Thủy sản

Quảng Nam chung sức gỡ “thẻ vàng” thủy sản

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com) 06/03/2025 08:05

Sau gần 7 năm nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, nghề cá Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn đó một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục.

Tau ca
Tàu câu mực khơi QNa-95579 của ngư dân Trần Văn Môn chuẩn bị ra khơi ngày 25/2/2025, từ cảng cá Tam Quang, Núi Thành. Ảnh: QUANG VIỆT

Những thành quả

Có hơn 20 năm theo nghề đánh bắt hải sản, từ đi “bạn” cho nghề lưới vây đến sở hữu con tàu QNa-95579 hành nghề câu mực khơi, ngư dân Trần Văn Môn (thôn Bình Tinh, xã Bình Minh, Thăng Bình) hiểu rõ những nhọc nhằn mưu sinh trên biển.

Ông Môn nói, năm 2017 khi Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” thủy sản nước ta, giá trị hải sản đánh bắt được bị giảm hẳn do ách tắc xuất khẩu. Ông Môn mong Quảng Nam cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản để xuất khẩu ổn định, nguyên liệu cá, mực được giá bán sau chuyến biển.

Chuẩn bị cho chuyến câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa với 45 bạn biển, ngư dân Trần Văn Môn có mặt từ rất sớm ở Văn phòng Kiểm soát nghề cá Quảng Nam (cảng cá Tam Quang, Núi Thành) để làm thủ tục xuất cảng.

Ông Môn cho biết, nhờ được phổ biến các kiến thức về khai thác trên biển, ngư dân thực hiện nghiêm các quy định, nhất là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU).

Nếu như trước đây, ngư dân ít quan tâm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu cá thì nay tuân thủ quy định và kết nối GSHT xuyên suốt chuyển biển.

“Với vận hành GSHT, tôi được ngành chức năng cảnh báo tín hiệu khi không may tàu câu mực đến sát vùng biển nước bạn, vùng biển tranh chấp. Tôi đều đặn ghi chép thời gian, tọa độ, sản lượng câu mực khơi mỗi ngày để nộp lại cho ngành chức năng khi tàu về cảng” - ông Môn nói.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, rất đáng mừng là từ năm 2022 đến nay Quảng Nam không có tàu cá bị bắt giữ, xử lý vì xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động trên biển đều lắp đặt, vận hành GSHT. Đến nay Quảng Nam hoàn thành cấp phép tàu cá “3 không”. Tàu cá vi phạm mất kết nối GSHT quá 6 giờ trên biển nhưng không thông báo đều được xác minh, xử lý khi về bờ.

Nhiều việc phải làm

Ngày 27/2, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

iuu.jpg
Kết thúc chuyến đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, tàu cá của ngư dân Nguyễn Thanh Vương (xã Tam Quang, Núi Thành) cập cảng cá Tam Quang bán hải sản vào chiều ngày 9/2/2025. Ảnh: QUANG VIỆT

Hội nghị có sự tham gia của 8 tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, cũng là một bước chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra của EC.

Đối với nghề cá tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã phân tích nhiều hạn chế, vướng mắc.

Cụ thể: Từ ngày 1/2 đến ngày 17/2/2025, Quảng Nam không cập nhật tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU. Quảng Nam có 2.627 tàu cá đăng ký cập cảng Tam Quang nhưng chỉ có 534 tàu cá cập cảng, chỉ chiếm 20,3%.

Quảng Nam có 5 tàu cá vượt ranh giới vùng biển được phép khai thác hải sản nhưng về bờ không bị xử lý. Theo quy định, tàu cá khi đã thông báo mất kết nối GSHT nhưng không thể kết nối lại được thì phải đưa tàu về bờ trong vòng 9 ngày; tuy nhiên trong khoảng thời gian trên Quảng Nam nhận 17 lượt thông báo tàu cá mất kết nối GSHT đã quá 10 ngày trên biển nhưng chỉ có 2 tàu bị xử phạt.

Cùng với tỷ lệ vụ vi phạm IUU của ngư dân bị xử phạt thấp, Quảng Nam chưa xử phạt tàu cá không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hải sản…

Bà Lê Thủy Trinh cho biết, để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Quảng Nam quản lý chặt đội tàu, đảm bảo tàu cá đánh bắt hải sản và thu mua nguyên liệu hải sản trên biển đúng quy định.

Quảng Nam đảm bảo tàu cá không đủ điều kiện không được tham gia sản xuất trên biển. Để thực hiện việc này, Sở Nông nghiệp và Môi trường phân công người giám sát vị trí neo đậu từng tàu cá; đề nghị chủ tàu không để ngư cụ khai thác hải sản trên tàu cá không đủ điều kiện hoạt động trên biển.

Theo bà Trinh, Quảng Nam đang nỗ lực theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm từng tàu cá tại cộng đồng ngư dân, khi xuất cảng và trên biển.

Trong đó, giám sát tại cộng đồng gồm các lực lượng thanh tra, công an, bộ đội biên phòng; khi xuất cảng gồm cán bộ quản lý cảng cá, bộ đội biên phòng, công an và trên biển gồm bộ đội biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển.

Dự kiến, EC sang Việt Nam kiểm tra khắc phục “thẻ vàng” thủy sản tại các tỉnh miền Trung từ ngày 21 đến ngày 31/3.

Nội dung làm việc sẽ tập trung 4 vấn đề lớn gồm quản lý đội tàu; kiểm soát nguyên liệu hải sản nhập khẩu vào nước ta; truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác của ngư dân; thực thi pháp luật, đặc biệt xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bà Lê Thủy Trinh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý các tỉnh, thành phố quyết tâm hành động gỡ “thẻ vàng” với tâm thế “dứt điểm, đối diện, không đối phó”.

Đặc biệt, chính quyền, ngư dân, doanh nghiệp cùng chung sức, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng theo nguyên tắc “5 rõ”, gồm: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ nguồn lực, rõ trách nhiệm.

Ông Phan Đình Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá, Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Nam, cho biết:

Truy xuất nguồn gốc hải sản sau khai thác rất cấp thiết với Quảng Nam. Việc này đảm bảo mục tiêu giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác được cấp không vi phạm IUU.

Ngành chức năng sẽ chú trọng nhập dữ liệu chuyến biển lên Google Sheets và truy xuất nguồn gốc hải sản điện tử (eCDT); rà soát hồ sơ cấp giấy xác nhận, chứng nhận hải sản...

VIỆT NGUYỄN (nguyenquangviet08@gmail.com)