Thế giới

Tận dụng cơ hội từ AI

QUỐC HƯNG 01/03/2025 07:30

Được trang bị các kỹ năng về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ, phụ nữ khắp Đông Nam Á tìm thấy những cơ hội kinh doanh và nghề nghiệp mới.

maxresdefault.jpg
Doanh nhân Kagohashi (phải) tại Philippines học cách bán hàng trên nền tảng truyền thông xã hội. Ảnh: Globalissues

Philippines là quốc gia có nhiều hòn đảo nhất trên thế giới với hơn 7.000 hòn đảo lớn nhỏ. Chính điều này dẫn đến việc cư dân của các hòn đảo xa xôi thường khó tiếp cận các trung tâm đô thị của đất nước, cũng như không thể hưởng lợi đầy đủ cơ hội đào tạo do Liên hiệp quốc và các đối tác cung cấp.

Nhưng từ tháng 12/2023, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện sáng kiến hỗ trợ các chủ doanh nghiệp, đặc biệt là nữ doanh nhân với sự trợ giúp của chatbot AI mới nhất.

Chuyên gia kỹ thuật của ILO Hideki Kagohashi cho biết, trong nhiều trường hợp, người hướng dẫn không còn cần phải đi đến các ngôi làng ở những hòn đảo và vùng núi xa xôi. Người hướng dẫn sẽ là chatbot - ứng dụng có thể trò chuyện với người dùng bằng giọng nói hoặc văn bản trên điện thoại di động.

Trên đảo Siargao, chatbot đang cung cấp kỹ năng từ ứng dụng công nghệ đến phương thức tiếp thị, giúp phụ nữ địa phương quảng bá và bán nông sản trên các nền tảng truyền thông xã hội. Các ứng dụng không chỉ giúp giảm thời gian cần thiết để đăng bài mà còn hỗ trợ chiến lược bán hàng hấp dẫn hơn.

“Trước đây, các doanh nghiệp như tôi thường ngừng đăng bài vì mất quá nhiều thời gian. Nhưng giờ đây, với AI tạo sinh, các chủ hàng có thể nhanh chóng tạo ra nội dung chất lượng cao hơn, có hình ảnh hoặc video liên quan, các bài đăng đa dạng hơn hằng ngày, hoàn chỉnh với mục tiêu đối tượng theo giọng điệu và nội dung, dẫn đến mức độ tương tác trực tuyến cao hơn và doanh số tăng” - nữ doanh nhân Kagohashi giải thích.

Tại Thái Lan, khi Jidapa Nitiwirakun khoảng một tuổi, mẹ cô nhận thấy cô không biết đi. Một bác sĩ chẩn đoán cô bị loạn dưỡng cơ. Ở tuổi 21 hiện nay, Jidapa Nitiwirakun có thể tìm được việc làm, mặc dù phải sống chung với căn bệnh.

dr-hasyiya-1536x1026.jpg
Phó GS.TS Hasyiya Karimah Adli chuyên ngành AI tại Malaysia. Ảnh: News.microsoft.com

Ngồi trên xe lăn, Jidapa Nitiwirakun chia sẻ, khi còn học tại Cao đẳng Công nghệ Pattaya Redemptorist dành cho người khuyết tật, cô tham gia chương trình kỹ năng việc làm của Microsoft, từ lập trình, PowerPoint đến AI.

Vào tháng 9 năm ngoái, cô gia nhập bộ phận nhân sự của Công ty Toyota Tsusho có trụ sở chính tại Thái Lan, sống tự lập và làm việc từ xa tại nhà riêng ở Pattaya thuộc tỉnh ven biển Chonburi. Toyota Tsusho là bộ phận giao dịch của gã khổng lồ ô tô Nhật Bản.

Vài năm trước, Hasyiya Karimah Adli tại Malaysia là học giả chuyên về năng lượng mặt trời. Để mở rộng quy mô các trang trại năng lượng sạch, Hasyiya - một nhà hóa học có bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật vật liệu phải chuyển sang điện toán. Năm 2021, cô tham gia Code: không rào cản - sáng kiến ​​của Microsoft nhằm thu hẹp khoảng cách giới tính trong công nghệ đám mây, AI và kỹ thuật số.

Hiện nay, Hasyiya Karimah Adli là nữ Phó giáo sư - tiến sĩ (38 tuổi) và là trưởng khoa sáng lập của Khoa Khoa học dữ liệu và điện toán tại Đại học Malaya Kelantan thuộc bán đảo đông bắc Malaysia.

Cũng tham gia sáng kiến kỹ năng việc làm của Microsoft, cô Shelin Puspa Arum (25 tuổi) tại Indonesia học một số khóa học cơ bản gồm Excel, Word, PowerPoint và phân tích dữ liệu.

Với những chứng chỉ đó, cô tìm được việc làm vào giữa năm 2023 với tư cách là nhân viên kiểm soát chất lượng cho một công ty nhập khẩu hàng hóa. Năm ngoái, Arum học năm cuối chuyên ngành lịch sử tại Đại học bang Malang với hình thức học từ xa. Cô vẫn tiếp tục làm việc toàn thời gian trong khi hoàn thành luận án.

Arum cho biết cô sử dụng Excel để phân tích dữ liệu kiểm soát chất lượng và tạo biểu đồ, xuất bảng sang Word. Nếu quên công thức cho Excel, cô sử dụng ChatGPT từ OpenAI và nghĩ rằng các kỹ năng AI sẽ giúp cô thăng tiến trong công ty từ việc tìm hiểu và tiếp cận công nghệ mới.

QUỐC HƯNG