đó cũng là dịp nhắc nhở con cháu về tình yêu quê, yêu hương vị đặc trưng của món ăn truyền thống, một loại đặc sản riêng có của Đại Phong” - nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên chia sẻ.

my lua can 2
Tô mỳ Quảng gạo lúa can. Ảnh: THÙY LIÊN

Mỳ Quảng được làm từ hạt gạo lúa can có hương vị đặc biệt, lạ miệng hơn mỳ Quảng được chế biến từ hạt gạo trắng.

Lò tráng mỳ Quảng của bà Tào Thị Nhơn (SN 1964) hay một vài điểm tráng mỳ Quảng từ hạt gạo lúa can trong vùng là nơi lưu giữ hương vị đặc sản quê hương này.

Mỗi ngày, cứ tầm 2 giờ sáng, gia đình bà Nhơn đã thức dậy xay gạo, tráng mỳ. Với bà Nhơn, việc không sử dụng các thiết bị máy móc để tráng mỳ là cách đảm bảo không làm mất đi màu nâu hồng tự nhiên và độ mềm dẻo của từng sợi mỳ. Theo bà, tráng thủ công cũng sẽ lưu được hương thơm và vị ngọt từ hạt gạo bản địa.

“Mọi thứ đều làm thủ công nên phải thức khuya dậy sớm, đặc biệt nghề này đòi hỏi tính kiên nhẫn và tỉ mỉ, chỉ cần lơ đãng một chút là bột pha có thể bị loãng khiến cho mỳ bị nhão” - bà Nhơn chia sẻ.

Vợ chồng bà Nhơn làm nghề đã ngót nghét 20 năm. “Nhiều nơi cũng muốn mua loại mỳ Quảng này để mang đi xa làm quà nhưng cũng không có nhiều để bán. Chúng tôi chỉ bán lẻ cho bà con trong vùng để giữ truyền thống, giữ nét quê vì nguồn lúa can vốn không nhiều trong dân” - bà Nhơn nói.

TRIÊU NHAN - THÙY LIÊN