Giảm nghèo - An sinh

Đưa nước sạch về làng ở Nam Giang

ĐĂNG NGUYÊN (alangnguoc@gmail.com) 25/02/2025 08:00

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nam Giang tích cực đầu tư các hạng mục công trình nước sạch, tăng cường tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt trong cộng đồng.

dsc_0026.jpg
Niềm vui của trẻ em xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang) khi đón nhận những dòng nước sinh hoạt tự chảy dẫn về tận làng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cuối năm 2024, đồng bào Cơ Tu ở thôn Pà Tôi (xã Tà Pơơ) vui mừng đón dòng nước sạch từ công trình nước suối tự chảy dẫn về đến khu dân cư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 190 hộ dân ở làng.

Ông Zơrâm Thực - Chủ tịch UBND Tà Pơơ cho biết, từ việc linh hoạt trong việc đầu tư nước sinh hoạt cho cộng đồng miền núi, ngoài thôn Pà Tôi, những năm qua địa phương hỗ trợ đầu tư công trình nước sạch cho nhiều điểm thôn khác của xã.

Qua đánh giá, hầu hết công trình nước sinh hoạt phát huy tác dụng, giúp hàng trăm hộ đồng bào Cơ Tu có thêm điều kiện ổn định cuộc sống, ngay cả trong thời điểm mưa lũ và nắng nóng kéo dài.

Lồng ghép từ nhiều nguồn lực, đến nay, Nam Giang triển khai đầu tư xây dựng 18 công trình nước sạch sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 53 tỷ đồng, giúp tỷ lệ người dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 80%. Trong đó, có nhiều dự án từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.

img_0033.jpg
Từ nguồn lực đầu tư của nhà nước, huyện Nam Giang nỗ lực xây dựng hệ thống nước sinh hoạt đến với cộng đồng địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho hay, cùng với mục tiêu phát triển sinh kế, địa phương ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hệ thống nước sạch tại các khu dân cư, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trên cơ sở tập trung chỉ đạo của huyện, Nam Giang đặt mục tiêu giải ngân ở mức độ cao nhất nhằm giúp có thêm nhiều dự án mới, công trình dân sinh mới phục vụ cuộc sống người dân địa phương.

“Đối với hạng mục nước sạch nông thôn, đây là vấn đề khó trên địa bàn huyện. Bởi địa hình đồi núi nên nước sinh hoạt phải dẫn từ xa, rất tốn kém. Tuy nhiên, cho đến nay, huyện cũng cố gắng gần như tất cả thôn đều được ưu tiên nguồn lực để có nước sinh hoạt. Nơi nào có trục trặc, hư hỏng thì phải bố trí nguồn lực kịp thời sửa chữa, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt” - ông Hường nói.

ĐĂNG NGUYÊN (alangnguoc@gmail.com)