Quảng Nam và làn gió mới đầu tư công năm 2025
UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025.

Ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành
Đường Võ Chí Công - 129 thênh thang 4 làn đường, hai chiều kéo dài từ ven biển Điện Bàn đã bị hẹp đoạn 20km khu vực Núi Thành. Liên danh các nhà thầu (Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng, CIENCO 510, Ánh Dương và Vinaconnex 25) hối hả triển khai thi công dự án hoàn thiện con đường này. Tổng vốn đã bố trí đủ hơn 747 tỷ đồng cho dự án để có thể hoàn thiện ngay trong năm 2025.
Không chỉ đường 129, hàng nghìn dự án, công trình “rải” khắp các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh, đang được các chủ đầu tư, nhà thầu tìm mọi cách để thi công xây dựng theo đúng tiến độ.
UBND tỉnh cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Quảng Nam gần 8.312 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 2.929 tỷ đồng và ngân sách tỉnh gần 5.383 tỷ đồng). Các cơ quan quản lý đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết cho các ngành, địa phương 7.264 tỷ đồng (87%), gồm: ngân sách trung ương gần 2.669 tỷ đồng (91%), ngân sách tỉnh hơn 4.595 tỷ đồng (85%).

Theo UBND tỉnh, kế hoạch đầu tư công năm 2025 buộc theo hướng trọng tâm, trọng điểm, cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền. Đây là vốn mồi khai thác tối đa các nguồn vốn khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng 10% đã được ấn định.
Nguồn vốn sẽ được cân đối để bảo đảm hoàn thành các dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, theo thứ tự ưu tiên sau: đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, cho các dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, các dự án dự kiến hoàn thành năm 2025, cho các dự án chuyển tiếp...
Ưu tiên, bố trí vốn hoàn hoàn thành 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án kết nối có tác động lan tỏa, liên kết vùng và dành vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án đầu tư trung hạn 2026 - 2030.
Các dự án vốn nước ngoài ưu tiên bố trí vốn đủ cho các dự án kết thúc hiệp định vay nước ngoài trong năm 2025 và không có khả năng gia hạn. Mức vốn phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2025. Số vốn còn lại chỉ bố trí cho các dự án khởi công mới đã có thủ tục đầu tư (số này không nhiều, chỉ khoảng 18 dự án).
Một làn gió mới về đầu tư công đã thể hiện rất rõ năm 2025 khi lượng kế hoạch vốn đã được phân bổ rất lớn ngay từ các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Điểm mới nhất được nhìn thấy rõ là Quảng Nam đã thực sự kiên quyết loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, cắt giảm tối đa số lượng dự án khởi công mới.
Kiểm soát chặt chẽ về sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu tư của dự án. Việc phân bổ vốn theo hướng bố trí sát vốn với khả năng thực hiện dự án, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn.
Nỗ lực tối đa
Ngày 3/2/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã ra chỉ thị, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và xuyên suốt, phải được thực hiện ngay từ đầu năm 2025.

Chỉ thị yêu cầu giải ngân đạt 100% tổng vốn đầu tư, theo các mốc thời gian cụ thể: Hơn 50% đến hết ngày 31/7/2025; hơn 70% đến hết ngày 30/9/2025; đến hết ngày 31/12/2025 đạt hơn 95% (kế hoạch vốn năm 204 được phép kéo dài đạt 100%) và đến hết ngày 31/1/2026 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2025.
Các chủ đầu tư được lệnh phải đưa ra những giải pháp trọng tâm, cụ thể, phù hợp thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phân công theo “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả.
Bên cạnh xếp loại thi đua đối với cán bộ công chức, viên chức, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu... thì các chủ đầu tư buộc phải báo cáo định kỳ trước ngày 3 hàng tháng về giải ngân.
Điểm khác biệt là không phải chỉ báo cáo bằng những con số khô cứng, liệt kê mà báo cáo định kỳ phải có thuyết minh, chi tiết dự án cụ thể, nguyên nhân các trường hợp dự án giải ngân đạt thấp, các vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ và phải có số liệu ước giải ngân cho tháng tiếp theo.
Xác định giải phóng mặt bằng là “nút thắt” trong triển khai dự án cần tập trung chỉ đạo cụ thể và quyết liệt. Các số liệu và tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư, địa phương thấp hơn trung bình cả tỉnh sẽ buộc cơ quan quản lý công khai.
Việc điều chuyển vốn sẽ được thực hiện triệt để. Nếu đến hết ngày 30/9/2025, các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 70% kế hoạch vốn đã bố trí buộc phải điều chỉnh cho các dự án khác có khả năng giải ngân ngay sau khi bổ sung kế hoạch vốn.
Một “sự vụ” quan trọng khác là đến hết ngày 31/12/2025, các dự án do các ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư, không giải ngân hết nguồn vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian giải ngân sang 2025, buộc phải nộp trả ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu địa phương rơi vào tình trạng này thì bị buộc phải bố trí ngân sách địa phương để tiếp tục thực hiện dự án đối với phần vốn đã phải nộp trả...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho hay, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nên phải bứt phá, tạo tiền đề cho thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số từ năm 2025.
Đầu tư công là lĩnh vực hết sức quan trọng, là “đòn bẩy” dẫn dắt đầu tư tư, phát triển kinh tế. Vì vậy phải tìm mọi biện pháp, hạ quyết tâm cao nhất để hoàn thành tỷ lệ giải ngân.